Đào tạo nghề của Áo và kinh nghiệm cho Việt Nam
Đại sứ Nguyễn Trung Kiên cho biết: Ở Áo, cơ quan sử dụng lao động sẽ tham gia xây dựng chương trình đào tạo nghề, quá trình đào tạo và cũng là đơn vị tiếp nhận học viên sau đào tạo. Hầu hết chương trình đào đạo nghề của Áo, đặc biệt là trường nghề, 2/3 thời gian gắn với một cơ quan, một công ty nào đó.
Trước những thách thức từ quá trình biến đổi khí hậu và một số xung đột, hoạt động đào tạo nghề ở Áo một mặt hướng đến nâng cao kỹ năng, chất lượng đồng thời phải thích ứng nhanh với quá trình chuyển đổi nghề. Học viên được đào tạo kỹ năng thích ứng với những thay đổi của môi trường, công việc.
Đại sứ Việt Nam tại Áo Nguyễn Trung Kiên (bên trái) chia sẻ với các kiều bào tại Hội nghị “Phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp” diễn ra ngày 27/12 tại Hải Phòng. |
Từ kinh nghiệm của Áo, Đại sứ Nguyễn Trung Kiên khuyến nghị đào tạo nghề ở Việt Nam nên hướng đến người sử dụng lao động. Ông nói:
Chương trình đào tạo nghề của Việt Nam có thể rút ngắn xuống còn 6 tháng, 9 tháng đối với từng chuyên môn cụ thể thay vì phải cần đến 2-3 năm như hiện nay. Việc rút ngắn chương trình đào tạo giúp học viên học được nghề ngay cũng như thích ứng nhanh với các biến đổi của môi trường làm việc, loại công việc mình phải theo.
Quá trình đào tạo nghề cũng cần thích ứng với những thách thức của thời đại như: môi trường số và biến đổi khí hậu. Học viên cần được trang bị kiến thức, kỹ năng ứng xử trong môi trường số từ thái độ bước vào môi trường số như thế nào, an toàn, luật lệ môi trường số. Phải đặt mình trong hoàn cảnh môi trường số đang thay đổi thì học viên mới bắt nhịp được với thế giới.
Ngoài ra, cần chuẩn hóa hệ thống bằng cấp của Việt Nam tương thích với bằng cấp của quốc gia tiếp nhận nguồn lao động Việt Nam.