EU cảnh báo cần phải chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ hơn trong quan hệ với Nga
Quan chức ngoại giao hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU), Josep Borrell ngày 16/06 nhận định việc cải thiện quan hệ giữa EU và Nga khó có khả năng xảy ra trong tương lai gần.
Lời cảnh báo về mối quan hệ phức tạp hơn với Nga trong thời gian tới được ông Josep Borrell - Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu – EU, đưa ra trong buổi họp báo chiều 16/06 tại Brussels, trùng thời điểm diễn ra cuộc gặp Thượng đỉnh Nga-Mỹ giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Thụy Sỹ.
Quan hệ EU-Nga đang trong chiều hướng tiếp tục xấu đi. Ảnh minh họa/ AFP |
Đánh giá về mối quan hệ hiện nay giữa EU và Nga, ông Josep Borrell cho rằng mối quan hệ này hiện đang ở mức thấp nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh cách đây 3 thập kỷ.
Quan chức ngoại giao cao cấp nhất của EU đưa ra các nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là các vụ tấn công mạng do Nga đạo diễn, việc Nga can thiệp vào các cuộc bầu cử tại châu Âu, vụ đầu độc nhân vật đối lập Alexei Navalny cũng như tình trạng bế tắc trong cuộc xung đột ở miền Đông Ukraina. Đây là các cáo buộc mà phía châu Âu luôn viện dẫn để áp đặt các lệnh trừng phạt với Nga nhưng luôn bị phía Nga phản đối vì cho rằng không có căn cứ.
Xét trên các tính toán chiến lược hiện tại của cả châu Âu và Nga, ông Josep Borrell cho rằng, việc cải thiện quan hệ giữa hai bên khó có khả năng xảy ra trong tương lai gần và EU cần chuẩn bị cho những giai đoạn tồi tệ hơn.
“Trong hoàn cảnh hiện nay, chúng tôi tin rằng một quan hệ đối tác được làm mới cho phép EU xây dựng sự hợp tác chặt chẽ với Nga là một viễn cảnh xa vời. Liên minh châu Âu do đó cần phải thực tế và chuẩn bị cho những sự xuống cấp mới trong quan hệ với Nga, vốn đang ở mức thấp nhất. Và sự xuống cấp này nhiều khả năng sẽ là thực trạng trong thời gian tới”. - Ông Josep Borrell cho biết.
Hiện tại, EU đang đứng trước bài toán khó trong việc có tiếp tục duy trì chính sách trừng phạt với Nga hay không. Trong khi đa số các thành viên EU muốn duy trì trừng phạt, thậm chí các nước như Ba Lan và 3 quốc gia Baltic muốn EU gia tăng mức độ cứng rắn với Nga, thì một số nước như Pháp, Italia, Đức muốn châu Âu tìm cách tiếp cận khác.