Giải quyết những thách đối với lao động nữ sẽ cải thiện địa vị của người phụ nữ trong xã hội
(Ảnh minh họa) |
Việt Nam đang có tỷ lệ phụ nữ tham gia thị trường lao động đạt 48 – 49%, với khoảng 73% phụ nữ (trong tổng số giới nữ) làm việc; phụ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt trên 31%; những con số này đều thuộc nhóm cao nhất của khu vực Đông Nam Á. Khoảng cách thu nhập giữa phụ nữ và nam giới thấp hơn so với nhiều quốc gia khác.
Hiện nay, lực lượng lao động nữ của Việt Nam đang được hưởng nhiều cơ hội, tuy nhiên cũng gặp không ít thách thức do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. Theo kết quả nghiên cứu về lao động nữ tại Việt Nam do mạng lưới Hỗ trợ lao động di cư Việt Nam (M.net) thực hiện, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra mạnh mẽ, lao động nữ đứng trước nguy cơ mất việc làm do bị máy móc thay thế.
Đặc biệt, lực lượng lao động nữ chưa qua đào tạo gặp không ít khó khăn do trình độ chuyên môn, kỹ thuật, kỹ năng, thể lực và tác phong lao động công nghiệp còn hạn chế so với yêu cầu cao của thị trường lao động.
Theo báo cáo năm 2019, còn khoảng 79,5% lao động nữ trong độ tuổi lao động chưa qua đào tạo. Đây là nhóm yếu thế trên thị trường lao động, với tỷ lệ thất nghiệp cao hơn bình quân chung của cả nước, việc làm bấp bênh, thu nhập thấp. Những vấn đề đó đã tác động rất nhiều đến cuộc sống gia đình, cơ hội phát triển nghề nghiệp và tạo ra bất bình đẳng đối với lao động nữ.
Giải pháp M.net đưa ra là phải liên tục đào tạo và đào tạo lại cho lao động nữ, giúp họ nắm bắt được những kỹ năng mới, công nghệ mới để có thể thích ứng với những thay đổi trong thời kỳ cách mạng 4.0.
Bản thân lao động nữ cũng cần nâng cao nhận thức, học tập, rèn luyện, đi trước đón đầu các thông tin cần thiết; nỗ lực tự trau dồi, trang bị cho mình khả năng học hỏi, phải sẵn sàng tiếp thu những kỹ năng mới để phù hợp với tình hình. Người sử dụng lao động phải tạo điều kiện cho nữ giới tham gia các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, có các biện pháp tạo việc làm, cải thiện điều kiện lao động, nâng cao trình độ nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe, tăng cường phúc lợi về vật chất và tinh thần của lao động nữ.
Trả lời TTXVN, bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nhận định, những thách đối với lao động nữ nếu được quan tâm giải quyết sẽ tác động tích cực trong việc cải thiện địa vị của người phụ nữ trong vai trò người mẹ, người lao động và người công dân.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách về đào tạo nghề cho lao động nói chung, lao động nữ nói riêng, thông qua các Chương trình, Đề án của Chính phủ. Tuy nhiên, các Đề án này thời gian đào tạo ngắn, chủ yếu đào tạo trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng, nội dung đào tạo tập trung vào một số lĩnh vực, ngành nghề mang tính giản đơn, chưa tạo ra thay đổi căn bản để người lao động thích ứng được với cách mạng 4.0. Do vậy, để giúp lao động nữ có cơ hội có việc làm, Nhà nước cần đảm bảo lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình xây dựng và thực thi các chính sách đào tạo nghề, có chính sách đào tạo nghề riêng cho phụ nữ, có các giải pháp hỗ trợ, bảo đảm cho nữ có cơ hội lựa chọn ngành nghề đúng với năng lực, sở trường.
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đề nghị Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm chỉ đạo các ngành chức năng nghiên cứu để hoàn thiện các chính sách có lồng ghép giới theo quy định của Luật Bình đẳng giới, tạo điều kiện để phụ nữ nói chung, đặc biệt là phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ, phụ nữ nông thôn, phụ nữ di cư, phụ nữ dân tộc thiểu số có cơ hội được tiếp cận, thụ hưởng đầy đủ các chính sách an sinh xã hội. Đặc biệt, cần coi đây là vấn đề nền tảng phúc lợi, là ưu việt mà chế độ xã hội chủ nghĩa mang lại cho mỗi người dân để từng bước quan tâm giải quyết.