Đối thoại Chuyển đổi năng lượng Berlin diễn ra lần thứ 8
Diễn đàn được tổ chức với khẩu hiệu "Từ tham vọng tới hành động". Các bộ trưởng và phái đoàn cấp cao từ hơn 50 nước trên thế giới tham gia thảo luận trong 2 ngày 29-30/3 về chiến lược chuyển đổi thông minh các hệ thống năng lượng trên toàn thế giới và độc lập hơn với nhiên liệu hóa thạch.
Đoàn công tác Bộ Công Thương làm việc với một số tập đoàn lớn của Đức. Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN |
Theo Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ khí hậu (BMWI) Robert Habeck Habeck, vấn đề an ninh năng lượng đang dần được đưa vào trọng tâm của các cuộc thảo luận quốc tế; khẳng định nhu cầu cấp thiết thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu, mở rộng và tăng hiệu quả sử dụng năng lượng tái tạo.
Ông cho rằng chìa khóa quan trọng nhất đối với chủ quyền năng lượng là mở rộng nguồn năng lượng tái tạo. Đây là vấn đề chung đối với an ninh quốc gia, của châu Âu và quốc tế.
Trong khi đó, theo Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock, tình hình hiện tại cho thấy nhiều nước phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng hóa thạch. Bà nhấn mạnh quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu và chống biến đổi khí hậu là những vấn đề địa chính trị khó khăn hiện nay, đòi hỏi sự hợp tác mạnh mẽ và hiệu quả từ các quốc gia.
Ngoại trưởng Đức cũng nêu rõ Đối thoại Chuyển đổi năng lượng Berlin là diễn đàn độc đáo để trao đổi ý tưởng giữa các nước, tăng cường quan hệ đối tác và cùng phát triển các chiến lược hướng tới thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu.
Dự kiến, các đại biểu sẽ chia sẻ quan điểm về việc sử dụng năng lượng hiệu quả và thúc đẩy năng lượng tái tạo để góp phần vào một thế giới ổn định về chính trị, kinh tế. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận về những ưu tiên đầu tư chiến lược, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Đối thoại Chuyển đổi năng lượng Berlin cũng có sự tham gia của các nhà xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch truyền thống vốn đang phải đối mặt với thách thức của quá trình chuyển đổi năng lượng.
Năm 2015, Đối thoại Chuyển đổi năng lượng Berlin diễn ra lần đầu tiên theo sáng kiến của Chính phủ Đức và được đồng tổ chức với Hiệp hội Năng lượng tái tạo liên bang, Hiệp hội Kinh tế năng lượng mặt trời liên bang (BSW-Solar), Công ty Năng lượng Đức (DENA) và Công ty tư vấn năng lượng ECLAREON.
Trong khuôn khổ các sự kiện trên, cùng ngày 29/3, đoàn công tác Bộ Công Thương đã có cuộc làm việc với đại diện một số tập đoàn lớn của Đức như ThyssenKrupp, SkyWind, Enertrag, PNE.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đặng Hoàng An đã trả lời một số câu hỏi của các doanh nghiệp Đức cũng như cung cấp thông tin về cơ chế chính sách và những ưu đãi của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Cũng tại sự kiện này, tập đoàn Giải pháp Xanh (The Green Resolutions Group) của Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo với tập đoàn Giải pháp công nghiệp Thyssenkrupp (tkIS) và Thyssenkrupp nucera AG & Co. KGaA của Đức nhằm phát triển các dự án hydro xanh và ammoniac ở Việt Nam.