Đẩy lùi COVID-19, bất động sản có thể trở lại ngay cuối năm
Bất động sản nghỉ dưỡng có thực sự bùng nổ sau dịch COVID-19 như dự báo? |
Vì sao công ty bất động sản của đại gia Đường "Nhuệ" đóng thuế 0 đồng? |
Từ đầu năm đến nay, dịch vụ bất động sản (BĐS) du lịch - nghỉ dưỡng phải chịu thua lỗ đáng kể do dịch COVID-19 gây nên. Nhu cầu đi lại, ăn ở tại các khu du lịch, nghỉ dưỡng đều giảm sút, gây khó khăn cho nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp.
BĐS nhà đất, cho thuê cũng đang trong quãng thời gian trì trệ mặc dù nguồn cầu lúc nào cũng tăng cao. Điều này do khách hàng không lựa chọn sử dụng trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
BĐS du lịch, thương mại đang là lĩnh vực chịu thiệt hại sâu nhất do dịch COVID-19. |
Ngành BĐS vẫn được kỳ vọng hồi phục trong nửa cuối năm
Theo dữ liệu quý I/2020 từ Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, mức độ quan tâm đến thị trường BĐS giảm 23% so với cùng kỳ 2019 và giảm 18% so với quý IV/2019. Đây được ghi nhận là mức quan tâm BĐS thấp nhất trong 3 năm trở lại đây, trong đó thị trường BĐS miền Trung giảm đến 46% so với cùng kỳ 2019.
Đối với BĐS bán, đất nền dự án đang bị ảnh hưởng nhiều nhất với mức độ quan tâm giảm 30% so với quý IV/2019, với BĐS cho thuê, nhà phố sụt giảm mức quan tâm 35% so với quý IV/2019. Số lượng các doanh nghiệp kinh doanh BĐS đăng ký mới đang giảm, số lượng tạm dừng hoạt động hoặc giải thể tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhiều người có ý định mua nhà ở trong năm nay đang cảm thấy lo ngại khi tình hình dịch bệnh chưa dứt điểm hoàn toàn. Chị Quỳnh Thương (Thanh Xuân, Hà Nội) băn khoăn: "Năm ngoái nhà mình cũng dự định ra Tết này sẽ mua căn hộ 60m2 khu Mỹ Đình nhưng dịch bệnh thế này vẫn chưa thể đến xem trực tiếp. Mình có trao đổi online với môi giới nhưng chắc phải đợi tháng sau mới đi xem và hoàn thiện thủ tục được".
Trao đổi với Thời Đại về vấn đề trên, Ông Phạm Thanh Hưng (Shark Hưng), Phó Chủ tịch Cen Group cho biết: "Tác động của dịch COVID-19 đến ngành BĐS Việt Nam chỉ là tức thời, không quá lớn do Nhà nước đã khống chế tốt được dịch bệnh. Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu năm, lượng giao dịch đột ngột giảm xuống do giãn cách xã hội khiến khách hàng không gặp gỡ, ít đi thăm dự án, không có lễ mở bán BĐS nào được thực hiện".
"Mặc dù biện pháp giao dịch online đã cứu vãn một phần nào đó về lượng giao dịch nhưng một vài thống kê cho thấy lượng giao dịch BĐS liên tiếp sụt giảm mạnh chỉ bằng 1/10 hay 30% năm ngoái,... Tuy nhiên, tôi chắc chắn con số thị trường sụt giảm sẽ trên 50%", Shark Hưng nói thêm.
Với những thống kê này, khả năng các doanh nghiệp bị mất thanh khoản, phải tăng chi phí đầu tư, chi phí vốn, chi phí lãi vay và nguy cơ bị chuyển nhóm nợ thành nợ xấu. Bên cạnh đó, còn phải tăng chi phí quản lí doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có nhiều lao động; tăng khả năng doanh nghiệp bị nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội, nợ lương người lao động. Hơn thế nữa, các doanh nghiệp còn có thể tăng nguy cơ rơi vào thua lỗ, phá sản.
Tuy nhiên, nhiều kỳ vọng được đặt vào ngành BĐS sẽ hồi phục thị trường trở lại vào nửa cuối năm nay dựa trên nhiều cơ sở thực tế. Khi mà dịch COVID-19 cơ bản đã được khống chế hoàn toàn, nền kinh tế Việt Nam mở cửa trở lại, ngành du lịch bắt đầu đón khách cũng như nguồn cầu về nhà ở, thuê văn phòng,... cũng rục rịch hoạt động. Cùng với đó, nhiều cơ chế pháp lý mới được nhà nước được ban hành tạo điều kiện hơn cho thị trường BĐS.
Theo Shark Hưng, BĐS nhà ở sẽ hồi phục nhanh nhất do ít chịu tác động của dịch bệnh. |
Những yếu tố khiến thị trường BĐS có thể hồi phục trở lại
Theo nhiều chuyên gia BĐS đánh giá lực cầu mạnh sẽ là yếu tố đầu tiên giúp thị trường hồi phục. Nhu cầu về nhà ở của người dân vẫn rất nhiều, đặc biệt là nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở cho những người thu nhập thấp.
Shark Hưng nhận định: "Đối với BĐS nhà ở, phân khúc này không chịu tác động sâu sắc từ dịch COVID-19. Lĩnh vực nhà ở không có dấu hiệu giảm lượng giao dịch rõ ràng nên sẽ là lĩnh vực hồi phục nhanh nhất, do là nhu cầu thiết yếu cơ bản nên lượng giao dịch sẽ tăng trở lại ngay lập. Cái gì thiết yếu sẽ hồi phục nhanh nhất, sau dịch mọi người thấy an toàn rồi sẽ quay trở lại giao dịch".
Nói rõ hơn về yếu tố này, HoREA (Hiệp hội BĐS TP.HCM) cho biết giới trẻ đang trong độ tuổi lập gia đình nên nhu cầu mua căn hộ nhỏ rất nhiều. Theo nghiên cứu, cứ 10 năm thì thu nhập của giới trẻ tăng lên gấp đôi. Vì vậy, đầu tư cho giới trẻ ít bị rủi ro.
"Việc giới trẻ có nhà riêng sẽ còn kéo theo nhu cầu gia tăng về trang thiết bị, hàng hóa và nhiều loại dịch vụ khác, kích thích nền kinh tế phát triển. Từ “căn hộ nhỏ” ban đầu, sẽ chuyển đổi qua các căn nhà lớn hơn trong vòng đời, trong quá trình thu nhập tăng thêm", đại diện lãnh đạo HoREA cho biết.
Chính sách BĐS được khơi thông cũng tạo lực đẩy khiến thị trường BĐS trở lại giao dịch nhộn nhịp hơn. Sang đến năm 2020, Chính phủ đã ban hành một số chính sách tháo gỡ một số nút thắt cho thị trường. Đây được xem là một trong những yếu tố thuận lợi tạo đà cho các dự án đang bị bế tắc từ năm trước.
Từ quý III/2020 trở đi có thể sẽ có một số dự án trước đó bị vướng về pháp lí được hoàn thành và cung cấp ra thị trường một lượng hàng mới, giúp đa dạng hóa nguồn cung và hồi phục thị trường.
Bên cạnh đó, thị trường có thể thiết lập mặt bằng giá mới trong lĩnh vực BĐS du lịch, thương mại. Theo đó, những khó khăn của nền kinh tế thời hậu dịch cộng với nguồn hàng tăng, chưa kể đến nguồn hàng tồn đọng từ trước sẽ làm tăng nguồn cung, kéo theo đó là áp lực cạnh tranh.
Theo Shark Hưng, tác động của dịch bệnh ảnh hưởng sâu sắc nhất đến lĩnh vực BĐS du lịch, thương mại. Các khách sạn, khu nghỉ dưỡng đang có hiện tượng giao bán, giảm giá khá sâu từ 20-30%, rất nhiều nhà mặt phố cho thuê cũng ế ẩm, có hiện tượng giảm giá.
Tuy nhiên, đối với phân khúc nhà ở, theo Shark Hưng sẽ không có sự biến động về giá quá lớn. "Theo thống kê của Bộ Xây dựng trong quý I/2020, giá nhà ở còn có xu hướng tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng trong giới hạn 10% là điều bình thường, không có biến động gì đáng kể. Vì vậy, sau dịch COVID-19, giá BĐS nhà ở sẽ không ngừng tăng lên".
Các giải pháp ổn định và kích thích sự phát triển kinh tế của Chính phủ cũng giúp ngành BĐS phát triển theo. Khi kinh tế ổn định thì kéo theo đó là các nhu cầu về an sinh xã hội và nhà ở được duy trì.
Với 4 yếu tố tích cực trên, thị trường BĐS Việt Nam được kỳ vọng chắc chắn sẽ vực dậy sau dịch COVID-19, phân khúc được ưu tiên hồi phục mạnh có thể là nhà ở. Giá BĐS có thể sẽ không giảm mà tiếp tục tăng trong quý III/2020.
Bất động sản nghỉ dưỡng có thực sự bùng nổ sau dịch COVID-19 như dự báo? Là một trong những nước đầu tiên kiểm soát thành công dịch COVID-19, Việt Nam đang là điểm đến sáng giá cho các nhà đầu ... |
Vì sao công ty bất động sản của đại gia Đường "Nhuệ" đóng thuế 0 đồng? Mặc dù thường xuyên khoe trên mạng xã hội sở hữu hàng trăm lô đất, thu được số tiền lớn từ kinh doanh, nhưng nhiều năm liền công ... |
Lãnh đạo VNREA tham dự Hội nghị quốc tế về tương lai thị trường BĐS sau COVID-19 Chiều 13/4, ông Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) đã tham dự Hội nghị Quốc tế online (Webinar) do ... |