Đẩy mạnh vận động sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn
Vấn đề an toàn thực phẩm ngày càng được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta quan tâm. Bảo đảm an toàn thực phẩm không những góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân mà còn giúp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong bảo đảm an toàn thực phẩm, sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên thực tế hiện nay, nông sản thực phẩm được sản xuất, kinh doanh theo các mô hình bảo đảm an toàn chưa nhiều.
Trong thời gian qua, các Bộ ngành, địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm. Nhận thức của người dân được nâng lên, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn được xây dựng và phổ biến ngày càng rộng rãi... Tuy nhiên, số lượng các hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ còn lớn. Một số nơi vẫn còn tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, kháng sinh, sử dụng chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, bảo quản và chế biến nông sản thực phẩm, phân biệt sản xuất để ăn và để bán… Tình trạng sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm không an toàn vẫn là vấn đề nhức nhối, gây bức xúc xã hội.
Hiện nay, nông sản thực phẩm được sản xuất, kinh doanh theo các mô hình bảo đảm an toàn chưa nhiều.
Để phát huy những kết quả đạt được, tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, Chính phủ cùng Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thống nhất triển khai chương trình phối hợp "Tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2017 - 2020".
Nhân rộng các mô hình
Trồng dưa chuột theo mô hình Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn ở xã An Hòa, Tam Dương, Vĩnh Phúc.
Nội dung của Chương trình bao gồm: Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; tiếp tục vận động các tổ chức, cá nhân ký cam kết về sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn.
Tiếp tục vận động, hướng dẫn, tập huấn áp dụng và nhân rộng các mô hình, quy trình sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, trong đó chú trọng sản xuất, kinh doanh theo chuỗi với các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng phù hợp như: Hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết với các hộ nông dân từ khâu cung cấp vật tư, dịch vụ đầu vào đến tiêu thụ sản phẩm; liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn giữa cơ sở sản xuất ban đầu với các cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh.
Chương trình cũng thực hiện hỗ trợ kết nối cơ sở sản xuất nông sản thực phẩm an toàn với nhà phân phối, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ cho các cấp hội và hội viên Hội nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; giám sát, lên án các trường hợp sản xuất, kinh doanh tiêu thụ nông sản thực phẩm không an toàn; kịp thời biểu dương tôn vinh những điển hình tiên tiến.
Nói không với "rau hai luống, lợn hai chuồng"
Mục đích của Chương trình nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; đấu tranh, ngăn chặn việc sản xuất nông sản thực phẩm không an toàn, sớm xóa bỏ hiện tượng sản xuất để ăn phân biệt với để bán như "rau hai luống, lợn hai chuồng".
Đồng thời, thúc đẩy việc áp dụng và nhân rộng các mô hình, quy trình sản xuất tiên tiến, bảo đảm an toàn thực phẩm; phát triển sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn theo chuỗi; ngăn chặn tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng, hóa chất, kháng sinh và chất cấm trong sản xuất nông sản thực phẩm, làm sạch và bảo đảm vệ sinh môi trường.
Phát huy vai trò và tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp hội và hội viên Hội nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, thực hiện và giám sát việc bảo đảm an toàn thực phẩm; kịp thời phát hiện, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, đấu tranh, lên án các hành vi vi phạm.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Y tế có trách nhiệm biên soạn tài liệu tuyên truyền, phổ biến kiến thức, quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn cũng như phổ biến kinh nghiệm về mô hình, quy trình sản xuất, kinh doanh và tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn. Bên cạnh đó, Bộ Công thương chủ trì tổ chức hỗ trợ kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm của các tổ chức, cá nhân sản xuất nông sản thực phẩm an toàn; tăng cường thanh tra, kiểm tra quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu, hàng giả và thực phẩm không an toàn lưu thông trên thị trường.
Tuệ Lâm (t/h)