Giá điện được đề xuất giảm từ 6 xuống 5 bậc, người dân hưởng lợi gì?
Sáng 21/8, tại phiên chất vấn của Ủy ban thường vụ Quốc hội, ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng cách tính giá bậc thang điện hiện nay chưa phù hợp với người dân. Chẳng hạn định mức bậc 1 trong cơ cấu biểu giá (với điện sinh hoạt) hiện quá thấp, 50kWh. Ngoài ra, theo ông Hòa, người dân trả tiền điện nhưng cũng phải trả tiền thuế VAT, là chưa hợp lý?
Do đó, ông Phạm Văn Hòa đề xuất Bộ Công thương nghiên cứu, nâng mức điện sinh hoạt bậc 1 lên 100kWh và tính toán xem có bỏ được thuế VAT hay không?
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. (Ảnh: quochoi.vn) |
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, biểu giá điện bậc thang là mô hình phát triển của tất cả các quốc gia, khuyến khích các khách hàng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Bởi, điện là sản phẩm rất khác so với các ngành khác, càng sản xuất điện càng gây nguy cơ đến môi trường. Do đó cần nâng cao trách nhiệm trong bảo vệ môi trường vì năng lượng là ngành phát thải khá lớn.
Ở Việt Nam hiện nay, Quyết định 28 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ cấu biểu giá điện bán lẻ bình quân gồm 6 bậc. Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã chủ trì đã sửa đổi Quyết định này.
Theo đó, trong dự thảo trình Chính phủ, giá điện bán lẻ được tính toán lại thành 5 bậc. Trong đó, bậc 1 nâng từ 0 - 50 kwh lên 0 – 100 kWh, như đề xuất của ĐBQH.
Cách tính này, theo Bộ trưởng sẽ góp phần hỗ trợ người nghèo. Đồng thời, mức hỗ trợ người nghèo vẫn giữ như cũ, Ngân sách Nhà nước hỗ trợ tới mức 30 kWh. Từ mức 30 đến hết khung bậc 1, người tiêu dùng vẫn phải thanh toán theo quy định.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Diên, để xóa khoảng cách bất hợp lý giữa các đối tượng sử dụng điện, dự thảo đề nghị điều chỉnh khung giá điện trong sản xuất, sinh hoạt tiệm cận hơn. Một số ngành sản xuất được điều chỉnh tương ứng với biểu giá trong lĩnh vực dịch vụ để đảm bảo không bù chéo giữa các đối tượng sử dụng điện.
Theo Dự thảo về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện mới do Bộ Công Thương xây dựng, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt giảm từ 6 bậc xuống còn 5 bậc. Cụ thể: Bậc 1 (mức sử dụng điện từ 0 - 100 KWh) có giá là 1.806,11 đồng/KWh; bậc 2 (101 - 200 KWh) có giá 2.167,33 đồng/KWh; bậc 3 (201 - 400 KWh) có giá 2.729,23 đồng/KWh; bậc 4 (401 - 700 KWh) có giá là 3.250,99 đồng/KWh và bậc 5 (từ 701 KWh trở lên) có giá 3.612,22 đồng/KWh. Các mức giá này chưa gồm thuế giá trị gia tăng (GTGT).
Trong dự thảo do Bộ Công Thương trình Chính phủ, giá điện bán lẻ (điện sinh hoạt) được tính toán giảm từ 6 xuống 5 bậc. |
Với phương án đề xuất này, bậc có giá thấp nhất cho hộ gia đình dùng là từ 100 KWh trở xuống, thay vì 50 KWh như hiện nay; còn bậc cao nhất từ 701 KWh trở lên. Cơ cấu giá điện bậc thang tính theo giá bán lẻ điện bình quân (2.006,79 đồng/KWh) lần lượt là 90% (bậc 1), 108% (bậc 2), 136% (bậc 3), 162% (bậc 4) và 180% (bậc 5).
Theo Bộ Công thương, ưu điểm của biểu giá điện sinh hoạt 5 bậc là đơn giản, người dân dễ hiểu do giảm từ 6 bậc như cơ cấu biểu giá điện hiện nay xuống còn 5 bậc giá điện. Việc ghép các bậc lại với nhau để tăng khoảng cách mức tiêu thụ tiêu thụ điện giữa các bậc và nới rộng khoảng cách mức tiêu thụ của bậc cao hơn nhằm phản ánh tình hình thực tế tiêu thụ điện và khuyến khích việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả hơn; đồng thời hạn chế được một phần việc tiền điện phải trả tăng cao trong những tháng đổi mùa.
Số tiền ngân sách hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội không thay đổi so với khi áp dụng cơ cấu biểu giá điện hiện hành là 6 bậc.
Đại diện Bộ Công thương cũng cho rằng với biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt 5 bậc, các hộ sử dụng điện từ 710 kWh trở xuống (chiếm 98% số hộ) sẽ có tiền điện phải trả giảm đi so với biểu giá điện sinh hoạt 6 bậc như hiện nay.
Tuy nhiên, nhược điểm của biểu giá bán lẻ điện 5 bậc là 2% với số hộ sử dụng điện còn lại - tức các hộ có mức sử dụng điện cao hơn 711kW/tháng thì sẽ phải trả cao hơn.