Dừng nhập khẩu máy đào tiền ảo: Chậm còn hơn không!
Một anh bạn làm nghiên cứu khoa học cơ bản, thấy con số trên đã phải thốt lên với PV rằng: “Sao nhiều thế? Người làm khoa học muốn nhập 1 máy, phải trình, xin… nhiều thủ tục lắm mới nhập được về. Vài năm mới nhập được 1 dàn máy vài chiếc. Sao máy đào tiền ảo lại được nhập dễ dàng thế?”
Cũng theo anh bạn làm khoa học này thì, tất nhiên, nó phải có quy định, được nhập mới nhập nhưng nó có hại thì phải áp dụng các biện pháp ngừng ngay chứ để nó vào ồ ạt, gây tác hại tới đời sống quá lớn, xâm nhập làm hỏng nhiều hệ thống máy tính, hack nick, dữ liệu quan trọng rồi thì mới dừng nhập, xem ra, các nhà quản lý trong lĩnh vực này quá chậm chạp rồi.
Máy đào tiền ảo.
Trước đó cũng có nhiều ý kiến cho rằng, nhập máy đào tiền ồ ạt như thế là trách nhiệm của Hải quan, Tài chính. Song, chính Hải quan và Tài chính lên tiếng rằng, máy xử lý dữ liệu tự động không nằm trong danh mục hàng cấm nhập khẩu và không thuộc danh mục quản lý chuyên ngành hay hàng hóa gây mất an toàn nên doanh nghiệp được phép làm thủ tục nhập khẩu một cách dễ dàng.
Vừa qua, Bộ Tài chính lại phát đi thông báo, thời gian qua, "việc sử dụng máy xử lý dữ liệu tự động giải mã bitcoin, litecoin cho mục đích khai thác tiền ảo có nhiều dấu hiệu cho thấy sự phức tạp trong công tác quản lý, dễ bị các đối tượng lợi dụng để sử dụng như tiền tệ hoặc một phương pháp thanh toán khác. Điều này đã vi phạm Nghị định 101 của Chính phủ về việc thanh toán không dùng tiền mặt đã được sửa đổi bổ sung. Do vậy, để ngăn chặn kịp thời các sự vụ khác có thể xảy ra, trước mắt, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng biện pháp tạm dừng nhập khẩu đối với các loại máy đào tiền ảo kể trên".
Nhiệt độ trong những "mỏ tiền" luôn ở mức 40-50 độ C. Điều này làm tăng nguy cơ hỏa hoạn lên rất cao. Ảnh 99Bitcoin.
Vấn đề đặt ra là, trước đó, Bộ Tài chính nói, được nhập, sau lại nói vi phạm Nghị định…. Để tạm thời ngừng không cho nhập. Vậy công tác quản lý nhà nước cũng như trách nhiệm tham mưu của ngành Tài chính cho Chính phủ về vấn đề trên là "có vấn đề".
Bởi ai cũng hiểu, nhập máy đào tiền ảo, máy xử lý thuật toán vào nhiều, sẽ ảnh hưởng đến đời sống xã hội, liên quan đến an toàn hệ thống mạng, nhưng ngành Tài chính để nó ảnh hưởng rồi mới đề xuất là chậm trễ.
Thực ra, việc tạm ngừng đó cũng không phải tự nhiên Bộ Tài chính tiến hành mà vì ngày 11/4, Văn phòng Chính phủ cũng có công văn số 3318 truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ liên quan tới vụ lừa đảo tiền ảo iFan hơn 15.000 tỷ đồng. Theo đó, lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo các Bộ Công Thương, Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Công an và Ngân hàng Nhà nước theo chức năng nhiệm vụ được giao khẩn trương xem xét, xử lý vụ lừa tiền ảo hơn 15.000 tỷ đồng xảy ra hồi đầu tháng 4/2018 nên mới có quyết định ngừng nhập như vậy.
Thực tế, số lượng máy đào tiền ảo nhập khẩu về chủ yếu tập trung tại 3 thành phố lớn gồm: TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Cụ thể, năm 2017, lượng máy nhập về là hơn 9.300 bộ. Trong đó, hơn 2.300 bộ nhập về Hà Nội, khoảng 7.000 bộ nhập về TP.HCM, còn lại là Đà Nẵng.
Tác hại của máy đào tiền ảo được phản ánh rất nhiều. Ảnh minh họa.
Năm 2018, chỉ tính riêng hơn 4 tháng đầu năm, lượng máy đào tiền ảo nhập về Việt Nam đã đạt con số hơn 6.300 bộ, tập trung chủ yếu ở hai thành phố lớn gồm: Hà Nội và TP.HCM, trong đó, Hà Nội nhập hơn 4.300 bộ; TP.HCM nhập 2.009 bộ.
Trước đó, Phó Chủ tịch phụ trách mảng chống mã độc của Bkav, ông Vũ Ngọc Sơn đã nhận định về máy đào tiền ảo như sau: “Mục đích phát tán mã độc của hacker là lây nhiễm virus vào các máy tính nhiều nhất có thể để phục vụ mục đích đào tiền ảo. Nguy hiểm hơn, mã độc còn cài sẵn chức năng lấy cắp mật khẩu Facebook”.
Cụ thể, tính đến ngày 2/1/2018, thống kê từ hệ thống của Bkav cho thấy đã có 36.000 máy tính tại Việt Nam nhiễm loại mã độc này.
N.Hòa