Đối ngoại Việt Nam năm 2022 và triển vọng 2023
Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc là một trong những sự kiện đối ngoại lớn của đất nước trong năm 2022. (Nguồn: TTXVN) |
Thế giới phức tạp, khó lường
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành đối ngoại đã đẩy mạnh nghiên cứu kinh nghiệm chuyển trạng thái và chung sống với đại dịch Covid-19 của thế giới, sẵn sàng tiếp tục triển khai các biện pháp ngoại giao đặc biệt như ngoại giao công nghệ, ngoại giao năng lượng, ngoại giao số, ngoại giao tập đoàn… với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, tiêu biểu như chiến dịch ngoại giao vaccine nhằm hỗ trợ tiến trình phục hồi của đất nước sau đại dịch.
Các biến động khó lường của tình hình thế giới ngay từ đầu năm đã đặt ra những vấn đề rất mới và cấp bách cho đối ngoại Việt Nam, đòi hỏi chúng ta vừa phải xử lý thoả đáng các thách thức mới nảy sinh, thích ứng với tình hình mới, vừa chủ động thúc đẩy các mục tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra trước đó.
Xung đột Nga-Ukraine đẩy các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện quan trọng hàng đầu của Việt Nam vào thế đối đầu, cạnh tranh quyết liệt chưa từng có sau nhiều thập kỷ, tạo ra sức ép lớn trong triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa của ta.
Khủng hoảng năng lượng, lương thực, các biện pháp phân tách kinh tế cả tấn công và phòng thủ của các nước cùng các xáo trộn trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế đã tác động tận gốc trật tự kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường kinh tế đối ngoại của ta.
Các tổ chức đa phương là nền tảng của chính sách ngoại giao đa phương của ta như Liên hợp quốc, ASEAN đều phải xử lý các vấn đề đụng chạm tới các nguyên tắc cốt lõi của các tổ chức này.
Không chỉ thế, các đối tác lớn của ta đều có bước chuyển giai đoạn quan trọng, như Trung Quốc tổ chức Đại hội Đảng lần thứ XX; Mỹ bầu cử giữa nhiệm kỳ; Hàn Quốc, Australia, Anh, Italy có lãnh đạo mới...
Tự tin, bản lĩnh thích ứng tình hình, chủ động các biện pháp triển khai
Trong bối cảnh đó, ngành đối ngoại đã sớm nhận diện được cục diện xoay chuyển, làm tốt công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược để làm cơ sở tham mưu các giải pháp đối ngoại trong tình hình mới, theo đúng phương châm của Tổng Bí thư là “chỉ sợ không biết, chứ biết thì không sợ”.
Chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới Hàn Quốc từ ngày 4-6/12 là chuyến thăm cấp cao nhất của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam tới Hàn Quốc kể từ khi nước này có Tổng thống mới. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Theo đó, các hoạt động đối ngoại ở cấp cao đã được triển khai rất sâu sắc và toàn diện. Chỉ trong năm 2022, Việt Nam đã triển khai số hoạt động cấp cao kỷ lục (cả đoàn đi và đón đoàn đến) với hơn 15/30 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, điển hình là chuyến thăm quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi Trung Quốc ngay sau khi nước này tổ chức Đại hội XX, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia và đón nhiều nguyên thủ nước ngoài thăm Việt Nam; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị cấp cao ASEAN-Mỹ tại Washington DC; ASEAN-EU tại Bỉ; đón Thủ tướng Nhật Bản, Thủ tướng Đức; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức Anh, Australia, New Zealand…
Các hoạt động đối ngoại cấp cao này có ý nghĩa rất quan trọng.
Thứ nhất là giúp chuyển tải thông điệp rõ ràng về một Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, không chọn bên trong thế giới đang bị chia rẽ sâu sắc bởi cạnh tranh nước lớn. Nhờ đó giúp củng cố lòng tin chiến lược và quan hệ ổn định với các đối tác chủ chốt, nhất là các nước siêu cường.
Thứ hai là góp phần củng cố, mở rộng thị trường, bạn hàng và vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhờ đó gia tăng sức chống chịu của nền kinh tế nước ta trước các khủng hoảng đa diện của thế giới.
Thứ ba là đã góp phần thu hút nguồn lực từ bên ngoài để thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch, cải thiện chất lượng tăng trưởng, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển của Đại hội XIII.
Hoạt động ngoại giao kinh tế lấy doanh nghiệp, người dân làm đối tượng phục vụ được đặc biệt chú trọng và cụ thể hóa với việc Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 15 ngày 10/8/2022. Nội hàm kinh tế, phát triển được lồng ghép thường xuyên trong các hoạt động, tiếp xúc đối ngoại các cấp.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến với Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước, ngày 19/9.. (Nguồn: TTXVN) |
Các cơ quan đại diện đã chủ động nghiên cứu, đón bắt các xu hướng mới như tự chủ chiến lược, các tiêu chuẩn công nghiệp, luật lệ mới gắn với quá trình chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số toàn cầu phục vụ cho tham mưu chính sách. Ngành đối ngoại cũng đã phối hợp chặt chẽ các bộ ngành khác xây dựng chủ trương kịp thời trao đổi và góp tiếng nói định hình các tiến trình hợp tác mới như Khuôn khổ hợp tác kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF).
Ngoại giao đa phương trong năm 2022 diễn ra rất sôi động, nhất là xoay quanh xung đột quân sự Nga-Ukraine. Việt Nam đã xử lý đúng mực, giúp bạn bè quốc tế hiểu đúng lập trường trên cơ sở lợi ích quốc gia-dân tộc và đề cao các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc của Việt Nam.
Với số phiếu ủng hộ cao, Việt Nam đã được bầu vào Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, Ủy ban bảo vệ di sản phi vật thể của UNESCO, thể hiện sự chủ động và tích cực của Việt Nam đóng góp vào chủ nghĩa đa phương để thúc đẩy các lợi ích chung toàn cầu. Việt Nam tiếp tục là nhân tố tích cực đóng góp cho đoàn kết nội khối ASEAN, nỗ lực duy trì hoạt động bình thường của ASEAN trong bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến rất bất thường, nội bộ ASEAN tiếp tục xử lý vấn đề Myanmar.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các trưởng đoàn và đại biểu dự khai mạc Đại hội đồng Liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 43 (AIPA-43), ngày 21/11 tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia. (Nguồn: TTXVN) |
Luật pháp quốc tế và thượng tôn pháp luật là ngọn cờ mà Việt Nam chủ động và tích cực thúc đẩy trong năm 2022 ở tất cả các kênh, cả chính thức và kênh học giả. Nhiều hoạt động kỷ niệm 40 năm ký kết UNCLOS 1982, 20 năm ký kết Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) đã được tổ chức triển khai ở cả Liên hợp quốc, ở cấp khu vực và trong nước.
Tại Liên hợp quốc, Việt Nam đã phát biểu đại diện cho 12 nước thành viên sáng lập Nhóm bạn bè của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, cam kết thúc đẩy việc thực hiện và tuân thủ công ước. Tại Việt Nam, Ủy ban Biên giới Quốc gia, Học viện Ngoại giao đã tổ chức nhiều hoạt động quốc tế nhằm thúc đẩy tuân thủ và thực thi UNCLOS, DOC và luật pháp quốc tế nói chung.
Chuyến thăm chính thức Indonesia của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã chứng kiến việc Việt Nam và Indonesia hoàn tất đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn giữa giữa hai nước trên cơ sở luật pháp quốc tế UNCLOS 1982.
Cuối cùng, không thể không kể đến chất lượng công tác nghiên cứu và dự báo chiến lược đã được tăng cường; công tác phối hợp liên ngành ngày càng chặt chẽ, đồng bộ; uy tín ngày càng vươn đến tầm khu vực và thế giới. Các Hội thảo quốc tế về Biển Đông, chuỗi Đối thoại biển, Diễn đàn Mekong, Hội thảo quốc tế giữa các nhà nghiên cứu về Trung Quốc… do Học viện Ngoại giao tổ chức đã trở thành các sự kiện quốc tế có uy tín, góp phần gắn kết cộng đồng nghiên cứu trong nước và thế giới, vừa giúp thúc đẩy và bảo vệ lợi ích quốc gia từ sớm, từ xa, vừa giúp định hình dư luận quốc tế phù hợp với lợi ích của Việt Nam.
Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 với chủ đề "Nhìn lại quá khứ vì một tương lai tươi sáng hơn", ngày 18-19/11 tại Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Nhiều thách thức và cơ hội mới
Năm 2023 được dự báo sẽ khó khăn, khắc nghiệt hơn năm 2022. Xung đột Nga-Ukraine chưa thể kết thúc đồng nghĩa căng thẳng giữa các nước lớn và sức ép lên kinh tế thế giới còn tiếp tục. Suy thoái kinh tế toàn cầu do lạm phát, khủng hoảng năng lượng, lương thực và đứt gãy chuỗi cung ứng sẽ tác động nghiêm trọng tới các đối tác kinh tế chủ chốt của ta. Nghi kỵ, cạnh tranh, đối đầu giữa các nước lớn sẽ tiếp tục tạo ra lực kéo, đẩy lớn với các nước vừa và nhỏ.
Tuy nhiên, năm 2023 cũng sẽ không ít cơ hội. Việt Nam tiếp tục được đánh giá là nền kinh tế tăng trưởng khả quan hàng đầu châu Á, là điểm sáng được rất nhiều nước lớn nhỏ quan tâm. Xu thế các nước “xoay trục” về khu vực, ban hành chiến lược, dành nguồn lực hợp tác với khu vực (mà mới nhất là Canada và Hàn Quốc), trong đó Việt Nam tiếp tục có vị trí quan trọng trong các chiến lược đó là cơ hội lớn cho Việt Nam nói riêng, và cho cả khối ASEAN nói chung. Năm 2023 cũng là dịp kỷ niệm năm chẵn, năm tròn trong quan hệ của ta với rất nhiều đối tác lớn, chủ chốt có thể là cú hích thúc đẩy quan hệ trong một năm u ám, trì trệ của thế giới.
Bình tĩnh, can trường trước các khó khăn, bản lĩnh vượt lên trên thách thức để sáng tạo tìm kiếm và tranh thủ cơ hội là đặc điểm ngoại giao năm 2022 sẽ được tiếp tục phát huy trong năm 2023.