Đảm bảo cấp nước sinh hoạt ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển trên địa bàn tỉnh Phú Yên
Theo Chỉ thị số 04/CT-UBND ban hành ngày 28/2, UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc Thông báo số 34/TB-UBND ngày 16/02/2023 của UBND tỉnh về điều chỉnh lưu lượng, thời gian vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện phục vụ sản xuất và dân sinh năm 2023 cho vùng hạ du các hồ chứa trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó là kiểm tra, đánh giá nguồn nước trong công trình thủy lợi, thực hiện tưới tiết kiệm nước, có kế hoạch phân phối, điều tiết nước hợp lý ngay từ đầu vụ sản xuất và điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước bị thiếu hụt để bảo đảm cung cấp đủ nước cho cả mùa khô.
Chủ động, hướng dẫn bố trí cơ cấu sản xuất theo thời vụ, phù hợp với khả năng nguồn nước, không gieo trồng ở khu vực không bảo đảm về nguồn nước trong cả vụ sản xuất, nhất là vụ Hè Thu năm 2023; chủ động chuyển đổi cây trồng có khả năng chịu hạn, mặn tại các vùng khó khăn về nguồn nước.
Đảm bảo cấp nước sinh hoạt tới từng hộ, thôn, bản, xã ở các vùng thường xuyên thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt chú ý vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển, vùng thường xuyên bị thiếu nước - (Ảnh minh hoạ). |
Khẩn trương triển khai xây dựng phương án, kế hoạch sử dụng nguồn nước phục vụ sản xuất, dân sinh năm 2023, đảm bảo phù hợp với thực trạng nguồn nước từng vùng, khu vực đặc biệt là các khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn đã từng xảy ra; giải pháp phòng chống kịp thời, hiệu quả.
Đồng thời, tăng cường công tác duy tu, sửa chữa, khắc phục, cải tạo các hệ thống công trình thủy lợi phục vụ tưới, tiêu để tận dụng tối đa nguồn nước, giảm thất thoát, lãng phí nước; thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm cho cây trồng, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nước tối thiểu vào các thời kỳ cao điểm về nước của cây trồng; sửa chữa, khắc phục các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi để nâng cao năng lực khai thác nguồn nước hiệu quả.
Các địa phương kiểm tra, đánh giá thực trạng nguồn nước tại các hồ chứa, hệ thống công trình thủy lợi, cấp nước trên địa bàn, tính toán cân bằng nước để điều chỉnh, bổ sung phương án phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp với tình hình thực tế nguồn nước, đảm bảo sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa vào khai thác các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, nhất là ở các vùng có nguy cơ cao xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Cũng như có giải pháp đảm bảo cấp nước sinh hoạt tới từng hộ, thôn, bản, xã ở các vùng thường xuyên thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt chú ý vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển, vùng thường xuyên bị thiếu nước. Trường hợp cấp bách không còn nguồn nước cho sinh hoạt, cần sử dụng phương tiện chở cấp nước đến từng cụm dân cư. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.
Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp tích trữ nước, đồng thời sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, triệt để, chống thất thoát, lãng phí nước. Trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng, cần ưu tiên nguồn nước để cấp nước sinh hoạt cho người dân, chăn nuôi gia súc và tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao.