Độc đáo không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên
Ngày 25 tháng 11 năm 2005, không gian văn hóa công chiêng Tây Nguyên là di sản thứ hai được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại. Sau Nhã nhạc Cung đình Huế, Cồng chiêng Tây Nguyên là di sản văn hóa phi vật thể thứ hai của Việt Nam được tôn vinh là di sản của thế giới. Điều đó khẳng định Việt Nam là một đất nước có bề dày truyền thống văn hóa, có nhiều nghệ thuật truyền thống cần được bảo tồn, gìn giữ và phát huy.
Cồng chiêng Tây Nguyên đã có nguồn gốc từ lâu đời và gắn liền với lịch sử Việt Nam. Ảnh: sưu tầm |
Cồng chiêng Tây Nguyên đã có nguồn gốc từ lâu đời và gắn liền với lịch sử Việt Nam. Tương truyền rằng, cội nguồn của cồng chiêng là từ đàn đá, cồng chiêng được mệnh danh là “hậu duệ”. Trước đây khi văn hóa đồng chưa xuất hiện, con người sử dụng các loại nhạc cụ bằng đá như cồng đá, chiêng đá. Sau đó, con người dùng tới tre nứa rồi mới đến thời đồ đồng. Chiêng đồng bắt đầu xuất hiện từ thời đó. Không gian văn hóa cồng chiêng trải dài tới 5 tỉnh vùng Tây Nguyên và là sự tập hợp của nhiều dân tộc thiểu số anh em khu vực này.
Cồng chiêng xuất hiện trên mảnh đất Tây Nguyên chan hòa nắng gió, nó như mạch nước ngầm thấm đẫm hơi thở cuộc sống. Âm thanh nhộn nhịp của cồng chiêng hòa quyện vào nhau tạo nên một giai điệu đặc biệt. Chúng thể hiện mọi niềm vui, nổi buồn của con người trong sinh hoạt và lao động sản xuất. Theo quan niệm của người Tây Nguyên, mỗi chiếc cồng chiêng tượng trưng cho một vị thần. Vì vậy, âm thanh cất lên cũng là tiếng nói của thần linh, của tâm hồn con người. Do đó nó trở thành một vật giúp con người giao tiếp và liên hệ với thế giới tâm linh.
Với người Tây Nguyên, cồng chiêng là đại diện, là nguồn sống, là tín ngưỡng tâm linh. Ảnh: sưu tầm |
Cồng, chiêng được làm từ hợp kim đồng, có khi pha vàng, bạc hoặc đồng đen. Cồng là loại có núm, chiêng không núm. Nhạc cụ này có nhiều cỡ, đường kính từ 20 đến 50-60cm, loại cực đại tới 90-120cm. Cồng chiêng có thể được dùng đơn lẻ hoặc dùng theo dàn, bộ từ 2 đến 12 hoặc 13 chiếc, thậm chí có nơi tới 18-20 chiếc.
Trong một bộ chiêng, chiêng mẹ (chiêng cái) là quan trọng nhất. Cồng chiêng có thể được gõ bằng dùi hoặc đấm bằng tay. Có dân tộc còn áp dụng kỹ thuật chặn tiếng bằng tay trái hoặc tạo giai điệu trên một chiếc chiêng... Dàn cồng chiêng Tây Nguyên được tổ chức như một dàn nhạc có thể diễn tấu những bản nhạc đa âm với các hình thức hòa điệu khác nhau. Điều đặc biệt trong dàn nhạc này mỗi người chỉ đánh một chiếc cồng, hoặc chiêng.
Cồng chiêng cũng là một nhạc cụ rất phổ biến trong nền âm nhạc của các tộc người Việt nam. Nhưng với người Tây Nguyên, cồng chiêng là đại diện, là nguồn sống, là tín ngưỡng tâm linh. Âm thanh khi ngân nga sâu lắng, khi thôi thúc, hòa quyện với tiếng suối, tiếng gió và với tiếng lòng sẽ sống mãi cùng với đất trời và con người Tây Nguyên. Cồng chiêng Tây Nguyên không được hiểu đơn thuần như một loại nhạc cụ mà còn được người dân xem như một loại ngôn ngữ giao tiếp của con người với thế giới siêu thực, bởi thế các loại nhạc cụ này được sử dụng trong nhiều nghi lễ, tín ngưỡng quan trọng.
Tiếng cồng chiêng vùng Tây Nguyên (Video: Đạo diễn Nguyễn Anh Dũng)
Tất cả các lễ hội trong năm, từ lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh đến lễ bỏ mả, lễ cúng máng nước, lễ mừng cơm mới, lễ đóng cửa kho, lễ đâm trâu hay trong một buổi nghe khan... đều phải có tiếng cồng. Tiếng chiêng dài hơn đời người, tiếng chiêng nối liền, kết dính những thế hệ.
Âm thanh của cồng chiêng như xoa dịu nỗi buồn, sự đớn đau, nỗi cô đơn trống vắng hay tủi hờn trong bất hạnh. Người giàu sang, kẻ nghèo hèn, già trẻ, gái trai như bị thôi miên, khao khát tìm về cội nguồn, gắn kết trong vũ điệu cồng chiêng say lòng người.
Âm nhạc ở đây không đơn thuần là nghệ thuật mà có chức năng phục vụ một sự kiện đặc biệt trong xã hội hoặc trong đời sống hàng ngày. Lúc đứa trẻ mới lọt lòng thì già làng sử dụng cái cồng xưa cổ nhất đến bên giường để đánh lên những âm thanh đầu tiên lọt vào tai đứa bé chào đón thành viên mới, khẳng định nó là một phần của cộng đồng.
Khi đứa trẻ lớn lên một giai đoạn của đời sống, từ việc đồng áng cho đến những buổi gặp gỡ nam nữ, khi đón khách, lên nhà mới, hay tang lễ... đều không thể thiếu tiếng cồng chiêng. Tiếng cồng chiêng hòa nhịp âm vang gợi cho người nghe như thấy được cả không gian săn bắn, không gian làm rẫy, không gian lễ hội... của người nơi đây. Không chỉ có vậy, tiếng cồng chiêng còn đem đến đời sống của người Tây Nguyên sự lãng mạn. Đó chính là nguồn gốc của những áng sử thi, thơ ca đi vào lòng người.
Cồng chiêng xuất hiện nhiều trong đời sống, trong các lễ hội, các hoạt động tín ngưỡng của đồng bào Tây Nguyên. |
Âm nhạc của cồng chiêng Tây Nguyên thể hiện trình độ điêu luyện của người chơi trong việc áp dụng những kỹ năng đánh chiêng và kỹ năng chế tác. Từ việc chỉnh chiêng đến biên chế thành dàn nhạc, cách chơi, cách trình diễn, những người dân dẫu không qua trường lớp đào tạo vẫn thể hiện được những cách chơi điêu luyện tuyệt vời. Với người Tây Nguyên, cồng chiêng và văn hóa cồng chiêng là tài sản vô giá.
Mỗi một dàn cồng chiêng là tiếng nói tâm linh, tâm hồn của người Tây Nguyên, để diễn tả những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống lao động và sinh hoạt hàng ngày của họ. Các tộc người ở Tây Nguyên sử dụng cồng chiêng theo cách thức riêng để chơi những bản nhạc của riêng dân tộc mình. Trải qua bao năm tháng, cồng chiêng đã trở thành nét văn hoá đặc trưng, đầy sức quyến rũ. Cồng chiêng chính là cuộc sống của người Tây Nguyên.