Công đoàn dệt may Việt Nam: Đề xuất lao động nữ được nghỉ hưu sớm so với tuổi quy định
Chăm lo quyền lợi đoàn viên
Phát biểu tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, bà Phạm Thị Thanh Tâm - Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam - cho biết: “Ngành Dệt may Việt Nam hiện có tới 67% là lao động nữ. Thời gian qua, Công đoàn Dệt May Việt Nam luôn xác định chăm lo, bảo vệ quyền lợi và đồng hành cùng lao động nữ trong xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu”.
Để chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho lao động nữ, Công đoàn Dệt May Việt Nam đã chú trọng tuyên truyền, phổ biến chính sách, kiến thức liên quan đến nữ, bình đẳng giới, gia đình, trẻ em, sức khỏe sinh sản bằng nhiều hình thức, trong đó ưu tiên mạng xã hội và hình ảnh trực quan sinh động, dễ gần, dễ hiểu.
Công đoàn Dệt May Việt Nam cũng tích cực tham gia xây dựng chính sách có liên quan đến quyền, lợi ích của lao động nữ như: Góp ý bổ sung sửa đổi Bộ Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, xây dựng và triển khai Chương trình “Xây dựng môi trường làm việc bình đẳng, vì sự tiến bộ của lao động nữ”; ký kết Thỏa ước lao động tập thể cấp ngành với nhiều nội dung có lợi cho lao động nữ.
Bà Phạm Thị Thanh Tâm - Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam phát biểu tham luận tại Đại hội. |
Tại cấp cơ sở, bản thỏa ước lao động tập thể của nhiều đơn vị quy định các điều khoản cao hơn luật dành cho lao động nữ như: Tầm soát ung thư, khám sức khỏe sinh sản, tổ chức chuyền may riêng với ghế ngồi phù hợp và suất ăn dinh dưỡng cho lao động nữ mang thai, tặng quà cho lao động nữ sinh con trong kế hoạch, hỗ trợ chi phí gửi trẻ, hỗ trợ chi phí tránh thai cho lao động nữ khi đã sinh đủ 2 con.
Các phong trào thi đua trong lao động nữ, đặc biệt là phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” được đổi mới cả về nội dung và hình thức. 5 năm qua, có trên 41.700 lượt nữ công nhân viên chức lao động đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” các cấp.
Cần thêm ưu đãi tới lao động nữ
Tại Đại hội, Chủ tịch công đoàn Dệt May Việt Nam đã trình bày nhiều kiến nghị với Chính phủ, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và các bộ, ngành liên quan.
Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan kết nối các ngành nghề phù hợp với từng lứa tuổi. Nhằm qua đó hỗ trợ người lao động đã hết tuổi nghề ở những công việc nặng nhọc nhưng vẫn có thể tìm được việc phù hợp ở các trung tâm dịch vụ việc làm.
Các chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ cần được thúc đẩy thực thi trên thực tế, để khuyến khích doanh nghiệp thực hiện tuyển dụng lao động nữ, chi các khoản chi tăng thêm cho lao động nữ, đầu tư xây dựng nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo, cơ sở y tế, công trình văn hóa, công trình phúc lợi khác, giúp người lao động, đặc biệt là lao động nữ giảm thiểu khó khăn, yên tâm công tác.
Quan tâm cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để người lao động, đặc biệt là lao động nữ được tiếp cận các loại hình nhà ở xã hội, dịch vụ thiết yếu, vay vốn làm kinh tế; nguồn kinh phí chuyển đổi nghề nghiệp, đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng tay nghề, giúp lao động nữ nâng cao năng lực thích ứng, có việc làm bền vững.
Công đoàn Dệt May Việt Nam cũng đề nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cùng các bộ ngành có liên quan: Nghiên cứu, rà soát đề xuất sửa đổi, bổ sung danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, làm cơ sở xét điều kiện về tuổi hưởng lương hưu của người lao động, trong đó có lao động nữ; phân loại hợp lý nhóm lao động trực tiếp, lao động làm công việc nặng nhọc độc hại, để người lao động, lao động nữ được nghỉ hưu sớm hơn so với lộ trình tuổi quy định nhằm đảm bảo sức khỏe và an toàn lao động.
Công đoàn Dệt May Việt Nam cũng đề nghị Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam nghiên cứu ban hành các đề án thúc đẩy hỗ trợ nữ công nhân viên chức lao động xây dựng hạnh phúc gia đình; chăm sóc, nuôi dạy con. Tham gia xây dựng chính sách, cơ chế hỗ trợ đời sống, việc làm của lao động nữ, đặc biệt là chính sách hỗ trợ lao động nữ di cư, lao động có hoàn cảnh đặc biệt trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.