Đường về cho người nghiện sau cai
Cuối tháng 6/2024, Cơ sở Tư vấn và cai nghiện ma túy tỉnh Gia Lai và Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Gia Lai tổ chức Phiên giao dịch tư vấn, giới thiệu việc làm cho người cai nghiện ma túy trước khi tái hòa nhập cộng đồng.
Doanh nghiệp tuyển dụng ở Gia Lai hướng dẫn cho học viên cách làm hồ sơ, thủ tục xin việc, vay vốn sau khi đã hoàn thành cai nghiện ma túy tại cơ sở. (Ảnh: Báo Gia Lai) |
Gần 200 học viên của Cơ sở tư vấn và cai nghiện ma túy tỉnh Gia Lai đã được Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề tư vấn, giới thiệu các chính sách về hỗ trợ giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động; thông tin thị trường lao động; đào tạo nghề...
Đồng thời được tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật của Nhà nước; cung cấp các thông tin tuyển dụng, tuyển sinh của các doanh nghiệp, cơ sở học nghề, giúp định hướng nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm sau khi trở về tái hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, hướng dẫn và giải đáp cụ thể về chính sách hỗ trợ đào tạo, giải quyết việc làm; cách làm hồ sơ, thủ tục xin việc, vay vốn sau khi đã hoàn thành cai nghiện tại cơ sở về cộng đồng.
Tham gia phiên giao dịch tư vấn, giới thiệu việc làm, anh Nguyễn Đức T. (đường Trần Phú, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai) cho biết: Khi đang học năm thứ 3 chuyên ngành Du lịch tại một trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh thì anh vì nghe lời bạn bè rủ rê chơi bời dẫn đến nghiện ma túy. Sau đó, trong một lần bị phát hiện khi đang sử dụng ma túy, anh T được đưa vào Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh. Tại đây, anh được học nghề mộc.
Tham gia buổi tư vấn, giới thiệu việc làm, anh T. hiểu thêm chính sách pháp luật về việc làm và dạy nghề, thông tin tuyển dụng, tuyển sinh của các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề, trung tâm dạy nghề, hỗ trợ học nghề.
"Kết thúc thời gian cai nghiện tại Cơ sở, trở về tái hòa nhập cộng đồng, tôi sẽ quay lại trường đại học để hoàn thành chương trình của năm cuối chuyên ngành Du lịch, sau đó sẽ tìm việc làm phù hợp với bản thân. Hôm nay, được tham gia phiên giao dịch việc làm, tôi quyết tâm sẽ làm lại cuộc đời, không sa vào con đường nghiện ngập như trước nữa”, anh T. nói.
Theo ông Bùi Đức Dũng, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và hỗ trợ học sinh sinh viên (Trường Cao đẳng Gia Lai), để không tái nghiện ma túy thì phải có công việc ổn định, vì vậy nhà trường đã có nhiều chương trình hỗ trợ người sau cai nghiện. Tại phiên giao dịch việc làm này, Trung tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động. Đối với những học viên có nhu cầu học nghề, nhà trường sẽ tạo mọi điều kiện giúp các em tìm được một nghề phù hợp để lập thân, lập nghiệp.
Tại Hải Phòng, các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương cùng vào cuộc “tiếp sức” cho khát vọng hoàn lương của người cai nghiện ma túy. Ông Phạm Quang Chiêm, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam phường Kênh Dương, quận Lê Chân cho biết, trên địa bàn phường hiện có 20 trường hợp cai nghiện ma túy. Ủy ban MTTQ Việt Nam phường phối hợp Ban công tác Mặt trận các tổ dân phố tuyên truyền để người dân không kỳ thị, xa lánh, tạo điều kiện để người nghiện nhận việc công nhật, khoán ngày tại các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ. Đồng thời, các tổ chức đoàn thể hướng dẫn, tạo điều kiện để những trường hợp này tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, giải quyết việc làm, với tổng dư nợ lên đến gần 100 triệu đồng.
Tại Trường Lao động xã hội Thanh Xuân, học viên cai nghiện ma túy tự nguyện được học nghề, thực hành một số nghề thủ công, làm vàng mã... Không chỉ giúp học viên điều trị dứt cơn, cai nghiện, một số cơ sở còn liên kết Trường trung cấp Du lịch Thăng Long, Trường trung cấp Kỹ thuật nghiệp vụ Hải Phòng mở lớp dạy nghề: chế biến món ăn, cơ khí, sửa chữa xe máy, điện... cho khoảng 200-400 người/năm. Sau khi tham gia các lớp học này, hết thời gian cai nghiện, học viên có chứng chỉ nghề, trình độ sơ cấp, có thu nhập, việc làm ổn định.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hải Phòng (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội) Tăng Tiến Sơn thông tin: Dự kiến trong quý III/2024, Trung tâm kết nối để tổ chức hoạt động giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động đối với học viên đang cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 2, Cơ sở cai nghiện ma túy Gia Minh...; tổ chức tư vấn tại các điểm điều trị cai nghiện thay thế Methadone, để người nghiện tăng cơ hội tiếp cận việc làm, có thu nhập ổn định.
Học viên Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Ninh được hỗ trợ học nghề để có cơ hội tìm việc làm sau khi hoàn thành chương trình cai nghiện. (Ảnh: Báo Quảng Ninh) |
Thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) cũng chú trọng đẩy mạnh công tác tái hòa nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện. Thành phố xây dựng kế hoạch triển khai chính sách hỗ trợ tạo việc làm, thu nhập cho người lầm lỗi; tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án phục vụ công tác phòng, chống tệ nạn xã hội; đề án nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và thí điểm can thiệp dự phòng cho người sử dụng ma túy, người có nguy cơ cao sử dụng ma túy; chương trình tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trên địa bàn thành phố... Đồng thời xây dựng, nhân rộng các mô hình về phòng, chống mại dâm, ma túy; hỗ trợ, giúp đỡ vay vốn, dạy nghề, tạo việc làm ổn định cho người tái hoà nhập cộng đồng.
Theo thống kê từ năm 2019 đến nay, Phòng Lao động - Thương binh & Xã hội thành phố Hạ Long cùng ủy ban nhân dân các xã, phường phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tuyên truyền, định hướng tư vấn, giới thiệu việc làm cho 136 người sau cai nghiện; số người sau cai nghiện có việc làm là 35. Thành phố cũng thực hiện giải ngân cho 11 cá nhân, hộ gia đình vay vốn với tổng số tiền 530 triệu đồng.
Các hoạt động trên giúp người cai nghiện sau khi trở về cộng đồng có việc làm và có thu nhập ổn định, đồng nghĩa với việc giúp họ giảm nguy cơ tái nghiện, từ bỏ hẳn ma túy để làm người có ích cho gia đình và xã hội.