EVN: Nối nhịp cầu hữu nghị, hợp tác Việt – Lào bằng điện năng
Nhịp cầu hữu nghị Với phương châm “Chủ động, sáng tạo, linh hoạt và hiệu quả”, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Cần Thơ và các Hội hữu nghị thành viên đã nỗ lực đổi mới, sáng tạo trong tổ chức các hoạt động đối ngoại nhân dân. Hoạt động của 21 Hội hữu nghị thành viên ngày càng đa dạng, phong phú về nội dung và hình thức, góp phần đẩy mạnh mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa thành phố với các nước trên thế giới. |
Hợp tác năng lượng Việt Nam - Lào: Khắc sâu tình đoàn kết đặc biệt Năm 2022, Việt Nam và Lào kỷ niệm 60 năm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962 - 5/9/2022). Trong những năm qua, Việt Nam và Lào đã tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, qua đó khắc sâu thêm tình đoàn kết đặc biệt keo sơn giữa Đảng và nhân dân 2 nước. Nhân dịp này, PV có cuộc trao đổi với ông Ngô Sơn Hải – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam. |
Niềm vui tới bản nghèo
Những người từng đến Đắc Chưng (Sê Kông, Lào) kể lại rằng, trước đây, nơi này, ban đêm sợ nhất cảm giác tĩnh lặng giữa một miền rừng hoang vu, rộng lớn, chỉ có gió và tiếng của những côn trùng rả rích. Nhưng hôm nay Đắc Chưng đã khác. Khi màn đêm buông xuống, một thị trấn nhỏ hiện lên dưới ánh đèn lung linh, đầy màu sắc. Ghé một quán cà phê, nhạc Việt, nhạc Lào rộn vang trong ánh đèn điện rực rỡ.
Lưới điện kéo dài từ Nam Giang sang cấp điện cho huyện Đắc Chưng, phía Lào (Ảnh: CTV). |
Huyện Đắc Chưng (Sê Kông, Lào) có trên 500 hộ dân trên địa bàn 4 xã sử dụng điện mua từ Công ty Điện lực Quảng Nam (PC Quảng Nam). Từ ngày 16/12/2009, người dân huyện Đắc Chưng được sử dụng điện từ Việt Nam. Anh Busi (Đắc Chưng) cho biết: “Lúc chưa có điện, vùng biên giới Nam Giang - Đắc Chưng gần như bị cô lập, người dân sống khép kín. Không ai dám mơ tưởng đến một ngày nào đó sẽ có điện. Thế nhưng, niềm vui đến thật bất ngờ, như “cầu được ước thấy” khi Tổng công ty Điện lực miền Trung quyết định đầu tư khoảng 30 tỷ đồng, kéo gần 100 km đường dây 22 kV đưa điện từ ngã ba Bến Giằng của huyện Nam Giang lên biên giới. Hàng đời nay quê tôi vẫn loay hoay với cái nghèo, cuộc sống co cụm, khép kín vì không có điện. Từ ngày cửa khẩu Đắc Ốc được mở ra, đường sá được nâng cấp mở rộng và nhất là từ ngày có điện, cuộc sống người dân đã đổi thay khác xưa nhiều lắm”.
Anh Lương Bang - Đội phó Đội quản lý điện tổng hợp Nam Giang (Quảng Nam) lúc bấy giờ cho biết: Chủ trương hợp tác xây dựng các nhà máy thủy điện và mua bán điện qua biên giới là một trong những hạng mục ưu tiên của 2 nước. Để điện đến được với đồng bào Đắc Chưng phải qua 5 cấp điện áp với gần 150 km đường dây băng rừng núi, thường xuyên bị nạn sạt lở đất, giông sét và cây rừng uy hiếp. Vì thế, Tổ Quản lý điện Nam Giang phải rất vất vả để giữ an toàn lưới điện, bảo đảm độ tin cậy cấp điện cho huyện bạn”.
Công nhân điện lực Đen Sa Vanh đang trực vận hành trạm phía xa xa có thể nhìn thấy cửa khẩu của Việt Nam (Ảnh: Ngọc Thọ). |
Đến nay, nguồn điện từ Quảng Nam đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho huyện Đắc Chưng và tạo thuận lợi cho giao thương ở vùng biên 2 nước, phục vụ xây dựng các công trình thủy điện trên sông Sê-ka-mản và hình thành hành lang Đông - Tây thứ 2, liên thông các tỉnh Đông Bắc Thái Lan, Campuchia và các tỉnh Nam Lào với biển Đông Việt Nam, tạo sợi dây kết nối keo sơn giữa hai đất nước anh em Việt - Lào.
Khấm khá nhờ… điện
Từ cửa khẩu Den Sa Vanh của nước bạn Lào, người tới thăm huyện Sê Pôn, Savannakhet ấn tượng với từng dãy cột điện cao vút, chạy đều tăm tắp hai bên đường của bản. Nhiều nhận xét rằng “Ở đây, điện đang đi trước một bước!”.
Trạm trung gian 35/22kV Den Sa Vanh được đưa vào hoạt động chính thức từ năm 1998. Trạm trưởng Vang Sa Vông chia sẻ: trạm Den Sa Vanh được xây dựng nhờ sự hợp tác của Điện lực hai bên Việt – Lào. Hầu hết các thiết bị hiện đại và cả máy biến áp 6.300 kVA đều được Công ty Điện lực Quảng Trị hỗ trợ, cho mượn.
Một góc huyện Đắc Chưng (Sê Kông, Lào). |
Ông Xan Phét Ôk Teng - Chủ tịch bản Den Sa Vanh cho biết, tổng số hộ của cả bản là 319 hộ với 1,858 nhân khẩu. Trước khi có điện có gần 200 hộ nghèo, từ khi có điện thắp sáng được kéo từ phía Việt Nam sang, số hộ nghèo chỉ còn 80 hộ. Dự kiến, trong vài năm tới, số hộ này sẽ thoát nghèo.
Nhà chị Nang Chum Ma Ly trước đây chưa có điện chỉ buôn bán rau ngoài chợ. Nhưng khi có điện, chị đã mạnh dạn vay vốn đầu tư máy sản xuất nước lọc tinh khiết và máy sản xuất đá lạnh. Có những ngày nắng nóng, làm nước và đá không kịp để bán cho người dân. Mỗi ngày mình thu về 200.000 kíp (520.000 đồng VN).
Nhà anh Oăn Đi Phôn Xa Văn nằm sát mặt đường của bản, căn nhà 3 tầng cơ ngơi bề thế, kế bên là xưởng xay xát lúa, gạo rộng hơn 100 m2 chất đầy những bao tải thóc, với cả chục công nhân đang hối hả làm việc. Anh Oăn Đi Phôn Xa Văn cho biết, nếu dùng máy nổ như ngày xưa, mỗi tháng hết hơn 1,5 triệu kíp tiền điện (4 triệu đồng VN), trừ chi phí công nhân, vận chuyển... chẳng còn lãi được là bao. Giờ mỗi tháng tiền điện chỉ phải trả cho Công ty Điện lực Savannakhet 300.000 kíp (800.000 đồng VN), 1 tháng lãi lên tới 5 triệu kíp (13 triệu đồng VN). Gia đình anh đã sắm được xe ô tô bán tải để chở hàng đi các nơi.
Ông Vông Sa Vặn - Trạm trưởng trạm trung gian Den Sa Vanh xúc động: Cả trạm Den Sa Văn có 6 nhân viên. Có nhiều hôm mưa gió, trạm xảy ra sự cố, anh em công nhân hầu hết còn trẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm. Khi chúng tôi gọi điện nhờ, phía Việt Nam đã ngay lập tức cắt cử kỹ sư, công nhân băng qua mưa gió, sang cùng với chúng tôi xử lý sự cố. Từ đáy lòng mình, chúng tôi rất biết ơn vì những nghĩa cử cao đẹp và nghĩa tình của các bạn Điện lực Việt Nam.