Điểm tựa cho trẻ em bất hạnh
Bằng tình thương của mình, những người “Mẹ đỡ đầu” đã mang yêu thương, xoa dịu nỗi đau, trở thành điểm tựa để trẻ em nghèo, trẻ em mồ côi có thêm động lực vượt qua khó khăn, vươn lên trong đời sống.
Đang ở lứa tuổi hồn nhiên như bao bạn bè đồng trang lứa thì nghịch cảnh bỗng chốc đã làm em Trần Xuân Định (SN 2005, trú thôn Trường An, xã Đại Quang) cùng lúc mất cả cha lẫn mẹ.
Ai cũng bùi ngùi, xót xa trước cảnh ngộ éo le khi chỉ trong vòng 3 tháng, Định phải gánh chịu nỗi đau mất cả hai chỗ dựa duy nhất của đời mình. Mẹ Định ra đi sau một cơn bạo bệnh; cha Định buồn rầu, rồi ho nhiều, vài tháng sau cũng mất vì bệnh phổi.
Đau thương này chưa nguôi, đau thương khác ập đến, tưởng rằng cậu bé không còn sức gắng gượng. Căn nhà cấp 4 hiu quạnh khi một mình em côi cút bên 2 bàn thờ nghi ngút khói hương. Biến cố gia đình khiến Định từ một cậu bé vui vẻ, hoạt bát trở nên ít nói cười, bởi em biết con đường phía trước còn nhiều gian nan, vất vả. Ngoài thời gian học ở trường, Định lại rong ruổi trên chiếc xe đạp cũ kỹ, hễ ai trong thôn kêu gì làm nấy để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống.
Thấu hiểu những mất mát và khó khăn của Định, Hội LHPN xã Đại Quang đã nhận làm “Mẹ đỡ đầu” cho em với mức hỗ trợ 300.000 đồng/tháng. Hội còn vận động các nhà hảo tâm tặng nhu yếu phẩm như gạo, mì tôm và sách vở, xe đạp… nhằm chia sẻ bớt khó khăn, động viên Định vươn lên trong học tập.
Với phương châm “Ở đâu có trẻ mồ côi, ở đó có mẹ đỡ đầu”, Hội LHPN huyện Đại Lộc đã xây dựng kế hoạch triển khai mô hình “Mẹ đỡ đầu” đến 100% các cơ sở hội. Mức hỗ trợ từ 300 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/cháu/tháng, thời gian hỗ trợ từ 3 đến 5 năm. Hội còn khuyến khích các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm nhận đỡ đầu cho các cháu đến 18 tuổi.
Trường hợp em Nguyễn Lê Anh Thi (SN 2010, trú thôn Phú Hòa, xã Đại An) cũng không kém phần bất hạnh. Năm 2018, ba mẹ em vào Gia Lai mua dưa về bán tết, đến địa phận đèo Lò Xo (Kon Tum) xe bị lật, mẹ em mất ngay tại chỗ, cha em bị thương nặng gãy cả 2 chân. Từ đó tinh thần và sức khỏe của ba Thi suy yếu, không còn đủ khả năng lao động để nuôi 3 chị em ăn học.
Đầu năm 2019, Hội LHPN xã Đại An đã đứng ra làm “Mẹ đỡ đầu” để Thi có cơ hội bước tiếp trên con đường học tập với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng. Hội còn vận động nhà hảo tâm ủng hộ các nhu yếu phẩm, tặng cặp, sách vở, áo quần, xe đạp; thường xuyên thăm hỏi, bày dạy em công việc nhà, kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình. Từ đó, cuộc sống của Thi và gia đình đã bớt khó khăn hơn.
Ông Nguyễn Đình Nho, ba Thi xúc động trước sự quan tâm và tình cảm của Hội LHPN xã và cộng đồng dành cho gia đình. Ông chia sẻ: “Mô hình “Mẹ đỡ đầu” đã giúp con của tôi có điều kiện được phát triển như bạn bè cùng trang lứa, được chia sẻ, động viên tinh thần, được dạy dỗ, bảo ban những điều hay, lẽ phải. Tôi rất biết ơn và hy vọng chương trình được nhân rộng, mang lại nụ cười và niềm hạnh phúc cho trẻ”.
Điểm tựa vươn khơi
Bà Phạm Thị Na, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, khẳng định: Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển” là nguồn động viên, cổ vũ tinh thần lớn đối với ngư dân. Thời gian tới, chúng tôi rất mong có nhiều sự hỗ trợ hơn nữa thông qua các lực lượng thực thi pháp luật trên biển, các đội tàu trực để tổ chức tuyên truyền, hỗ trợ ngư dân tiếp tục khai thác hải sản bền vững.
|
Chăm lo Tết cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn
Dịp Tết Quý Mão sẽ có gần 45.000 suất quà với tổng kinh phí hơn 16 tỷ đồng được trao cho người có công, người nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
|