Đông Trường Sơn - cầu nối căn cứ địa miền Bắc và tiền tuyến miền Nam
Chủ trương mở đường Trường Sơn
Là cán bộ thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn có 6 năm ở chiến trường Lào, Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Kiền, Phó Chủ tịch Hội Trường Sơn Việt Nam, nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh, Quân đội nhân dân Việt Nam hiểu rõ vai trò của tuyến đường Trường Sơn lịch sử. Ông cho biết, lúc đầu đường Trường Sơn là con đường mòn đi dọc phía Đông dãy Trường Sơn hùng vĩ. Sau đó, con đường ngày một nối dài, vượt xa với quy mô, phạm vi cả Đông và Tây dãy Trường Sơn, xuyên qua nhiều tỉnh thuộc 3 nước Việt Nam - Lào – Campuchia.
"Để phục vụ kháng chiến, tháng 5/1959, Trung ương ra Nghị quyết 15 áp dụng hình thức kết hợp đấu tranh vũ trang để tự vệ, trong đó có việc xây dựng các căn cứ địa ở miền Nam để chống trả các cuộc càn quét đẫm máu của Ngô Đình Diệm", Thiếu tướng Hoàng Kiền cho biết.
Ông Võ Bẩm, nguyên Đoàn trưởng đầu tiên Đoàn 559 (Ảnh tư liệu). |
Để tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cần chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam, ngày 19/5/1959, Đoàn công tác quân sự đặc biệt (Đoàn 559) được thành lập. Thượng tá Võ Bẩm, người con Quảng Ngãi, người sau này được mệnh danh là “kiến trúc sư đường Trường Sơn huyền thoại”, làm Đoàn trưởng.
Bộ phận nòng cốt của Đoàn 559 đều là người miền Nam tập kết, quen địa hình rừng núi miền Tây khu V, tự nguyện, có tinh thần dũng cảm, tính kỷ luật, tự giác cao, ý thức bảo đảm bí mật tốt, lý lịch rõ ràng, kiên định, trung thành, sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc, sức khỏe dẻo dai.
Điểm đầu của tuyến đường lịch sử
Ngày 4/6/1959, đoàn hành quân từ ga Tiên Kiên (Lâm Thao, Phú Thọ) vào Vĩnh Linh, Quảng Trị và dừng chân ở khu vực Khe Hó để lập sở chỉ huy, tìm cách vượt sông Bến Hải vào miền Nam chi viện.
Cán bộ, chiến sĩ đoàn 559 trinh sát vạch tuyến mở đường Trường Sơn năm 1960 (Ảnh tư liệu). |
Thiếu tướng Hoàng Kiền cho biết, Khe Hó nằm ở bờ bắc, phía thượng nguồn sông Bến Hải. Quyết định lựa chọn Khe Hó làm điểm đầu của tuyến đường Trường Sơn lịch sử được nghiên cứu, khảo sát kỹ càng.
Trước đó, Thượng tá Võ Bẩm đã tổ chức lực lượng đi khảo sát đường và hiệp đồng với các cơ quan, đơn vị có liên quan, đồng thời triển khai tổ chức lực lượng ngay.
Ban Cán sự Đoàn 559 đã gặp ông Trần Lương (Trần Nam Trung), Bí thư Khu ủy khu V tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn từng bước và được hướng dẫn, giúp đỡ tích cực.
Việc mở tuyến đường chi viện cho miền Nam dựa trên nguyên tắc tuyệt đối bí mật "Ở không nhà. Đi không dấu. Nấu không khói. Nói không tiếng". Mục tiêu là phải đưa được tài liệu - chỉ đạo của Trung ương và vũ khí vào miền Nam.
Vũ khí vào Nam ban đầu chủ yếu là vũ khí ta thu được của Pháp, gồm súng trường Maz, tiểu liên Tuyn. Lựu đạn, ống nhòm, bản đồ của Pháp... cũng được giao cho Đoàn 559 vận chuyển vào Nam. Ngoài ra, các vũ khí trang bị của các nước XHCN đều phải xóa hết dấu vết để đề phòng rơi vào tay địch.
Để đưa vũ khí vào Nam, Đoàn 559 phải tiến hành rải quân dọc đường. Toàn tuyến được bố trí làm 9 đội, quân số giảm dần từ đội đầu đến đội cuối. Trạm 1 đóng ở Khe Hó, trạm cuối ở Pa Lin (Bắc A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế). Đến tháng 7/1959, việc rải quân trên tuyến đã xong. Ngày 13/8/1959, sau 8 ngày đêm, chuyến hàng đầu tiên vượt Trường Sơn đã vào đến Tà Riệp tuyệt đối bí mật và an toàn.
“Với tuyến Đông Trường Sơn, từ năm 1959 đến năm 1961, ta đã đưa được một số vũ khí, tài liệu vào Nam dù chưa nhiều. Quan trọng là tuyến hành lang giao liên này đã trở thành cầu nối giữa căn cứ địa miền Bắc với tiền tuyến miền Nam”, ông Kiền nói.
Các chiến sĩ của trung đoàn 70 - đơn vị đầu tiên của bộ đội Trường Sơn - đang thồ hàng trên tuyến Tây Trường Sơn tháng 9/1961 (Ảnh tư liệu). |
Lúc bấy giờ, các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Tây Nguyên tìm cách bắt liên lạc ra Bắc. Đến năm 1959, liên lạc từ miền Bắc vào miền Nam qua đường 559 cùng đường giao liên mà các tỉnh ở Nam Bộ bắt ra được nối thông.
Sau khi bị địch phát hiện ra và tiến hành càn quét, trước nguy cơ bị lộ, năm 1961, Đoàn 559 đã khẩn trương lật cánh sang phía Tây Trường Sơn, mở ra tuyến chi viện qua đất bạn Lào. Và từ đây thêm một tuyến đường huyền thoại nữa được mở ra dẫn cuộc kháng chiến của cả hai dân tộc Việt Nam - Lào đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đồng thời nó cũng viết nên bao trang sử hào hùng, vẻ vang và đẫm máu.