Giải pháp nào kiểm soát chênh lệch giới tính sau sinh?
Theo báo cáo thực trạng dân số thế giới năm 2020 của Quỹ Dân số Liên hợp quốc, Việt Nam là một trong ba quốc gia đang có tỷ số giới tính khi sinh cao nhất châu Á.
Chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh tại Việt Nam hiện là 111,7 bé trai/100 bé gái. Dự báo đến năm 2034, Việt Nam sẽ "thừa" khoảng 1,5 triệu nam giới lứa tuổi từ 15-49 và đến năm 2059, con số này sẽ tăng lên 2,5 triệu (bằng 9,5% dân số nam) nếu tỷ số giới tính khi sinh không giảm.
Việt Nam thực hiện nhiều giải pháp để kiểm soát chênh lệch giới tính. Ảnh minh họa: Internet |
Các chuyên gia chỉ rõ, bất bình đẳng giới chính là nguyên nhân sâu xa dẫn tới mất cân bằng giới tính khi sinh. Theo ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng Cục trưởng Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho biết, cần nhiều giải pháp để kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, một trong những giải pháp quan trọng và hiệu quả là nâng cao vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội. Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tư duy, nhận thức và hành động trong vấn đề chênh lệch giới tính khi sinh. Truyền thông giáo dục bằng nhiều nội dung, hình thức phù hợp để tạo dư luận xã hội ủng hộ và xóa dần sự phân biệt giữa con trai và con gái trong quan niệm của nhiều người dân; nâng cao vị thế, vai trò phụ nữ, bảo đảm sự bình đẳng giới nam và nữ.
Ðịnh hướng xây dựng nhiều chương trình cộng đồng cho giới nữ cũng như đẩy mạnh hình ảnh nữ quyền trong các hoạt động dành cho nữ giới. Mặt khác, tổ chức các cuộc truyền thông tư vấn, nói chuyện chuyên đề về thực trạng, nguyên nhân, hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, người đứng đầu dòng họ... Các chương trình truyền thông cần đa dạng hình thức, trong đó đẩy mạnh truyền thông kỹ thuật số, truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội... với những nội dung tập trung vào vấn đề định kiến giới, tâm lý ưa thích con trai hơn con gái.
Ngoài ra, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến Luật Bình đẳng giới, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc thực hiện bình đẳng giới của toàn xã hội, từng bước xóa bỏ bất bình đẳng giới.
Bên cạnh đó, tạo điều kiện để phụ nữ tham gia vào các hoạt động của xã hội nhiều hơn, để các gia đình thấy được đẻ con gái cũng vẻ vang, tuyệt vời như đẻ con trai. Phối hợp nhiều cơ quan, đoàn thể để lồng ghép nội dung về mất cân bằng giới tính khi sinh và bình đẳng giới đến đông đảo mọi tầng lớp người dân nhằm nâng cao nhận thức ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức. Chỉ khi phụ nữ được bình đẳng với nam giới, mọi người nhận thức được "con nào cũng là con" thì tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh mới được giải quyết.
Với mục tiêu tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 28/NQ-CP phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chương trình, chính sách nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới như: chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025; chương trình Truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030; chương trình quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025...