Đẩy mạnh hợp tác nông nghiệp, hướng đi phù hợp cho doanh nghiệp Việt Nam - Brazil hậu COVID-19
Hội Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam – Brazil triển khai nhiều hoạt động kết nối doanh nghiệp
Brazil và Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1989 và trong hơn 30 năm qua, mối quan hệ này không ngừng củng cố và phát triển trên nhiều lĩnh vực. Tuy xa cách nhau về địa lý song hai nước Việt Nam và Brazil có nhiều điểm tương đồng. Điều này đã tạo điều kiện cho các hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước, và cả các hoạt động hợp tác, đầu tư, thương mại.
Theo Chủ tịch Hội Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam – Brazil Nguyễn Văn Lạng, trong thời gian qua, Hội hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Brazil đã có nhiều hoạt động tích cực và thiết thực góp phần củng cố và tăng cường tình hữu nghị, hiểu biết và hợp tác giữa nhân dân hai nước.
Chủ tịch Hội Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam – Brazil Nguyễn Văn Lạng trao đổi với doanh nghiệp đến từ Brazil bên lề Tọa đàm Doanh nghiệp Việt Nam – Brazil tháng 5/2019. (Ảnh: NVCC) |
Đáng chú ý, Hội đã tổ chức năm đoàn doanh nghiệp Việt Nam sang thăm và giao lưu, gặp gỡ với các đối tác Brazil. Thông qua hoạt động này, nhiều bản ghi nhớ và hợp đồng kinh tế giữa doanh nghiệp hai nước đã được ký kết, hỗ trợ, kết nối các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Brazil. Để tổ chức được những hoạt động giao lưu kinh tế thiết thực và ý nghĩa, các tổ chức thành viên của hội như Ban Kinh tế, CLB các doanh nghiệp Việt Nam – Brazil đã nỗ lực không ngừng trong việc tổ chức các chương trình hợp tác kết nối doanh nghiệp hai nước, đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu tiềm năng, xuất khẩu, nhập khẩu…
Năm 2015, Hội Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam – Brazil đã phối hợp Viện Nghiên cứu Châu Mỹ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) và Đại sứ quán Brazil tại Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Quan hệ Việt Nam – Brazil: Tiềm năng và cơ hội” nhằm đánh giá sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Brazil trong thời gian qua và tìm kiếm tiềm năng phát triển trong thời gian tới. Hội thảo là diễn đàn trao đổi hữu ích cho các học giả và doanh nghiệp hai nước chia sẻ nhận thức chung và hiểu biết sâu sắc hơn về đặc điểm, tình hình, lợi thế và tiềm năng của mỗi bên nhằm tìm kiếm cơ hội và giải pháp hợp tác thương mại của hai quốc gia, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ hợp tác Việt Nam- Brazil trong tương lai.
Năm 2018, Hội đã tổ chức đoàn sang thăm và làm việc tại Brazil. Đoàn đã có nhiều cuộc tiếp xúc, tọa đàm với các doanh nghiệp, phòng Thương mại, chính giới và đối tác của Hội tại thủ đô Brasilia cùng các tiểu bang São Paulo, Parana và Rio de Janeiro.
Tháng 5/2018, lãnh đạo Hội và Lãnh đạo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Liên hiệp Hữu nghị) đã có buổi gặp và làm việc với đoàn Bộ trưởng Ngoại giao Brazil Aloysio Nunes Ferreira trong chuyến thăm Việt Nam của ngài Bộ trưởng. Nhân dịp này, hai bên đã ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa Liên hiệp Hữu nghị và Quỹ Alexandre de Gusmão của Brazil (FUNAG).
Trước đó, năm 2016, Hội đã tổ chức đoàn của lãnh đạo Hội và Đại sứ Brazil Marco Brandao thăm tỉnh Ninh Bình để tìm hiểu về tình hình kinh tế - xã hội và cơ hội, tiềm năng hợp tác giữa doanh nghiệp tỉnh Ninh Bình với doanh nghiệp Brazil.
Khai thác thế mạnh về hợp tác nông nghiệp
Chủ tịch Hội Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam – Brazil Nguyễn Văn Lạng cho rằng đại dịch COVID-19 không thể kết thúc trong một sớm một chiều. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội hợp tác mà nó mang lại. Bởi Brazil hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh và thứ hai tại châu Mỹ. Kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đã tăng lên khoảng 5 tỷ USD trong năm qua. Tuy nhiên, tiềm năng và dư địa hợp tác trong mọi lĩnh vực đặc biệt là kinh tế, văn hoá, thể thao, du lịch còn rất lớn. Tiềm năng này vừa là tiền đề cũng đồng thời là động lực để Hội đẩy mạnh triển khai các hoạt động hợp tác, hữu nghị sau đại dịch.
Brazil có rất nhiều tiềm năng trong lĩnh vực khoa học công nghệ, khoa học kỹ thuật quân sự, hàng không, hàng hải, đóng tầu biển, năng lượng sinh học, khai khoáng mà chúng ta cần quan tâm, tìm hiểu hợp tác. Nông nghiệp vốn là lĩnh vực hợp tác nổi trội giữa Việt Nam và Brazil dự kiến sẽ có những đột phá với hàng loạt dự án hợp tác trong thời gian tới. Dự kiến, đại diện của Hội sẽ tham gia đoàn công tác do lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thăm Brazil để tìm hiểu, ký kết hợp tác trong phát triển nông nghiệp.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 10 tháng đầu năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều hai nước đạt khoảng 5,2 tỷ USD, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Brazil đạt 1,82 tỷ USD, tăng 22%, trong khi kim ngạch nhập khẩu từ Brazil đạt 3,4 tỷ USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo các chuyên gia, việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa hai nước sẽ góp phần giảm nhập siêu từ Brazil của Việt Nam. Brazil là đối tác chiến lược về hợp tác nông nghiệp của Việt Nam. Brazil có những sản phẩm giữ ngôi vị “nhất thế giới” như: cà phê, đậu tương, đàn bò, bông... Trong khi đó, Việt Nam có nhiều sản phẩm có thể trao đổi, bổ trợ với Brazil, trong đó có sản phẩm tôm, cá tra. Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu tôm, sản phẩm tôm Việt Nam đã có mặt ở các thị trường khó tính như Mỹ, EU...
Máy thu hoạch tại vườn cà phê ở Brazil. (Ảnh: Reuters) |
Trong các chuyến thăm Việt Nam trước đây, lãnh đạo các các bộ, ngành của Brazil cũng bày tỏ mong muốn thúc đẩy nhanh các thủ tục để Brazil có thể xuất khẩu hai mặt hàng: thịt bò và dưa vàng sang Việt Nam. Phía Brazil sẽ đẩy nhanh việc hoàn thiện các thủ tục để Việt Nam có thể xuất khẩu tôm sang Brazil và gỡ bỏ một số rào cản đối với cá tra – hiện đang xuất khẩu sang thị trường này. Bên cạnh đó, phía Brazil cũng cho biết, sẵn sàng chuyển giao công nghệ phát triển nông nghiệp bền vững cũng như những thành tựu khoa học nông nghiệp của Brazil cho Việt Nam.
Vì vậy, hậu COVID-19, doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác các lĩnh vực mà phía bạn có nhu cầu. Đặc biệt, để đi tắt đón đầu xu hướng hợp tác nông nghiệp trên thế giới hiện nay, doanh nghiệp hai nước cần thực đẩy việc hợp tác nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu và nông nghiêp hữu cơ.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ