Festival Huế 2018: "1 điểm đến 5 di sản"
Chiều 19/12, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức cuộc họp báo quốc tế giới thiệu về Festival Huế 2018.
Đông đảo cơ quan đại diện thông tấn báo chí trong và ngoài nước đã tham dự họp báo quốc tế giới thiệu về Festival Huế 2018. (Ảnh: VGP)
Theo ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Trưởng Ban tổ chức Festival Huế lần thứ X năm 2018 cho biết, Festival Huế 2018 sẽ tập trung nhấn mạnh về tinh hoa văn hóa nghệ thuật Việt Nam, đặc biệt là di sản văn hóa Huế với 5 Di sản đã được UNESCO công nhận: Quần thể Di tích Cố đô Huế (1993), Nhã nhạc cung đình Huế (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2010), Châu bản triều Nguyễn (2014), Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế (2016).
Đồng thời, Festival Huế 2018 cũng gắn với các sự kiện chính trị, lịch sử văn hóa của Thừa Thiên Huế và Quốc gia: Kỷ niệm 230 năm sự kiện Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế tại Núi Bân (1788-2018); Kỷ niệm 50 năm tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968-2018); 25 năm quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới (1993-2018); 15 năm Âm nhạc Cung đình Huế được UNESCO công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể của nhân loại (2003-2018).
“Festival Huế lần thứ X là sự kế thừa, khẳng định thành công của các kỳ Festival trước đây. Festival là nơi hội tụ, giao lưu nghệ thuật giữa các nền văn hóa của các quốc gia, góp phần tiếp tục đẩy mạnh quan hệ giao lưu quốc tế. Đặc biệt, Festival Huế đã góp phần giới thiệu quảng bá các giá trị đặc sắc văn hoá Việt Nam, văn hoá Huế, đẩy mạnh phát triển dịch vụ, du lịch, phát triển kinh tế - xã hội của Thừa Thiên Huế trong tiến trình chủ động, tích cực hội nhập quốc tế” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Dung khẳng định.
Festival Huế 2018 sẽ được tổ chức với quy mô quốc gia và quốc tế, quy tụ những chương trình nghệ thuật đặc sắc, đại diện và mang dấu ấn của những vùng văn hoá khác nhau trên thế giới. Trong đó, tập trung nhấn mạnh về tinh hoa văn hóa nghệ thuật Việt Nam, đặc biệt là di sản văn hóa Huế. Điểm mới của Festival Huế năm 2018 là có thêm chương trình “Văn hiến kinh kỳ” do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thực hiện. Đây là chương trình được dàn dựng công phu, hoàng tráng có chiều sâu được nâng cao từ chương trình “Đại Nội về đêm” nhằm tôn vinh 05 di sản văn hóa thế giới và kỷ niệm 25 năm quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Poster Festival Huế 2018. (Ảnh: thuathienhue.gov.vn)
Ông Huỳnh Tiến Đạt, Phó Giám đốc Trung tâm Festival Huế cho biết, sẽ có hơn 20 đoàn nghệ thuật quốc tế với nhiều loại hình phong phú, đa dạng đến từ các quốc gia: Hàn Quốc, Nga, Pháp, Tây Ban Nha, Anh, Nhật Bản, Trung Quốc, Australia… tham dự Festival Huế 2018.
Các đoàn nghệ thuật tiêu biểu đại diện cho các vùng miền trên cả nước cùng với lực lượng văn nghệ sĩ của Thừa Thiên-Huế sẽ phô diễn nét độc đáo, tinh tế, đa dạng về nghệ thuật truyền thống và đương đại của Việt Nam tại các chương trình nghệ thuật tại Festival Huế 2018.
Khẳng định Festival Huế là hoạt động mang giá trị văn hóa nghệ thuật đậm nét không chỉ của mảnh đất cố đô Huế mà còn của đất nước Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, qua một chuỗi các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, Festival Huế trong những năm qua đã quảng bá giá trị di sản văn hóa Việt Nam một cách sâu sắc đến bạn bè quốc tế. “Với những hoạt động đã và đang được chuẩn bị kỹ lưỡng, Festival Huế 2018 hứa hẹn thành công, tiếp tục tạo ấn tượng về một thành phố Festival giàu bản sắc văn hóa và một Việt Nam hòa bình, thân thiện, tươi đẹp đến bạn bè quốc tế” - Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh.
Tuệ Lâm (t/h)