Đánh giá thời cơ, thách thức với hoạt động thương mại biển
Từ ngày 27 đến ngày 29/10/2022, tại Đà Nẵng, trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng và trường Đại học Bretagne-Sud (UBS) (Pháp) đồng chủ trì hội thảo quốc tế “Từ hải cảng ra thế giới: Lịch sử toàn cầu về các cảng Đông Dương (1858-1956)”. Hội thảo quy tụ các nhà khoa học hàng đầu đến từ Pháp, Hoa Kỳ, Đức, Canada, Na Uy, Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam.
PGS.TS. Lưu Trang, Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng phát biểu tại hội thảo. |
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS. Lưu Trang, Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng cho biết: “Các cảng Đông Dương được xem là dấu ấn của quá trình thực dân hóa, trở thành các đài quan sát chính xác về thuộc địa, hoạt động với một vai trò là khu vực trung gian giữa các nước đế quốc và thuộc địa.
Các hải cảng và thành phố cảng ở các thuộc địa là địa bàn lý tưởng để có thể quan sát và phân tích tới sự chuyển biến và thay đổi của xã hội bản địa trước sự tiếp xúc với các yếu tố mới và cho ra đời xã hội có nhiều yếu tố giao thoa và có mối liên hệ đến sự kết nối thế giới”.
Hội thảo tập trung vào trình bày, thảo luận các nhóm nội dung: Vai trò của những cảng biển Đông Dương trong quá trình thực dân hoá và kiểm soát các vùng lãnh thổ; cảng biển Việt Nam dưới cách tiếp cận quân sự và địa chiến lược.
Yếu tố thương mại của các cảng biển ở Đông Dương và những tác động của nó đối với sự phát triển của các đô thị cảng biển nói riêng và Đông Dương nói chung; các công ty vận tải biển và hàng hải, vai trò của các công ty này đối với việc kết nối các cảng Đông Dương và hội nhập vào kinh tế khu vực và toàn cầu.
Không gian và cấu trúc xã hội của các đô thị hải cảng Đông Dương; mối quan hệ xã hội của các đô thị này với quốc tế; các tổ chức, hội đoàn và các phong trào xã hội ở các đô thị hải cảng.
Hải cảng và đô thị hải cảng trong tương quan với các thành phố hiện đại ngày nay ở Việt Nam; di sản hải cảng, di sản thuộc địa và hậu thuộc địa trong văn học, báo chí, hội họa, ảnh chụp hoặc áp phích tuyên truyền…
Các đại biểu tham dự hội thảo. |
Theo các chuyên gia, hội thảo mở ra một cơ hội nghiên cứu về lịch sử toàn cầu của những cảng biển và cảng biển Đông Dương thời thuộc địa, xây dựng kho sử liệu nghiên cứu về chủ đề hàng hải và hải cảng dưới góc độ tiếp cận liên ngành. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay khi trao đổi thương mại biển không ngừng gia tăng và các hoạt động xuất khẩu trở thành đòn bẩy phát triển chính cho nền kinh tế Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng thì việc nghiên cứu về lịch sử có thể mở ra cơ hội đánh giá những thời cơ, thách thức hiện nay đối với hoạt động thương mại biển như cơ sở hạ tầng hải cảng, vị trí chiến lược hay phát triển kinh tế khu vực và vị trí trong thời kỳ toàn cầu hoá thương mại.