Giao lưu nhân dân “giữ lửa” tình hữu nghị Việt - Nga
Đại sứ Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi. |
- Giao lưu nhân dân cần tập trung vào những nội dung nào để góp phần “giữ lửa” tình hữu nghị Việt – Nga thưa Đại sứ?
Tình cảm đặc biệt giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Liên Xô trước đây, cũng như Nga hiện nay, đã trở thành một biểu tượng của sự đoàn kết và tình hữu nghị quốc tế.
Qua nhiều thế hệ, chúng ta đã chia sẻ với nhau không chỉ những thách thức và khó khăn mà còn cả những khoảnh khắc vinh quang và hạnh phúc, thấm đượm tình cảm sâu sắc giữa nhân dân hai nước. Nhân dân Việt Nam luôn luôn ghi nhớ và biết ơn sự giúp đỡ quý báu, chí tình của nhân dân Liên Xô và Liên bang Nga trong cả giai đoạn kháng chiến và xây dựng đất nước sau này.
Để “giữ lửa” tình hữu nghị Việt – Nga, việc thúc đẩy giao lưu nhân dân là vô cùng cần thiết. Các hoạt động giao lưu nhân dân không chỉ giúp duy trì và phát triển quan hệ hữu nghị mà còn tạo ra những cơ hội mới để nhân dân hai nước hiểu và gắn bó hơn với nhau.
Trước hết, cần đẩy mạnh các chương trình trao đổi và giao lưu văn hóa. Các hoạt động giao lưu giữa các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ hai nước, cần được tổ chức thường xuyên và quy mô hơn, tạo ra không gian để các thế hệ người dân hai nước gặp gỡ, giao lưu, học hỏi và hiểu biết lẫn nhau, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tình hữu nghị Việt – Nga, góp phần củng cố và làm sâu sắc hơn tình hữu nghị giữa hai quốc gia, hai dân tộc. Về hợp tác giáo dục-đào tạo, trước đây, Liên Xô đã giúp Việt Nam đào tạo gần 40 nghìn cán bộ và chuyên gia giỏi thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau. Hiện nay, Nga tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực. Từ năm 2019, Nga đã tăng số học bổng cho Việt Nam lên khoảng 1000 suất/năm. Hiện có khoảng hơn 5.000 sinh viên Việt Nam du học tại Nga.
Sự kiện Giao lưu văn hóa Việt - Nga do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Đà Nẵng tổ chức, tháng 11/2023. (Ảnh: DAFO) |
Bên cạnh đó, việc tổ chức các hoạt động giao lưu nhân dân thông qua các hội thảo, diễn đàn, và các chương trình hợp tác xã hội cũng rất cần thiết. Những hoạt động này sẽ tạo ra không gian để người dân hai nước gặp gỡ, trao đổi ý tưởng và hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau, từ đó làm sâu sắc quan hệ hữu nghị truyền thống Việt – Nga. Ngoài ra, tôi cho rằng, công nghệ và mạng xã hội cũng có thể được tận dụng để thúc đẩy giao lưu nhân dân. Việc phát triển các nền tảng trực tuyến để người dân hai nước có thể kết nối, chia sẻ và học hỏi lẫn nhau sẽ mở ra những cơ hội mới cho sự giao lưu và hợp tác.
Chúng ta cần tiếp tục nuôi dưỡng và phát triển mối tình hữu nghị đặc biệt này bằng tất cả tâm huyết và nỗ lực. Với sự quan tâm, đồng sức đồng lòng của các cấp, các ngành hai nước, tôi tin rằng tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và Nga sẽ ngày càng bền chặt và phát triển mạnh mẽ, trở thành nền tảng vững chắc cho việc phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt Việt – Nga lên một tầm cao mới.
-Theo Đại sứ, cần làm gì để phát huy và thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực như giáo dục – đào tạo và khoa học – công nghệ?
Để phát triển hợp tác khoa học - công nghệ, hai bên cần quan tâm triển khai các chương trình, dự án hợp tác nghiên cứu chung trong các lĩnh vực Nga có thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu ở các lĩnh vực như: khoa học sự sống, công nghệ năng lượng, công nghệ vũ trụ, sử dụng hợp lý tài nguyên môi trường; nghiên cứu cơ bản, Fintech, trí tuệ nhân tạo, lĩnh vực y sinh… Hai nước cần có chính sách và dành nguồn lực tài chính thích đáng đầu tư cho các chương trình, dự án hợp tác nghiên cứu chung, đồng thời, tăng cường trao đổi đoàn, trao đổi cán bộ khoa học, kết nối mạng lưới hợp tác giữa các cơ sở nghiên cứu, đào tạo…
Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, để phát huy hơn nữa hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực này, hai nước đang khẩn trương hoàn thiện cơ sở pháp lý, sớm ký mới Hiệp định về hợp tác giáo dục thay thế Hiệp định ký năm 2005, Hiệp định về thành lập và hoạt động của Trung tâm Pushkin; gia hạn Hiệp định đào tạo công dân Việt Nam tại Nga đến năm 2030… Đối với việc đào tạo nguồn nhân lực tại Liên bang Nga diện Hiệp định, chúng ta cần ưu tiên cử sinh viên đi đào tạo các khối ngành kỹ thuật, khoa học ứng dụng, công nghệ tài chính; phối hợp giữa các bộ liên quan để tăng số lượng học bổng cho các ngành Y và các ngành đào tạo trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật.
Hằng năm, Chính phủ Nga cấp 1000 suất học bổng cho công dân Việt Nam sang học tập tại Nga. Để thu hút công dân Việt Nam sang học tập tại Nga, cần thúc đẩy công tác tuyên truyền về nền giáo dục và các trường đại học Nga tại các địa phương ở Việt Nam, mở rộng đối tượng tuyển sinh nhằm tăng cơ hội nhận học bổng cho học sinh Việt Nam trên toàn quốc.
Về phía Nga, nên có chính sách tạo điều kiện để sinh viên Việt Nam sau khi tốt nghiệp có thời gian tìm kiếm cơ hội việc làm ngay tại Nga để bù đắp tình trạng thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như thiếu hút lao động ngày càng tăng. Tôi hy vọng rằng, với nền tảng quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, chuyến thăm chính thức Việt Nam sắp tới của Tổng thống Nga V. Putin sẽ mang đến động lực mới để hai nước ngày càng hợp tác chặt chẽ, hiệu quả, hướng tới tương lai tốt đẹp hơn.
- Trân trọng cảm ơn đại sứ!