Doanh nghiệp ô tô nước ngoài đề nghị áp dụng chung việc giảm phí trước bạ
Mới đây, dựa theo kiến khị của doanh nghiệp lắp ráp xe hơi, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã có văn bản yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu kiến nghị của doanh nghiệp, đề xuất hướng tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, trong bối cảnh dịch Covid-19. Trong đó đáng chú ý nhất có đề xuất giảm 50% phí trước bạ cho xe lắp ráp trong nước. Đồng thời đánh giá và tính toán kỹ tác động, trên cơ sở đó đề xuất hướng xử lý kịp thời để tháo gỡ khó khăn cho ngành này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2021.
Liên quan đến các kiến nghị, đề xuất nêu trên, đại diện một nhà sản xuất xe trong nước cho rằng, nếu ngành sản xuất ô tô gặp khó khăn, doanh số sụt giảm mạnh, nộp ngân sách sẽ giảm theo. Việc ưu đãi lệ phí trước bạ, sẽ giúp tăng doanh số bán và tăng nguồn thu cho ngân sách.
Để xuất giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô được xem là giải pháp ngắn hạn giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn - Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ cho các hãng xe sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đang vấp phải phản ứng của các hãng nhập khẩu ô tô từ nước ngoài.
Theo đó, Audi Việt Nam cho biết việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo và đang lấy ý kiến đóng góp chỉ đề cập đến giải pháp giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước là có sự phân biệt đối xử.
"Chỉ giảm 50% lệ phí trước bạ đối với các xe lắp ráp trong nước đã cho thấy sự hiệu quả nhưng cũng là sự phân biệt đối xử ưu tiên xét trên toàn quốc”, văn bản của Audi Việt Nam nhấn mạnh.
Trong văn bản do ông Laurent Genet, Tổng giám đốc Audi Việt Nam gửi đến Thủ tướng Chính phủ, bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ: Năm 2021, quy định cách ly xã hội nghiêm ngặt tại Việt Nam đang buộc tất cả các nhà nhập khẩu và nhà phân phối ô tô nguyên chiếc (CBU) phải tạm ngừng kinh doanh. Sự phân biệt đối xử ưu tiên chỉ riêng với xe sản xuất, lắp ráp trong nước (CKD) là thiếu công bằng đối với các nhà nhập khẩu cũng như nhà phân phối CBU. Đây cũng là những đơn vị đang phải gánh nhiều tổn thất từ các văn phòng đăng ký, đăng kiểm xe hiện đang ngưng hoạt động, trong khi các doanh nghiệp này vẫn phải tiếp tục chi trả chi phí cho việc thuê cơ sở thương mại, thuế, lưu kho và nguồn nhân lực.
Trên cơ sở này, Audi Viêt Nam đề nghị việc giảm phí trước bạ cũng cần phải áp dụng chung cho cả CKD và CBU mà đây cũng sẽ là sự hỗ trợ cho toàn cộng đồng.
Thị trường ô tô cần có thêm nhiều hỗ trợ trong bối cảnh dịch bệnh - Ảnh mình họa |
Trao đổi với Tạp chí Thời Đại, ông Thành Lê (Quản trị viên diễn đàn Otofun - diễn đàn hàng đầu về ô tô) đánh giá: "Chuyện giảm trước bạ chỉ riêng cho xe lắp ráp trong nước, nó khá bất công đối với xe nhập khẩu. Việc giảm trước bạ sẽ kích thích người mua qua đó giúp thị trường ô tô trong nước phát triển. Điểm cuối của những chính sách này là tạo ra ngành công nghiệp ô tô phát triển, người tiêu dùng trong nước được hưởng lợi".
Được biết trong năm ngoái, sau khi Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) kiến nghị và các bộ, ngành trình Chính phủ, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 70/2020/NĐ-CP quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước bằng 50% mức thu theo quy định, áp dụng từ ngày 29/6 đến hết ngày 31/12/2020.
Thời điểm đó, các nhà nhập khẩu và phân phối ô tô tại Việt Nam cũng có phản ứng. Trong "Sách trắng 2020", Phòng thương mại và Công nghiệp châu Âu (Euro Charm) cũng có phản ứng khi cho rằng việc Việt Nam chỉ giảm 50% phí trước bạ với ô tô sản xuất trong nước là phân biệt đối xử, Euro Charm đề nghị áp dụng giảm 50% lệ phí trước bạ cho tất cả doanh nghiệp nhập khẩu, lắp ráp và phân phối ô tô mới.