Đô đốc Nga tiết lộ nguyên nhân vụ chìm tàu ngầm Kursk của Hạm đội phương Bắc
Tàu ngầm Nga. Ảnh: Sputnik |
Kursk - tàu ngầm hạt nhân của Nga, bị chìm ngày 12/8/2000 trong một cuộc tập trận của Hạm đội phương Bắc ở độ sâu 108 mét khiến toàn bộ 118 người trên tàu thiệt mạng. Theo các thông tin chính thức, thảm họa xảy ra do một vụ nổ ngư lôi trên tàu.
Đô đốc Vyacheslav Popov - cựu tư lệnh Hạm đội phương Bắc (1999-2001) cho biết, tàu ngầm nước ngoài “va chạm” với tàu Kursk sau đó bị một máy bay chống ngầm của Hải quân Nga phát hiện ngoài khơi bờ biển Na Uy.
Ông Popov nói rằng, ông biết “chắc chắn 90%” tên của tàu ngầm bị nghi vấn. Dù vậy, ông nhấn mạnh không thể công bố bằng chứng để chứng minh cho những tiết lộ của ông.
Theo ông Popov, tàu ngầm NATO khi đó đang theo dõi tàu ngầm Kursk nhưng đã tới quá gần tàu ngầm của Nga. Con tàu này bị hư hỏng sau va chạm với tàu Kursk và vụ nổ xảy ra sau đó.
Đô đốc cũng nhắc lại rằng các cuộc tập trận của Hạm đội phương Bắc hồi tháng 8/2000 diễn ra cả ở các vùng biển của Nga và vùng biển quốc tế.
Theo ông Popov, 3 tàu ngầm nước ngoài đã thu thập thông tin trinh sát trong quá trình diễn ra cuộc tập trận của Nga.
Truyền thông Nga cũng như truyền thông nước ngoài xác định tàu ngầm USS Memphis, USS Toledo (của Mỹ) và HMS Splendid (của Anh) có mặt gần khu vực tập trận khi đó. Bộ Quốc phòng Nga đã đề nghị Lầu Năm Góc kiểm tra tàu Memphis và tàu Toledo, nhưng đã bị bác bỏ, với lý do “tất cả các tàu ngầm này đều đang làm nhiệm vụ".
Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2018, Tổng thống Nga V.Putin nói rằng thảm họa xảy ra với tàu Kursk là hồi chuông cảnh tỉnh cho thực trạng báo động trong lực lượng vũ trang Nga sau 1 thập kỷ kể từ khi Liên Xô sụp đổ.
Từ sau thảm họa của tàu ngầm Kursk, Tổng thống Putin đã tăng mạnh chi tiêu quân sự và việc bảo trì tàu ngầm có những thay đổi đáng kể. Hải quân Nga cũng đã ngừng sử dụng hydrogen peroxide làm chất đẩy vào năm 2002.