"Doanh nghiệp cần tự chịu trách nhiệm pháp lý khi yêu cầu hoàn thuế"
-Thưa ông, 2 từ hoàn thuế hiện nay vẫn đang là điểm nóng được dư luận rất quan tâm, vì sao vấn đề này lại tồn tại dai dẳng đến vậy?
-Vì tính chất phức tạp của công tác hoàn thuế thôi, chứ ngành thuế thì luôn lấy tinh thần phục vụ doanh nghiệp (DN) lên làm mục tiêu hàng đầu. Về mặt quản lý chúng tôi hỗ trợ DN tối đa, hỗ trợ về thủ tục, về công nghệ thông tin, về hoàn trước kiểm tra sau, về hướng dẫn nghiệp vụ…Nhìn chung tất cả những gì có thể làm được để phục vụ DN thì ngành thuế đã triển khai quyết liệt và tích cực rồi.
-Có mâu thuẫn không, thưa ông, khi vừa qua có một số DN than phiền họ phải chờ quá lâu cho dù hồ sơ hoàn thuế đã đầy đủ?
-Nhiệm vụ và mục tiêu giải quyết công việc của ngành thuế ở đây rất rõ ràng, đó là luôn đảm bảo công bằng, khách quan, đúng pháp luật. Tất cả mọi trường hợp, dù là hoàn trước kiểm tra sau hay kiểm tra trước hoàn sau, ngành thuế cũng đều thực hiện với tinh thần là làm sao phục vụ DN nhanh nhất, kịp thời nhất và đúng đắn nhất. Trên thực tế, rất nhiều DN đã được hoàn thuế, và tổng số tiền hoàn cũng khá lớn.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định ngành thuế không hề gây khó dễ cho doanh nghiệp |
Tuy nhiên bên cạnh những DN kinh doanh chân chính, đàng hoàng thì cũng có câu chuyện “con sâu làm rầu nồi canh”. Đó là những DN mua bán hoá đơn để trục lợi ngân sách nhà nước thông qua chính sách hoàn thuế. Vì vậy, bên cạnh việc tạo điều kiện tốt nhất để DN hoạt động thì ngành thuế cũng phải làm hết sức chặt chẽ, cẩn trọng với từng trường hợp để không thất thoát ngân sách. Thực tế thì ngành thuế đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường công tác quản lý địa bàn để phát hiện yếu tố bất thường, gian dối…Cơ quan thuế đã phát triển công nghệ AI có thể đối chiếu nhiều lớp để phát hiện ra hoá đơn giả và hoá đơn ngụy tạo. Không chỉ có vậy, ngành thuế cũng chú trọng thanh kiểm tra, nếu phát hiện có sai phạm sẽ chuyển cơ quan công an xử lý. Nhìn chung là quản lý rất chặt trên nhiều bình diện, do đó sẽ không có chuyện khi xác minh mà thấy có dấu hiệu đáng ngờ nhưng vẫn cho hoàn.
-Ông có thể ví dụ?
-Ví dụ có trường hợp hồ sơ hoàn thuế nộp lên rất đầy đủ, tuy nhiên khi xác minh với cơ quan chức năng của nước bạn thì phát hiện ra đối tác bên đó không tồn tại. Như vậy thì làm sao mà hoàn thuế được.
-DN có tâm phục khẩu phục không, thưa ông?
-Quan điểm của Bộ Tài chính rất rõ ràng, DN có quyền khiếu nại lên cấp cao hơn, hoặc kiện ra toà. Tại Nghệ An có DN kiện rồi, tuy nhiên toà cũng ra phán quyết là không hoàn thuế được, mà phán quyết của toà án là cuối cùng rồi.
-Thưa ông, điểm nghẽn hiện nay nằm ở chỗ DN thì lấy hồ sơ “đẹp” ra làm căn cứ yêu cầu hoàn, nhưng ngành thuế thì không thể chấp thuận với những trường hợp khi xác minh phát hiện có dấu hiệu trục lợi. Tuy nhiên, việc muốn chứng minh rõ ràng cũng thiếu khả thi vì thời gian chỉ có 40 ngày, chưa kể nhân lực mỏng rồi sự phối hợp liên ngành không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Vậy, để chấm dứt tình trạng căng thẳng trong hoàn thuế, hạn chế những rủi ro pháp lý mà cán bộ thuế có thể gánh chịu thì tới đây Bộ Tài chính sẽ có giải pháp gì?
-Công tác xây dựng pháp luật tới đây sẽ làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là cơ quan thuế. Tinh thần là đẩy mạnh hoàn trước kiểm tra sau, cơ quan thuế chỉ chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ, còn DN phải chịu trách nhiệm về độ trung thực, về tính hợp pháp và tính hợp lý của hồ sơ. Việc này là phải rõ ràng, vì anh tự kê khai nên phải tự chịu trách nhiệm, chứ không có chuyện anh sử dụng hoá đơn giả rồi bắt cán bộ thuế đi tù là không được. Cần phải nói rõ điểm này, và cơ quan thuế chỉ chịu trách nhiệm khi bỏ qua lỗi của DN. Phải làm như vậy mới tách bạch được chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quyền hạn một cách rõ ràng.
-Là Bộ trưởng nên sức ép với ông chắc rất lớn, một mặt từ dư luận khi đòi hỏi phải ủng hộ DN toàn diện, mặt khác từ cán bộ thuế với nỗi lo ngại “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” cứ lơ lửng trên đầu. Điều này có tác động gì đến quan điểm điều hành của ông?
-Tôi nghĩ hãy thật sự trách nhiệm và tận tụy, nỗ lực hết sức vì công việc là được.
-Để ngành thuế thật sự được chủ động tối đa trong việc phòng ngừa và xử lý gian lận thuế nói chung, thưa ông, cần thêm điều kiện gì?
-Luật cần cho cơ quan thuế được quyền khởi tố vụ án, giống như lực lượng hải quan hay kiểm lâm. Hiện tại, ví dụ như với hải quan sau khi xác định lô hàng này là hàng lậu thì họ sẽ khởi tố và chuyển hồ sơ cho cơ quan công an và Viện kiểm sát, sau đó phía công an sẽ tiếp tục xử lý. Còn nếu so sánh trên bình diện quốc gia, ở nước ngoài họ có hẳn cảnh sát thuế và có quyền bắt giam người vi phạm.
-Trân trọng cảm ơn ông!