Đoàn công tác Việt Nam quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ tại Thổ Nhĩ Kỳ
Lực lượng công binh tìm kiếm nạn nhân trên khu vực đổ nát tại Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Hải Linh/TTXVN)
Kể từ tối 13/2, đoàn công tác cứu hộ, cứu nạn của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tới thành phố Antakya, thuộc tỉnh Hatay ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, tham gia công tác cứu hộ cứu nạn các nạn nhân bị mắc kẹt trong đống đổ nát sau trận động đất kinh hoàng ngày 6/2.
Tính tới chiều tối 18/2 (giờ Việt Nam), lực lượng cứu hộ, cứu nạn của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã giúp nước bạn xác định được 14 vị trí có nạn nhân của trận động đất vừa qua, trong đó có 2 vị trí có dấu hiệu sự sống.
Chính phủ và người dân Thổ Nhĩ Kỳ đã vô cùng cảm kích trước những nỗ lực tìm kiếm nạn nhân còn sống và đã mất của đoàn cứu hộ cứu nạn Quân đội Nhân dân Việt Nam do Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Phó cục trưởng Cục Cứu hộ-Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam), làm trưởng đoàn.
Những nỗ lực, quyết tâm và hành động của đoàn đã không chỉ mang lại niềm tin và hy vọng của người dân Thổ Nhĩ Kỳ về việc có thể gặp lại hay tìm được người thân yêu bị vùi lấp trong đống đổ nát mà còn được lực lượng cứu hộ cứu nạn các nước đánh giá rất cao.
Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ cho biết trong ngày 18/2, đoàn công tác cứu hộ, cứu nạn của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tìm 4 vị trí, trong đó có 2 vị trí có nạn nhân. Đoàn đã bàn giao cho nước sở tại.
Ở vị trí thứ nhất, phía Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa thi thể nạn nhân ra ngoài.
Ở vị trí thứ hai, đoàn Việt Nam xác định có 4 người và lực lượng cứu hộ cứu nạn sở tại đang bắt đầu triển khai phương tiện vào để đưa các nạn nhân ra ngoài.
Lực lượng công binh tìm kiếm nạn nhân trên khu vực đổ nát tại Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Hải Linh/TTXVN).
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ nêu rõ đoàn công tác cứu hộ, cứu nạn của Quân đội Nhân dân Việt Nam rất muốn đưa nạn nhân bị mắc kẹt ra ngoài, song trên thực tế nhiệm vụ của đoàn chỉ là đi dò, tìm, đánh dấu các vị trí có nạn nhân ở đó, sau đó bàn giao cho phía Thổ Nhĩ Kỳ. Đây cũng là quy định của cơ quan điều phối quốc tế cũng như quy định của Thổ Nhĩ Kỳ. Chưa kể với những tòa nhà bị đổ sập, rất cần những trang thiết bị, máy xúc hạng nặng để đào bới.
Do đó, ngay cả khi đoàn công tác cứu hộ, cứu nạn của Quân đội Nhân dân Việt Nam muốn trực tiếp đưa nạn nhân ra ngoài, nhà chức trách sở tại cũng không cho làm bởi công tác đảm bảo an toàn là trên hết. Chỉ khi nào có điều kiện, đoàn công tác của Bộ Quốc phòng Việt Nam mới kết hợp với lực lượng cứu hộ cứu nạn nước sở tại để đưa thi thể nạn nhân ra ngoài như ngày 17/2.
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ khẳng định đoàn công tác của Bộ Quốc phòng Việt Nam luôn quyết tâm hoàn thành mục tiêu và nhiệm vụ được giao phó, cũng như luôn đảm bảo việc phối hợp với cơ quan điều phối quốc tế cũng như nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đảm bảo công tác cứu hộ cứu nạn đạt hiệu quả cao nhất.
Động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria: Hoạt động của đoàn công tác Việt Nam được đánh giá cao
Theo phóng viên TTXVN đưa tin từ Hatay (Thổ Nhĩ Kỳ), lực lượng cứu hộ cứu nạn các nước đang hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ đã đánh giá cao hoạt động của đoàn công tác cứu hộ, cứu nạn của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
|
Đoàn công tác Bộ Công an đến thăm hỏi, động viên bà con Việt kiều tại Thổ Nhĩ Kỳ
Theo phóng viên TTXVN đưa tin từ thành phố Adiyaman, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 16/2, song song với hoạt động cứu hộ cứu nạn vẫn tiếp tục được thực hiện tại hiện trường, đoàn công tác của Bộ Công an, do Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn, làm trưởng đoàn, đã đến thăm hỏi, động viên gia đình một số bà con người Việt ở những khu vực gần thành phố Adiyaman - nơi bị ảnh hưởng nặng nề của trận động đất ngày 6/2 vừa qua.
|