Đoàn kết giữa các thành viên ASEAN đưa Ðông Nam Á bước vào giai đoạn bình thường mới
Ngày 8/10, Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế sáng tạo Indonesia Sandiaga Uno cho biết, theo lệnh của Tổng thống, Indonesia sẽ rút ngắn thời gian cách ly cho du khách từ 8 ngày xuống còn 5 ngày. (Ảnh: CNNPhilippines) |
Cùng xu thế "sống chung với COVID-19" trên toàn cầu, các quốc gia Ðông Nam Á đang tích cực chuẩn bị bước vào giai đoạn bình thường mới, vừa chống dịch, vừa mở cửa nền kinh tế.
Việc mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế - xã hội sau khi đã "phủ sóng" vaccine ngừa COVID-19 đang được thực hiện tại hầu hết các quốc gia Ðông Nam Á. Cùng với mở cửa du lịch, hoạt động giao thương, sản xuất cũng đang từng bước được khôi phục khi tại Malaysia, Việt Nam, Indonesia và Philippines, các ca bệnh được ghi nhận trung bình hằng ngày hiện thấp hơn một nửa so với mức đầu tháng 9. Theo đó, các trung tâm sản xuất ở Ðông Nam Á đã hoạt động trở lại trong những tuần gần đây và giúp thu hẹp ảnh hưởng đối với chuỗi cung ứng cũng như doanh số bán hàng của các thương hiệu lớn.
Tại Campuchia, Thủ tướng Hun Sen vừa tuyên bố, từ nay trở đi, đất nước Chùa Tháp sẽ mở cửa hoàn toàn trong mọi lĩnh vực và sống chung với COVID-19 "theo một cách sống mới". Tuần trước, các nhà hát, viện bảo tàng ở Campuchia đã hoạt động trở lại, trong khi một số điểm du lịch hút khách là Sihanoukville và các đảo Koh Rong, tỉnh Koh Kong cũng mở cửa cho du khách với điều kiện họ đã tiêm vaccine và thực hiện cách ly năm ngày.
Ngày 10/10, Campuchia đã chứng kiến ngày thứ 10 giảm đáng kể số ca mắc mới, với 239 trường hợp, nâng tổng số ca COVID lên 114.810 trường hợp.
Trước đó, ngày 9/10 Thủ tướng Hun Sen cho biết Campuchia hoàn toàn có thể mở cửa nền kinh tế trên tất cả các lĩnh vực nếu tình hình COVID-19 vẫn ổn định ở mức hiện tại trong ít nhất 10-15 ngày liên tục.
“Tình hình COVID-19 hiện tại vẫn ổn định với dưới 20 ca tử vong mỗi ngày và dưới 300 trường hợp nhiễm được ghi nhận mỗi ngày. Nếu tình hình vẫn như hiện tại trong 10-15 ngày tới, tôi nghĩ đã đến lúc mở cửa lại nền kinh tế và xã hội trên tất cả các lĩnh vực theo khái niệm bình thường mới”, Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh.
Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob tại cuộc họp báo chiều 10/10 tuyên bố dỡ bỏ Lệnh cấm dịch chuyển liên bang từ ngày 11/10. Điều này đồng nghĩa với việc mọi người dân Malaysia đã hoàn thành tiêm chủng có thể tự do đi lại trong và ngoài nước. Những công dân Malaysia trở về từ nước ngoài vẫn phải cách ly bắt buộc 14 ngày, trường hợp đã hoàn thành tiêm chủng sẽ được cách ly tại nhà. Tuy nhiên, việc dỡ bỏ sắc lệnh này không được áp dụng đối với những khu vực đang phải áp đặt Lệnh kiểm soát dịch chuyển tăng cường (EMCO).
Hiện 70,4% thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi tại Malaysia đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng COVID-19. Giới chức Malaysia kỳ vọng với độ phủ vaccine tương đối rộng, quốc gia này có thể tự tin từng bước nới lỏng những hạn chế trước đây và chuyển sang giai đoạn coi COVID-19 như căn bệnh đặc hữu.
Lệnh cấm dịch chuyển liên bang đã được dỡ bỏ một thời gian ngắn vào năm ngoái, nhưng được áp đặt trở lại vào tháng 1/2021 sau khi số ca nhiễm COVID-19 hằng ngày tăng đột biến. Lệnh cấm được thực hiện chặt chẽ từ sau tháng 5, nhất là sau khi Malaysia đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới do nhiều người bất chấp lệnh cấm về quê vào dịp tết của người Hồi giáo.
Người dân chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Tại các quốc gia khác ở Ðông Nam Á như Thái Lan, Indonesia… nhiều hoạt động du lịch cũng dần được khôi phục. Thái Lan đã chính thức áp dụng hình thức bong bóng du lịch tại đảo Phuket, trong khi Indonesia đã cho phép du khách 18 nước nhập cảnh từ giữa tháng 10 vừa qua.
Bên cạnh đó, các nước Ðông Nam Á cũng đang tích cực mở rộng tiêm chủng cho học sinh và mở cửa trở lại các trường học. Malaysia sẽ xúc tiến mua vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech để tiêm chủng cho trẻ em, sau khi Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) khuyến nghị sử dụng vaccine này cho trẻ từ 5-11 tuổi. Trong khi đó, Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Indonesia vừa cấp giấy phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Sinovac (Trung Quốc) cho trẻ em từ 6-11 tuổi dựa trên đánh giá an toàn và miễn dịch.
Ðại dịch COVID-19 đã hoành hành nghiêm trọng trong gần hai năm qua và làm suy yếu nhiều nền kinh tế, cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người ở Ðông Nam Á. Trong cuộc chiến chống dịch bệnh này, các quốc gia trong khu vực đã khẳng định tinh thần cộng đồng, đoàn kết và chủ động đối phó thách thức. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN mới đây, các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhất trí thông qua những khuôn khổ, kế hoạch hành động chung và chuyển đi thông điệp về tinh thần hợp tác, đồng lòng cùng nhau kiểm soát đại dịch, thúc đẩy phục hồi kinh tế. Bước vào giai đoạn "bình thường mới" hiện nay, một lần nữa các quốc gia ASEAN cần "kề vai sát cánh" thực hiện các biện pháp vừa chống dịch, vừa mở cửa nền kinh tế và tiếp tục khẳng định thông điệp đoàn kết nêu trên.
Việt Nam cùng các nước ASEAN giữ vững đoàn kết, ứng phó hiệu quả các thách thức Tại các hội nghị, Lãnh đạo ASEAN và các nước Đối tác đã thảo luận sôi nổi, sâu rộng nhiều nội dung quan trọng. Đặc biệt, các nhà Lãnh đạo nhất trí cao về các biện pháp tăng cường hợp tác ứng phó dịch COVID-19, nhất là nâng cao năng lực y tế, tự chủ về vaccine và sớm phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, khôi phục đi lại giữa các nước trong điều kiện bình thường mới. |
Ngày gia đình ASEAN được tổ chức trực tuyến với chủ đề "ASEAN đoàn kết chung tay đẩy lùi Covid-19" Ngày Gia đình ASEAN năm nay rất đặc biệt vì đây là lần đầu tiên sự kiện này được tổ chức theo hình thức trực tuyến với chủ đề “ASEAN đoàn kết chung tay đẩy lùi Covid-19”. |
Kết nối tiêu thụ hàng hoá trong giai đoạn bình thường mới Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, ngoài việc ổn định kênh phân phối, các địa phương đang tích cực triển khai nhiều biện pháp kết nối cung cầu nhằm tiêu thụ hàng hoá trong giai đoạn bình thường mới. |