Đắk Lắk: Người nông dân có thêm nguồn thu nhập nhờ biết cách tận dụng phụ phẩm lá dứa
Theo các khảo sát, với mỗi trái dứa được thu hoạch, người nông dân thường bỏ đi khoảng 2-3kg lá. Như vậy mỗi năm sẽ có hàng trăm nghìn tấn lá dứa không được sử dụng đến.
Lá dứa thường bị đốt bỏ, hoặc tệ hơn là dùng thuốc cỏ cháy để đẩy nhanh quá trình phân hủy. Và từ đó, lá dứa không chỉ bị coi là “rác thải”, mà còn là “thủ phạm” gây nên hiệu ứng nhà kính, hủy hoại hệ sinh vật trong đất và gây ô nhiễm nguồn nước ngầm - hệ quả từ việc sử dụng hóa chất. Tất cả vừa tạo tác động xấu tới môi trường nếu không được xử lý đúng cách vừa gây lãng phí một phụ phẩm có giá trị.
Với sự hỗ trợ của Nhóm Sản xuất Sợi dứa trong dự án"Tôi vui gieo", từ phế phẩm nông nghiệp, lá dứa có thể trở thành nguyên liệu vải sinh học độc đáo cùng với quy trình sản xuất tiêu thụ ít nước hơn và đặc biệt là khả năng tự phân huỷ sau quá trình sử dụng.
Nhóm Sản xuất Sợi lá dứa, cam kết sản xuất sợi dứa đúng quy cách chất lượng và Công ty ECOSOL cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm với mức giá ổn định từ bà con nông dân. |
Với quy mô sản xuất 3 máy tách sợi, nhóm nông dân có thể chế biến khoảng 1 tấn lá dứa/ngày theo mô hình này. Việc tận dụng phụ phẩm nông nghiệp có thể tạo thêm nguồn thu nhập mới lên tới 7 triệu đồng/tháng cho mỗi hộ gia đình.
Mô hình sẽ mở ra một cơ hội mới để nhóm nông dân người dân tộc thiểu số sản xuất quy mô nhỏ tham gia vào nền kinh tế tuần hoàn.
Ngoài ra việc hỗ trợ nhóm phát triển từ quy mô nhỏ để nhóm thực hành khả năng lãnh đạo, lên kế hoạch kinh doanh và sản xuất sẽ là nền tảng quan trọng cho các ý tưởng lớn hơn trong tương lai của chính người dân địa phương.
Sau khi thu hoạch và chọn lọc, lá dứa sẽ được đem đi tách sợi. |
Sau công đoạn tách sợi, sợi sẽ được ngâm trong nước sạch, giặt, rửa để loại bỏ phần keo xanh và các tạp chất còn sót lại. Sau đó, sợi sẽ được phơi khô một cách tự nhiên. |
Dự án “Tôi vui gieo” được triển khai từ tháng 12/2022 đến tháng 12/2024, có tổng nguồn vốn gần 7 tỷ đồng nhằm hỗ trợ người canh tác quy mô nhỏ (đặc biệt là phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số) có sinh kế an toàn và chống chịu tốt hơn, hướng tới đảm bảo an ninh lương thực, dinh dưỡng và nước.
Tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk, dự án dự kiến tác động với quy mô 2.000 người, trong đó phụ nữ chiếm 60%.
Dự án thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững trong một hệ thống canh tác xen canh, luân canh để cải tạo đất, nâng cao chất lượng sản xuất và đa dạng sinh kế cho người sản xuất quy mô nhỏ. Ngoài ra, dự án hướng tới các mô hình điểm về sản xuất nông nghiệp, đào tạo kỹ thuật canh tác nông nghiệp, quản lý tài chính, cũng như thúc đẩy các mối quan hệ giữa các tác nhân trong thị trường.