Gia đình Hà Nội trồng 14 tháp rau tươi tốt trên sân thượng
Hơn 10 năm nay, chị Ngọc Anh (Đại La, Hà Nội) trồng rau sạch trên sân thượng của gia đình mình. Trước đây, chị Ngọc Anh chủ yếu trồng rau trong thùng xốp. Sau nhiều năm khá vất vả với việc chăm sóc khu vườn trên cao để có rau sạch, cuối năm 2017, bà mẹ trẻ quyết định mua và trồng thử nghiệm 2 tháp rau hữu cơ.
Sau khi cảm thấy việc trồng rau trên tháp có khá nhiều ưu điểm, chị đã mua thêm 1 - 2 tháp mỗi tháng. Hiện tại khu vườn trên cao rộng 30m2 của gia đình chị được đặt 14 tháp rau, giúp quanh năm gia đình chị luôn có đa dạng các loại rau quả để thưởng thực. Nhiều khi rau thu hoạch ăn không hết, chị lại đem biếu ông bà hai bên.
Chủ nhân của khu vườn xanh tươi rau quả chia sẻ: "Mỗi ngày tôi chỉ mất khoảng 10 - 15 phút vừa tưới rau, chăm sóc kiêm thu hoạch. Từ ngày chuyển qua trồng tháp, tôi không còn lo lắng mất nhiều thời gian để bón phân, thay đất. Bên cạnh đó, trồng rau trên tháp có thể trồng gối đầu các loại rau mà không lo nấm bệnh. So với những vất vả của việc trồng rau trong thùng xốp như lo thay đất, ủ đất, bón phân..., đôi lúc vất vả quá tôi lại muốn... "bỏ nghề".
Theo kinh nghiệm của chị Ngọc Anh, điều kiện cần thiết để trồng rau trên tháp bao gồm:
- Ánh sáng trực tiếp (được biểu hiện bằng ánh nắng trực tiếp trong những ngày có ánh nắng mặt trời chiều vào) cần từ 3-4 giờ đồng hồ/ ngày. Đây là điều kiện tối thiểu để rau có thể quang hợp tốt.
- Nước: Lượng nước thông thường phải tưới hàng ngày, không như các loại cây khác, rau cần nhiều nước hơn, dễ trồng hơn nhưng lại dễ chết nhanh hơn.
- Có mưa và sương đêm thì rau lớn nhanh hơn: Dù đây không phải là điều kiện cần thiết phải có như ánh nắng trực tiếp, nhưng với những vườn rau được hứng sương đêm, đặc biệt là sau một trận mưa, sáng hôm sau có thể sẽ không nhận ra vườn rau của mình lại tốt đến thế.
Tháp rau của gia đình chị Ngọc Anh được thiết kế trồng theo phương pháp thổ canh tự nhiên, được chia làm 2 phần, phần 1 là phần ngoài tháp được đổ đất hữu cơ để trồng rau, phần lõi tháp đóng vai trò như cơ quan tiêu hóa mà tại đó chứa rác hữu cơ (gốc rau, vỏ hoa quả, bã chè, bã café…) được phân hủy, được ăn bởi trùn quế và các vi sinh vật có ích khác. Trùn quế di chuyển khắp tháp vừa cày xới đất trong tháp tơi xốp, vừa liên tục thải phân trùn giúp đất thêm màu mỡ.
Nước rác, nưới tưới thừa, nước dịch trùn quế thải ra (gọi là dịch trà trùn) được hứng ở khay dưới đáy tháp. Đây là nước chứa nhiều dinh dưỡng, dùng để tưới ngược lên đỉnh tháp bổ sung dinh dưỡng cực tốt cho đất. Bởi vậy, đất trong tháp ngày càng màu mỡ và tới xốp, không cần bón phân thay đất.
Mỗi tháp rau nhà chị Ngọc Anh có đường kính 55cm, cao 115cm, với 55 hốc trồng tương đương với diện tích trồng của 10 thùng xốp, chứa 1 lượng đất khoảng 120 kg (0.17m3) – đủ sâu và nhiều để rau phát triển, đất không bị nóng ngay cả trong điều kiện khắc nghiệt của mùa hè trên sân thượng.
Nhờ cơ chế tự xử lý rác hữu cơ thành phân mà không cần bón thêm phân. Ngoài ra, việc trùn quế hoạt động liên tục giúp đất ngày càng sạch sẽ, với nguồn nước sạch tưới ở các hộ gia đình, rau được trồng trên tháp hoàn toàn canh tác bằng hữu cơ 100%. Bởi vậy, tháp rau được gọi 1 tên khác là “tháp rau hữu cơ”.
Chị Ngọc Anh cho hay: "Rau lớn nhanh nhờ dinh dưỡng và nước đầy đủ, ngoài ra cần một lượng không khí đủ lớn trong đất. Với các loại thiết bị trồng như chậu và thùng xốp, ngoài việc dinh dưỡng không được bổ sung kịp thời và khả năng mất nước nhanh thì không khí trong đất cũng không được đầy đủ. Với tháp rau có lõi giữa, có khả năng đối lưu không khí từ trong ra ngoài, cộng thêm việc cày xới liên tục của trùn quế làm đất tơi xốp, giúp không khí lưu thông luôn đầy ắp trong đất, tăng cường khả năng trao đổi chất của rau ở mức tối đa. Bởi vậy, rau lớn rất nhanh".
Theo chị, trồng rau trên tháp hữu cơ có khá nhiều ưu điểm, không chỉ tối ưu cho nhà phố có diện tích hẹp và người bận rộn, trồng trên tháp cũng là cách giúp bạn có thể đa dạng hóa cây trồng, hạn chế sâu bệnh và giúp "khu vườn" trên cao thêm năng suất hơn nhờ đất giàu dinh dưỡng với các vi sinh vật có lợi. Ngoài ra, cơ chế tự xử lý rác thành phân hữu cơ giúp người trồng đỡ tốn công sức tới 70% (do phải làm lại đất, mua mới đất, phơi đất…) và các chi phí vận hành khác như nước, phân…
Khu vườn sân thượng của chị Ngọc Anh thường trồng rau quả theo mùa giúp cây lớn nhanh, dễ chăm sóc và giúp chị có thêm niềm vui mỗi ngày sau giờ làm việc căng thẳng, vất vả.