Đăng ký thành lập doanh nghiệp: Một năm “được mùa”
Theo Tổng cục Thống kê, trong 10 tháng qua, cả nước có 127.890 doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động (trong đó 82% là doanh nghiệp thành lập mới). Tổng số vốn đăng ký để sản xuất, kinh doanh là hơn 2,4 triệu tỷ đồng; tăng 14,6% về số lượng doanh nghiệp và 43,8% về vốn so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn bình quân của mỗi doanh nghiệp mới tham gia thị trường đạt 9,7 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ; số đơn vị có quy mô vốn từ 20 đến 50 tỷ đồng và hơn 100 tỷ đồng đều tăng, với trên 27%. Hầu hết số doanh nghiệp mới ra đời hiện đã có doanh thu và thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước.
Từ kết quả trên cho thấy, phong trào khởi nghiệp đã thể hiện sự bứt phá rõ rệt. Nền kinh tế đang được bổ sung một nguồn lực không nhỏ để thực hiện mục tiêu tăng trưởng trong tương lai. Nguyên nhân chủ yếu, trực tiếp "kích đẩy" phong trào khởi nghiệp là do Chính phủ, các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương đã, đang đồng loạt vào cuộc, với quyết tâm cải thiện chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh bằng thông điệp rõ ràng về một Chính phủ hành động và kiến tạo, phục vụ doanh nghiệp.
Thời gian nộp thuế được cải thiện đã giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.
Trong một diễn biến song trùng, số vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong 10 tháng qua đạt hơn 28 tỷ USD, tức là cao hơn chỉ tiêu của cả năm thông qua hàng trăm dự án mới cấp phép. Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam xác nhận, môi trường kinh doanh trong nước được cải thiện rõ rệt, nhận được sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp cũng như dư luận xã hội, tạo ra niềm tin trong kinh doanh. Thực tế này đã lý giải vì sao Ngân hàng Thế giới vừa công bố báo cáo về môi trường kinh doanh, trong đó Việt Nam xếp hạng 68/190 nền kinh tế, tăng 14 bậc so với năm trước.
Tuy nhiên, thực tế cũng bộc lộ một số hạn chế như số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong tháng 10-2017 tăng 63% và số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tăng 7,7% so với tháng 9. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, tỷ lệ thất bại, rút lui khỏi thị trường của doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung vẫn thấp hơn một số nước phát triển như Australia, New Zealand...
Mặt khác, cần xem đó là câu chuyện bình thường, thể hiện rõ tình hình, bản chất trong nền kinh tế thị trường và cần hiểu rằng, quyết định gia nhập hay rút khỏi thị trường là quyền chủ động của mỗi đơn vị.
Chính phủ đang tập trung triển khai các biện pháp nhằm cải cách theo hướng tích cực, toàn diện, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ngày càng kịp thời và hiệu quả hơn. Đáng mừng là nhiều chỉ số, yêu cầu về cải cách hành chính, đặc biệt là những nhu cầu liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp cho thấy kết quả tốt sau thời gian thực hiện liên tục vừa qua. Cụ thể, có 8/10 chỉ số như xin cấp phép xây dựng, tiếp cận điện năng, thời gian nộp thuế, thực thi hợp đồng... đều được cải thiện rõ rệt.
Như vậy, những điều kiện để doanh nghiệp triển khai dự án, đi vào hoạt động đều đạt nhiều tiến bộ so với các năm trước, hứa hẹn sự đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế.
Hồng Sơn