EU khẳng định tiến trình Brexit của Anh vẫn còn 'xa vời'
Đề xuất cuộc trưng cầu dân ý lần 2
Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Anh BBC bên lề cuộc họp Thượng đỉnh không chính thức Liên minh Châu Âu vừa diễn ra tại thành phố Salzburg (Áo), Thủ tướng Malta, Joseph Muscat tuyên bố “hầu như có sự đồng thuận tuyệt đối trong các nhà lãnh đạo Châu Âu rằng nước Anh cần phải tổ chức lại một cuộc trưng cầu ý dân về Brexit”.
Cũng theo ông Muscat, các nhà lãnh đạo Châu Âu sẽ vui mừng nếu như người dân Anh quốc được trao cơ hội suy xét những gì đã diễn ra trong thời gian qua và quyết định lại một lần nữa liệu Vương quốc Anh nên ở lại hay rời khỏi Liên minh Châu Âu.
Ủng hộ quan điểm của Thủ tướng Malta, Thủ tướng CH Séc, ông Andrej Babis cho rằng dù Liên minh Châu Âu hy vọng có thể ký kết được 1 thoả thuận với Vương quốc Anh nhưng về tổng thể, khối này hết sức thất vọng về việc nước Anh rời bỏ khối. Vì thế, theo ông Babis, một cuộc trưng cầu ý dân lần 2 về Brexit là cần thiết và việc này sẽ sớm giải quyết dứt điểm các bế tắc hiện nay trong quan hệ giữa Liên minh Châu Âu và Vương quốc Anh.
Ảnh minh họa
Các phát biểu của Thủ tướng các nước Malta và CH Séc là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo cấp cao của Liên minh Châu Âu công khai ủng hộ tổ chức lại trưng cầu ý dân về Brexit, và theo giới phân tích, trên thực tế thì đại đa số các lãnh đạo châu Âu cũng muốn người dân Anh bỏ phiếu lại để tránh Brexit diễn ra.
Tuy nhiên, phát biểu tại Salzburg, nữ Thủ tướng Anh, Theresa May tuyên bố “sẽ không có việc nước Anh bỏ phiếu lần 2 về Brexit và sau ngày 29/3/2019, Anh sẽ rời khỏi Liên minh Châu Âu”.
EU cứng rắn với Brexit
Trước đó, Hội nghị Thượng đỉnh EU không chính thức bắt đầu tối 19/9 tại Salzburg, Áo thảo luận về vấn đề Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) và vấn đề di cư. Diễn ra vào thời điểm quyết định, hội nghị 2 ngày này là dịp để Thủ tướng Anh Theresa May đối thoại trực tiếp với các nhà lãnh đạo của 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) liên quan đến vấn đề Brexit, thay vì phải đàm phán thông qua trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier.
Ngay trước khi cuộc họp diễn ra, một bầu không khí lạc quan được các quan chức Anh đặt ra về một thỏa thuận Brexit giữa hai bên. Thủ tướng Anh Theresa May cho rằng, Anh và Liên minh châu Âu đang tiến gần đến việc nhất trí một thỏa thuận về Brexit, nền tảng cần thiết xây dựng một mối quan hệ đối tác gần gũi. Các quan chức Anh cũng cho rằng Hội nghị thượng đỉnh tại Áo lần này sẽ là thời điểm, dấu ngoặt quyết định với tiến trình Brexit.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Theresa May kêu gọi các nhà lãnh đạo EU cân nhắc nới lỏng những yêu cầu Brexit “không thể chấp nhận được” và hối thúc khối này phản ứng với kế hoạch “nghiêm túc và khả thi” của bà: “Tôi tin rằng đây là một đề xuất đúng đắn. Đây là kế hoạch duy nhất đáng tin cậy và có thể đàm phán, không biên giới cứng tại Bắc Ireland cũng như vì lợi ích của các cư tri Anh. Và nếu chúng ta đạt được kết quả thì không chỉ mang lại lợi ích cho nước Anh mà còn cả EU. Tôi tin tưởng rằng, với thiện chí và quyết tâm, chúng tôi có thể nhất trí về một thỏa thuận phù hợp với cả hai bên”.
Trái với viễn cảnh mà Anh đặt ra ngay tại ngày khai mạc hội nghị, các nhà lãnh đạo EU dường như “dội gáo nước lạnh” với tuyên bố của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker rằng thỏa thuận Brexit vẫn còn “xa vời”.
Miêu tả về cuộc gặp, hãng tin Reuters của Anh viết: những nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đã lịch sự lắng nghe lời kêu gọi của Thủ tướng Anh Theresa May. Tuy nhiên, sau đó cuộc họp đi vào bế tắc với tranh cãi về vấn đề biên giới Bắc Ireland. Phát biểu sau ngày họp đầu tiên, các nhà lãnh đạo Litva và Slovakia đều cho biết, không có bước tiến về Brexit và vấn đề đường biên giới Ireland.
N.H (t/h)