Đắk Lắk đặt mục tiêu trở thành địa điểm thu hút du lịch của vùng trọng điểm Tây Nguyên
Lợi thế và tiềm năng về du lịch
Sự kiện do VCCI, cùng Đại sứ quán Nam Phi tại Việt Nam, kết hợp UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức, đã thu hút đông đảo những nhà đầu tư trong và ngoài nước, cùng nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch.
Bà Kgomotso Ruth Magau - Đại sứ Nam Phi tại Việt Nam cho biết, Việt Nam là một nước có nhiều tiềm năng du lịch hấp dẫn và Nam Phi là một quốc gia có những đặc điểm tương đồng với tỉnh Đắk Lắk của Việt Nam. “Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam nên tham quan du lịch tại Nam Phi để tìm ra hướng đi tốt nhất cho việc phát triển du lịch vùng Tây Nguyên, với nhiều tiềm năng đang còn ẩn”. Bà Kgomotso Ruth Magau khuyến nghị.
Lễ hội voi tại Buôn Đôn (Ảnh: Bùi Hương)
Thực tế, theo thống kê thì hiện toàn tỉnh Đắk Lắk có trên 20 điểm du lịch, cùng nhiều di sản văn hóa phi vật thể có thể khai thác phát triển du lịch. Theo ông Đoàn Duy Khương – Phó chủ tịch của VCCI, thì Đắk Lắk hiện có những thế mạnh, như: Nền văn hóa dân gian đặc sắc, bề dày truyền thống của nghề săn bắt, thuần dưỡng voi rừng độc đáo đã nức tiếng khắp thế giới, cảnh quan thiên nhiên còn giữ được những nét hoang sơ…
Bên cạnh đó, với mục tiêu tổng thể hàng năm của ngành du lịch Việt Nam và chỉ riêng trong năm 2016, mục tiêu được đưa ra là 8,5 triệu lượt khách quốc tế, 60 triệu lượt khách nội địa với doanh thu khoảng 400.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, chính phủ cũng đang tiến hành việc tái cơ cấu mạnh mẽ nền kinh tế để hội nhập và định hướng phát triển kinh tế trong giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, phát triển du lịch được xem là điểm nhấn và là một trong những mục tiêu quan trọng để tăng trưởng GDP bình quân.
Mạnh dạn tái cơ cấu để thu hút đầu tư
Rõ ràng, không phủ nhận tiềm năng về du lịch của tỉnh Đắk Lắk, nhưng theo số liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tốc độ tăng trưởng ngành du lịch của tỉnh tăng bình quân 10 đến 12%/ năm. Lượng du khách còn rất thấp so với tiềm năng sẵn có của từng địa phương. Cụ thể: Với 10 tháng của năm 2016, ngành du lịch Đắk Lắk đón tiếp khoảng 478 nghìn lượt du khách. Trong đó, khách quốc tế khoảng 45.000 lượt, khách trong nước khoảng 433.000 lượt. Tuy nhiên, phần lớn là khách công vụ, buộc họ phải đến để thực hiện công việc của mình.
Thác Krông K'mar,Krông Bông (Ảnh: Bùi Hương)
Ông Đoàn Duy Khương - Phó chủ tịch của VCCI cũng khẳng định: “Có đến 80% du khách quan tâm đến việc tìm kiếm cơ hội đầu tư khi đi du lịch tại Đắk Lắk. Tuy nhiên, những yếu tố đóng vai trò quan trọng để các nhà đầu tư đặt chân đến Đắk Lắk, như cơ sở hạ tầng, các chính sách ưu đãi đầu tư... chưa được tỉnh quan tâm đúng mức”.
Ông Nguyễn Hải Ninh - Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận, do điều kiện khách quan nên ngành du lịch tỉnh còn chậm phát triển, chưa có những điểm đến và sản phẩm mang tính “đột phá”. Và một thực tế, hiện địa điểm du lịch đủ sức hấp dẫn để có thể giữ chân du khách bình thường cũng chưa có, nên việc thu hút những nhà đầu tư có cao cấp là một bài toán vô cùng khó khăn”.
“Để thu hút các nhà đầu tư lớn, các chuyên gia nước ngoài tìm đến Đắk Lắk, thì việc đầu tư hạ tầng cơ sở, phải gắn liền với các tiện ích phục vụ cho nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng, như: Khu sân golf, hồ tắm nước nóng...”. Ông Nguyễn Hải Ninh kiến nghị.
Vì vậy, cần phải sớm có được những khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp và để đạt được mục tiêu này, bên cạnh sự nỗ lực của tỉnh trong việc cải cách hành chính, ưu đãi về tiền thuế, tiền thuê đất, thời gian cấp phép... cùng với việc đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ và nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc giữ gìn bản sắc truyền thống dân tộc... là trách nhiệm của mỗi cá nhân, đơn vị làm du lịch đóng trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, “Chúng tôi kiến nghị các cấp lãnh đạo nên có những tác động mạnh mẽ hơn, để tạo đà cho vùng kinh tế Tây Nguyên phát huy mọi thế mạnh và nguồn lực, để trở thành địa điểm thu hút du lịch của vùng trọng điểm Tây Nguyên. Đặc biệt là ngành “Công nghiệp không khói” đang trở thành thế mạnh trong nền kinh tế của mỗi quốc gia”. Ông Nguyễn Hải Ninh cho biết thêm.
Bùi Hương – Nguyễn Phương