Đại sứ Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm hợp tác với địa phương nước bạn
3 câu hỏi địa phương cần quan tâm
Đại sứ Việt Nam tại Bỉ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU) Nguyễn Văn Thảo cho biết: Công tác chuẩn bị có vai trò quyết định đối với hiệu quả xúc tiến thương mại. Địa phương cần trả lời được 3 câu hỏi "Xúc tiến cái gì, xúc tiến với ai và xúc tiến như thế nào"?
"Các địa phương cần xác định những sản phẩm ưu thế của mình, xây dựng dữ liệu xúc tiến quảng bá trên cơ sở phát triển kinh tế địa phương và có sự tham khảo các cơ quan đại diện. Bên cạnh đó, cần tìm hiểu kỹ nhu cầu của đối tác. Có thể đối tác hiện chưa có nhu cầu, nhưng cần xây dựng dữ liệu và coi đó là đối tượng để có kế hoạch tiếp xúc. Cần chuẩn bị đúng nội dung xúc tiến, phù hợp đối tác, tránh dùng “1 bài” cho mọi đối tác. Sự chuẩn bị cần thể hiện chuyên nghiệp, có tiếng Anh, những bài trình bày dễ hiểu, ngắn gọn, đủ thông tin.
Các địa phương cũng cần đa dạng hóa các hình thức tổ chức, có thể kết hợp với các sự kiện lớn của thế giới, của nước sở tại hoặc tổ chức riêng để tăng hiệu quả sự liên kết, giảm chi phí, đồng thời nên quan tâm mời doanh nghiệp có nhu cầu tham gia”.
Sau khi xúc tiến thương mại đầu tư, các địa phương cũng cần giữ kết nối với đối tác, có chương trình kế hoạch dài hạn. Chính quyền địa phương cũng cần bám sát, thường xuyên kiểm tra tình hình triển khai để kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh (nếu có).
Từ ngày 12 - 15/10/2023, đoàn đại biểu tỉnh Yên Bái có chuyến công tác tại Pháp để tăng cường hợp tác địa phương, nhất là với tỉnh Val de Marne - địa phương đã có hợp tác với Yên Bái từ 1996. |
Cần chương trình hợp tác cụ thể
Theo Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng: Việt Nam và Pháp khác biệt về phân cấp hành chính. Điều kiện và nguồn lực của các địa phương hai nước có nhiều thay đổi so với trước đây. Cách tiếp cận về hợp tác/kết nghĩa của các địa phương Pháp cũng đã thay đổi theo hướng thực tế và thực chất, phù hợp với mục tiêu cụ thể của các địa phương.
Trong giai đoạn hiện nay, hình thức kết nghĩa vì đoàn kết hữu nghị không còn là ưu tiên thúc đẩy của các địa phương Pháp mà phải có lĩnh vực, dự án và chương trình hợp tác cụ thể. Các địa phương Việt Nam khi tìm kiếm đối tác cần xác định rõ và cụ thể mục tiêu, lĩnh vực và nội dung (dự án, lộ trình…) hợp tác; xác định rõ thế mạnh hợp tác trên cơ sở tương ứng và tương tác với địa phương bạn. Định hướng nội dung, lĩnh vực hợp tác theo các chủ đề mà các địa phương Pháp đang quan tâm. Không nên quan niệm nhận được hỗ trợ gì từ phía bạn hoặc đưa ra các dự án vượt khả năng của địa phương bạn.
Trong duy trì và mở rộng hợp tác với địa phương Pháp, cần tranh thủ vai trò các doanh nghiệp, hiệp hội của cả Việt Nam và Pháp, thậm chí cả các cá nhân nòng cốt...cùng tham gia hỗ trợ thúc đẩy hợp tác. Cùng với đó cần tăng cường tiếp cận, tham vấn và kết nối với một số đối tác, tổ chức quan tâm nhiều đến câu chuyện hợp tác địa phương như Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), hay các hiệp hội địa phương.
Ngoài ra, cần tăng cường tham khảo một số kinh nghiệm cụ thể từ thực tế như: Xây dựng và phát triển mô hình văn phòng đại diện để nâng cao hiệu quả hợp tác; nghiên cứu hình thành cơ chế điều phối chung của các địa phương theo vùng hoặc rộng hơn để phối hợp nguồn lực trong hợp tác, cũng như phục vụ việc chia sẻ thông tin.
Đại sứ Đinh Toàn Thắng cho biết: Hiện có khoảng hơn 33 tỉnh/thành Việt Nam có quan hệ hợp tác với 24 địa phương của Pháp và đã triển khai khoảng 55 dự án, thỏa thuận hợp tác cấp địa phương. Từ đầu năm 2022 đến nay, khi hoạt động trao đổi đoàn được dần nối lại, Đại sứ quán đã đón gần 30 đoàn địa phương (12 đoàn năm 2022, 15 đoàn năm 2023). |