Đổi mới tư duy, cách tiếp cận, hình thức và phương thức triển khai các hoạt động đối ngoại nhân dân
Năm 2023, dù bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng, công tác đối ngoại và ngoại giao Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đâu là những đóng góp nổi bật trong công tác đối ngoại nhân dân của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trong năm qua, thưa ông?
Trong tổng thể một năm thành công của đối ngoại Việt Nam, đối ngoại nhân dân (ĐNND) nói riêng và hệ thống của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam với vai trò là trụ cột, là nòng cốt trong công tác ĐNND cũng có những đóng góp nhất định.
Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Phan Anh Sơn. |
Năm 2023, chúng tôi thực hiện được một số nội dung lớn như sau:
Thứ nhất, về hoạt động về hòa bình, đoàn kết, hợp tác, hữu nghị và quan hệ với các nước trên thế giới, trong năm 2023, việc duy trì quan hệ với các đối tác hiện có của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam được củng cố thêm một bước. Chúng tôi mở rộng mạng lưới đối tác của hệ thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam bởi hiện nay, nhiều bạn bè đối tác của nhân dân Việt Nam, mạng lưới đối tác của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cũng như của các hội hữu nghị song phương và đa phương đã cao tuổi.
Thứ hai, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động ĐNND nhân kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các nước. Chúng tôi kỷ niệm thiết lập 50 năm quan hệ ngoại giao với một loạt nước như: Canada, Achentina, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Anh, Pháp, Italia, Hà Lan…
Chúng tôi đã triển khai các chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao bằng các hình thức mới, nội dung mới, cách tiếp cận mới và có nhiều sự tham gia mới từ các đối tác nước ngoài.
Thứ ba, đối với các hoạt động cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, khi Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các tổ chức nhân dân, đoàn thể được giao trách nhiệm thực hiện các hoạt động đối ngoại trên kênh nhân dân, chúng tôi đã thực hiện rất thành công theo chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Nhân dịp chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan tổ chức thành công cuộc Gặp gỡ nhân sĩ hữu nghị và thế hệ trẻ hai nước Việt Nam-Trung Quốc.
Trước đó, vào ngày 22/5/2023, nhân chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Đảng nước Nga thống nhất và Phó Chủ tịch Hội đồng an ninh quốc gia, ông Medvedev sang Việt Nam, chúng tôi đã tổ chức cuộc gặp của Chủ tịch Đảng nước Nga thống nhất Medvedev với những người đã từng học tập, làm việc, sinh sống và những người Việt Nam yêu Liên bang Xô Viết trước đây và nước Nga ngày nay.
Hoạt động gặp gỡ nhân sĩ hữu nghị và thế hệ trẻ hai nước Việt Nam-Trung Quốc. |
Thứ tư, công tác vận động phi chính phủ nước ngoài cũng đạt được con số ấn tượng. Giá trị giải ngân viện trợ năm 2023 đạt 223,3 triệu USD.
Năm 2023, bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, tác động của dịch bệnh, chiến tranh, các cuộc xung đột. Nhiều nước đã điều chỉnh chính sách đối ngoại, trong đó có điều chỉnh các chính sách viện trợ cho các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Trước bối cảnh như vậy, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã đổi mới hình thức và phương thức tiếp cận vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài.
Thứ năm, công tác nghiên cứu, tham mưu và thông tin tuyên truyền đối ngoại. Trong năm 2023, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam có chủ trương nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu tham mưu.
Chúng tôi không đặt mục tiêu là nghiên cứu chiến lược nhưng chúng tôi tập trung và đặt mục tiêu nghiên cứu theo dõi, nắm bắt, đánh giá tình hình ở các nước, các khu vực và trên toàn thế giới. Trong đó, có một điểm nhấn là nghiên cứu, đánh giá, theo dõi các phong trào nhân dân thế giới và có quan hệ gần gũi với Việt Nam.
Việc tập hợp lực lượng hiện nay của các tổ chức, các phong trào nhân dân trên thế giới rất linh hoạt và đa dạng trên nhiều vấn đề cả trên mặt cách thức tập hợp lực lượng, cả về mặt hình thức, nội dung tập hợp.
Xác định đây là vấn đề quan trọng, chúng tôi đã thực hiện trong năm 2023, dự kiến cuối năm 2024, chúng tôi sẽ hoàn thành sản phẩm: vẽ bản đồ các tổ chức, phong trào nhân dân thế giới phục vụ công tác đối ngoại Việt Nam nói chung và đặc biệt trong lĩnh vực ĐNND.
Với mảng thông tin tuyên truyền đối ngoại, chúng tôi thực hiện tốt việc đổi mới công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vào việc truyển tải thông tin về đất nước, con người, chính sách, văn hoá, quan hệ hữu nghị, hợp tác của Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Thông tin của chúng tôi chuyển tải cho bạn bè khắp các châu lục cũng góp phần làm giảm thiểu, đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc.
Vậy còn những thách thức trong công tác này?
Có thể nói, thách thức đối với công tác ĐNND là khá lớn trong năm 2023. Đầu tiên là yếu tố bên ngoài, đó là những biến động, thay đổi của bối cảnh quốc tế, khu vực, điều chỉnh của chính sách các nước diễn ra liên tục tạo ra áp lực rất lớn đối với việc thực thi chính sách đối ngoại của tất cả các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Mặt khác, ĐNND cũng tương tự, chịu ảnh hưởng, tác động bởi dịch bệnh; biến đổi khí hậu, thiên tai, xung, đột, chiến tranh dẫn tới điều chỉnh chính sách.
Việt Nam có hệ thống bạn bè đối tác lâu năm, những người đã từng ủng hộ chúng ta trong 2 cuộc kháng chiến, đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Nhóm bạn bè đối tác này của chúng ta hiện nay đang rơi vào xu hướng già hóa và mất vai trò ở các quốc gia.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E.Knapper và Chủ tịch VUFO Phan Anh Sơn tại sự kiện Giao lưu hữu nghị Việt Nam-Hoa Kỳ năm 2023. |
Đây là những điều đặt ra cho chúng ta phải tiếp tục duy trì, củng cố mạng lưới đối tác sẵn có. Nhưng đồng thời đặt ra nhiệm vụ quan trọng đó là mở rộng mạng lưới bạn bè đối tác trên kênh nhân dân ở các quốc gia. Nhưng mở rộng như thế nào? Tại quốc gia nào? Đối với những nhóm đối tượng nào? Đây là câu chuyện không hề đơn giản.
Chúng tôi triển khai việc mở rộng bạn bè đối tác kênh nhân dân dựa trên một số cơ sở và nguyên tắc nhất định. Cơ sở và nguyên tắc cao nhất là thực hiện đường lối đối ngoại của Việt Nam: Độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng có lợi, trên cở sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Điều này có nghĩa chúng ta sẽ xây dựng và mở rộng bạn bè đối tác với những đối tác, người, nhóm người ủng hộ cho Việt Nam, ủng hộ cho cách mạng Việt Nam, cho công cuộc phát triển của Việt Nam, cho chính sách của Việt Nam. Hiện nay chúng tôi đang bám sát việc đó để triển khai.
ĐNND ứng dụng khái niệm "ngoại giao mang bản sắc cây tre" Việt Nam của Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng trong thực tiễn như thế nào?
Từ góc độ của VUFO, chúng tôi nghĩ “gốc vững” chính là những mục tiêu của đường lối đối ngoại Việt Nam: thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hợp tác, hữu nghị.
Gốc vững ở đây là lợi ích quốc gia dân tộc, đó là cái bất biến; là sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; cũng có thể là tinh thần, ý chí, cốt cách của con người và dân tộc Việt Nam, đó là tự lực, tự cường, độc lập, tự chủ.
Bởi vì tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh có ba điểm nhấn lớn, thể hiện đúng như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói. Đầu tiên là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; thứ hai là độc lập, tự chủ và đoàn kết quốc tế; thứ ba là ngoại giao hòa bình, rộng mở, thêm bạn bớt thù.
Cho nên nội hàm gốc vững, từ góc nhìn của chúng tôi, đại diện cho ý chí tự lực tự cường, ý chí độc lập tự chủ; đại diện cho tư tưởng lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Gốc vững ấy là mục tiêu của đường lối đối ngoại, là lợi ích quốc gia dân tộc.
Biểu diễn nghệ thuật tại Lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản. |
"Thân chắc” ở đây chính là sự phối hợp giữa ba trụ cột ngoại giao, đó là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Tại hội nghị tổng kết công tác đối ngoại năm 2023 diễn ra vào ngày 8/1 vừa qua, đồng chí Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai có nhấn mạnh: nhiệm vụ quan trọng của ba trụ cột đối ngoại chính là công tác phối hợp. Nếu công tác phối hợp tốt thì sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp cho nền ngoại giao đối ngoại Việt Nam.
“Cành uyển chuyển” cũng phù hợp và ứng với phương châm của ĐNND, đó là chủ động, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả. Chủ động, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả và sự uyển chuyển của ĐNND thể hiện bản chất của công tác này.
Bản chất của công tác ĐNND chính là công tác dân vận quốc tế, thuyết phục, vận động bạn bè, nhân dân, phong trào, chính khách các nước ủng hộ cho lợi ích quốc gia dân tộc của chúng ta, ủng hộ cho những cái mà chúng ta mong muốn.
Sự uyển chuyển của ĐNND là ngoại giao tâm công, tấn công vào lòng người, chuyển hóa tình thế, vận động để các bạn ủng hộ lợi ích quốc gia dân tộc của chúng ta.
Năm qua, quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác quan trọng có nhiều bước chuyển tích cực. Để thích ứng với tình hình mới, ĐNND cần có thay đổi thế nào, theo ông?
Từ cuối năm 2022, chúng ta đã nâng cấp quan hệ với Hàn Quốc. Năm 2023, Việt Nam nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ, sau đó là Nhật Bản và tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa nội hàm quan hệ Việt Nam và Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực.
Với những người làm công tác đối ngoại trong hệ thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, chúng tôi đã xác định kế hoạch và một số trọng tâm năm 2024, đặc biệt là với các đối tác vừa nâng cấp quan hệ. Mặt khác, chúng tôi chủ động mở rộng quan hệ với các đối tác trên kênh nhân dân.
Ví dụ, hiện nay, với Trung Quốc, về khía cạnh tổ chức, hệ thống đối tác của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tập trung vào 5 đối tác chính: Hội hữu nghị đối ngoại nhân dân Trung Quốc; Hiệp hội đối ngoại nhân dân Trung Quốc vì hòa bình và tài giản quân bị (Hòa Tài); Học hội ngoại giao Trung Quốc - tổ chức của những nhân sĩ, trí thức hoạt động trong lĩnh vực đối ngoại và giao lưu quốc tế; Hội giao lưu quốc tế của Trung Quốc; Hội Hữu nghị Trung Quốc – ASEAN.
Ở địa phương, chúng tôi hợp tác trên kênh nhân dân tương đối mạnh với các địa phương như: Chiết Giang, Giang Tô, Sơn Đông, Bắc Kinh, Thượng Hải, Phúc Kiến, Tứ Xuyên. Mục tiêu là thực hiện theo thỏa thuận cấp cao và nhận thức chung hai nước, đặc biệt là trên kênh nhân dân.
Nhiệm vụ đặt ra là chúng tôi phải thực hiện được các hoạt động theo đúng kế hoạch, chương trình mà Đảng đề ra. Song song với đó, chúng tôi sẽ tổ chức một số hoạt động cùng với phía đối tác Trung Quốc để tiếp tục mở rộng đối tác của phía Trung Quốc với phía Việt Nam, đồng thời đưa nhiều đối tác của phía Việt Nam để hợp tác với các đối tác Trung Quốc.
Đại biểu và các nghệ sĩ tại Lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Pháp. |
Ông có thể chia sẻ những trọng tâm lớn của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trong năm 2024?
Trước bối cảnh tình hình thế giới và khu vực, cũng như vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế, trong năm 2024, chúng tôi xác định một số nội dung trọng tâm đối với hệ thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam như sau:
Thứ nhất, trên khía cạnh hòa bình, đoàn kết, hữu nghị: chúng tôi tiếp tục đổi mới tư duy, hình thức, phương thức, cách tiếp cận trong việc triển khai các hoạt động đối ngoại trên kênh nhân dân.
Chúng tôi tập trung vào mục tiêu lớn nhất là phải đổi mới tư duy, cách tiếp cận, hình thức và phương thức triển khai các hoạt động đối ngoại trên kênh nhân dân. Hoạt động đối ngoại nhân dân khi triển khai không mang tính chất hình thức lễ lạt mà hiệu quả, có chiều sâu, góp phần cùng các trụ cột đối ngoại là đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước làm sâu sắc đường lối đối ngoại, chủ trương đối ngoại và thực hiện các mục tiêu đối ngoại của Việt Nam.
Thứ hai, tập trung đào tạo cán bộ chuyên trách làm công tác ĐNND với những yêu cầu, cách thức và nội dung mới. Trong những năm vừa qua, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã có chương trình tổng thể để đào tạo cán bộ. Nhưng chúng tôi cũng mới chỉ đào tạo được tại cơ quan thường trực và một số liên hiệp địa phương. Nhiệm vụ đặt ra cho chúng tôi là thực hiện đào tạo bồi dưỡng cán bộ chuyên trách làm công tác ĐNND trong toàn hệ thống ở cả hai cấp: trung ương và cấp tỉnh, thành phố.
Thứ ba, năm 2023, chúng tôi đã làm được một bước là rà soát và nhận diện đối tác trên kênh ĐNND. Tiếp nối kết quả này, năm 2024, chúng tôi sẽ mở rộng đối tác trên kênh nhân dân ở khắp các châu lục mà Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã và đang có quan hệ.
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức hoạt động giao lưu hữu nghị Chào Xuân Giáp Thìn. |
Thứ tư, hiện nay, trước bối cảnh rất nhiều chính sách của các nước thay đổi, công tác phi chính phủ nước ngoài đặt ra yêu cầu phải có cách tiếp cận mới. Cách tiếp cận mới ở đây là đa dạng hóa được nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài cho Việt Nam để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội mà Đại hội XIII đã đề ra.
Về mảng công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại, chúng tôi có một mục tiêu lớn là đổi mới về nội dung và hình thức. Với một mục đích duy nhất là làm sao hệ thống đối tác bạn bè của Việt Nam trên kênh nhân dân phải nhận được thông tin nhanh hơn, kịp thời hơn, chính xác hơn, đa dạng hơn trên các mặt về Việt Nam để chuyển tải tới các bạn.
Trân trọng cảm ơn ông!