Đại sứ Lào tại Việt Nam dâng hương, trồng cây hoa Chămpa tại Đền thờ công chúa Nhồi Hoa
Tương truyền vào thế kỷ XV, dưới triều vua Lê Thánh Tông, nước Đại Việt phải đương đầu với nguy cơ giặc ngoại xâm. Nhằm thể hiện tình đoàn kết, vua nước Ai Lao (nước Lào ngày nay) đã lệnh cho con gái là công chúa Nhồi Hoa đảm nhiệm trọng trách huấn luyện bầy voi chiến giúp quân Đại Việt đánh đuổi ngoại bang.
Người dân về dự lễ húy nhật công chúa Lào Nhồi Hoa, tưởng nhớ nghĩa tình và công ơn nàng cũng như của dân tộc Lào anh em. (Ảnh: TL) |
Sau bao ngày vượt suối, băng rừng, ngàn trùng thử thách, công chúa Nhồi Hoa đã kịp thời trao tặng đội tượng binh và cách điều khiển voi chiến cho tướng lĩnh Đại Việt… Trong cuộc chiến đó, uy hùng, dũng mãnh của đội tượng binh Lào đã giúp Đại Việt lập nhiều chiến công hiển hách…
Trên đường trở về Vương quốc Ai Lao, khi đến thuộc địa phận tỉnh Ninh Bình ngày nay, công chúa ốm bệnh, qua đời. Tưởng nhớ công lao, ân nghĩa Việt – Lào, vua Lê Thánh Tông hạ lệnh quân thần tổ chức an táng, lập đền thờ, xây lăng cho công chúa tại địa danh nơi công chúa qua đời.
Theo một tài liệu, vào năm 1882, địa danh này thuộc xã Độc Trang, tổng Lê Xá, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Một tài liệu khác cho biết, năm 1919 địa danh này thuộc xã Độc Trang, tổng Lê Xá, huyện Gia Viễn, phủ Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Ngày nay, di tích Đền Thượng Thái Sơn thuộc địa phận thôn Thái Sơn, xã Sơn Lai, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHDCND Lào tại Việt Nam Khamphao Ernthavanh cùng các đại biểu dâng hương tại Đền thờ công chúa Nhồi Hoa. (Ảnh: TL) |
Đền thờ công chúa Nhồi Hoa là di tích văn hóa, tâm linh của nhân dân trong vùng và được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh vào năm 2007. Hàng năm, nhân dân trong vùng tổ chức lễ hội truyền thống vào ngày 3/3 âm lịch với những hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống của hai nước Việt-Lào.
Mâm lễ được du khách dâng tiến bày tỏ tình cảm, tấm lòng đối với công chúa Nhồi Hoa. (Ảnh: TL) |
Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Khamphao Ernthavanh cho biết, câu chuyện xưa cho thấy tình hữu nghị, đoàn kết, gắn bó giữa hai dân tộc Việt Nam-Lào đã được xây dựng từ nhiều thế kỷ qua.
Các đại biểu trồng cây Chămpa tại Đền thờ công chúa Nhồi Hoa. (Ảnh: TL) |
Đại sứ mong muốn thời gian tới các cơ quan của hai nước, các nhà sử học quan tâm, nghiên cứu về lịch sử của ngôi đền; phát triển nơi đây trở thành một khu du lịch văn hóa, lịch sử nổi tiếng, thu hút du khách Việt Nam, Lào cũng như du khách quốc tế đến tham quan, tìm hiểu di tích. Qua đó xây dựng ngôi đền trở thành biểu tượng của truyền thống, quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai nhà nước và nhân dân Việt Nam - Lào.
Đại sứ Khamphao Ernthavanh tưới nước cho cây hoa Chămpa trồng ở Đền thờ công chúa Nhồi Hoa. (Ảnh: TL) |
Cùng ngày, tại buổi làm việc với Đại sứ Khamphao Ernthavanh, ông Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình cho biết, Ninh Bình đang xây dựng hồ sơ trình cấp có thẩm quyền công nhận Đền thờ công chúa Nhồi Hoa là di tích lịch sử cấp quốc gia. Thời gian tới, tỉnh Ninh Bình mong muốn nhận được sự quan tâm hỗ trợ từ nước bạn Lào trong cung cấp thông tin danh nhân, củng cố hồ sơ trình cấp có thẩm quyền ở Việt Nam sớm công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia; góp phần bảo tồn di tích - biểu tượng văn hóa đẹp của tình hữu nghị Việt - Lào sắt son, chung thủy trong suốt chiều dài lịch sử.
Một tiết mục biểu diễn văn nghệ của người dân thôn Thái Sơn. (Ảnh: TL) |
Hoan nghênh việc Ninh Bình xây dựng hồ sơ để trình cấp thẩm quyền công nhận Đền thờ công chúa Nhồi Hoa là di tích lịch sử cấp quốc gia, Đại sứ Khamphao Ernthavanh cho biết thời gian tới, phía Lào sẽ cử đoàn công tác để hỗ trợ, đồng hành với tỉnh Ninh Bình trong quá trình hoàn thiện hồ sơ. Qua đó góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị của di tích, đưa di tích trở thành điểm tham quan du lịch thu hút du khách Lào và khách quốc tế khi đến với Ninh Bình.