“Đại sứ” của trẻ em gái vùng khó
Những bài thuyết trình của Hồ Thị Hữu góp phần bảo vệ quyền lợi trẻ em gái dân tộc thiểu số. |
Bước qua hủ tục
Hồ Thị Hữu sinh ra và lớn lên ở thôn xa nhất của xã Húc, gia đình đông con, kinh tế phụ thuộc vào vài sào lúa rẫy, sắn và ngô, canh tác lạc hậu nên mãi không thoát nghèo. Để được đi học, Hữu phải nỗ lực rất nhiều, thức khuya, dậy sớm bên bóng đèn điện nhỏ trong góc nhà sàn để học bài. Ban ngày, ngoài giờ đến trường, Hữu giúp mẹ việc nhà và chăm lo các em.
Có những lúc thấy bố mẹ quá vất vả vì phải gồng gánh nuôi 6 người con, 3 anh chị đầu phải nghỉ học sớm đi làm ăn xa, Hữu đã nghĩ đến chuyện bỏ học để đỡ đần gia đình. Nhưng thấy cảnh những bạn gái trong thôn, xã lấy chồng, sinh con sớm, suốt ngày quần quật với ruộng nương nên cuộc sống quẩn quanh không lối thoát, Hữu quyết định chọn con đường đến trường, không cam chịu xuôi theo hủ tục như bạn bè đồng trang lứa.
Những năm học tiểu học và THCS, Hữu một mình đi bộ, băng qua con đường đồi gồ ghề, mùa nắng thì đỡ vất vả nhưng mùa mưa thì đất đỏ trơn trượt, lầy lội, khiến việc đến trường của em thật khó khăn. Tuy nhiên, Hữu không vắng bất cứ buổi học nào. Thấy con ham học, bố mẹ em hết sức động viên, tạo điều kiện. Từ đó trở đi, trong căn nhà sàn đơn sơ cuối bản, phên gỗ thưa thớt, vá víu chằng chịt của gia đình Hữu chẳng có gì trang trí ngoài những tấm giấy khen mang tên em. Từ lớp 1 đến lớp 12, Hữu luôn đạt học sinh khá, giỏi của trường. Ngoài ra, là người sôi nổi, tự tin, em tích cực tham gia các hoạt động, phong trào thi đua ở trường và địa phương nên nhận được rất nhiều giấy khen, chứng nhận của nhà trường và ban tổ chức các chương trình.
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nga, Hiệu trưởng Trường THPT Hướng Hóa rất tự hào khi nhận xét về cựu học sinh người dân tộc Vân Kiều này: “Mặc dù hoàn cảnh gia đình thuộc diện đặc biệt khó khăn nhưng Hữu luôn nỗ lực vươn lên trong học tập. Em có ý thức cầu tiến và rất nhiệt tình trong các phong trào thi đua của trường. Hữu thường tâm sự với chúng tôi rằng, em mơ ước trở thành cô giáo để mang con chữ đến với bản làng, tuyên truyền, vận động người dân ở các thôn, bản quan tâm, tạo điều kiện để trẻ em gái được đến trường và có quyền lựa chọn cuộc sống của mình. Và ước mơ ấy của em đã dần trở thành hiện thực. Vừa qua, nhận được giấy báo trúng tuyển vào Khoa Giáo dục công dân của Trường Đại học Sư phạm Huế, em khóc trong hạnh phúc và vội vàng đi bộ hơn chục cây số để đến trường báo tin vui với thầy, cô giáo. Do kinh tế gia đình quá khó khăn nên đã ảnh hưởng rất lớn đến việc học đại học của em. Vì thế, nhà trường đang kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm chung tay tiếp sức, giúp Hữu hoàn thành ước mơ trở thành cô giáo”.
Góp phần bảo vệ quyền lợi trẻ em gái dân tộc thiểu số
Lâu nay, ở các bản làng vùng đặc biệt khó khăn, trẻ em gái luôn chịu nhiều thiệt thòi, nhất là trong việc đến trường học tập và vui chơi. Quan niệm “gái lớn phải gả chồng” khi các em vẫn chưa đủ lớn, rồi “đông con hơn đông của”, “trời sinh voi ắt sinh cỏ” vẫn còn hiện hữu ở nhiều gia đình. Vì thế, cuộc sống của nhiều trẻ em gái mãi luẩn quẩn trong đói nghèo. Đối diện với những hủ tục của bản làng, Hữu có một suy nghĩ tiến bộ hơn khi em quyết tâm học chữ.
Hồ Thị Hữu thuyết trình tại diễn đàn “Trẻ em và đại biểu Quốc hội”. |
Cơ hội đến với Hữu khi em đang học lớp 8, Dự án Plan triển khai chương trình hỗ trợ trẻ em gái vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Hướng Hóa. Tại Trường THCS Húc, dự án đã hỗ trợ thành lập các câu lạc bộ dành cho thanh thiếu niên như “Câu lạc bộ trẻ em gái”, “Câu lạc bộ phòng, chống bỏ học và tảo hôn”… Qua những hoạt động tại các câu lạc bộ, Hữu đã tạo ấn tượng với mọi người bởi khả năng thuyết trình các chủ đề mà câu lạc bộ đưa ra.
Dường như những nghĩ suy, trăn trở về vấn đề tảo hôn ở địa phương đã ăn sâu trong suy nghĩ của em nên trước những diễn đàn về trẻ em gái và tảo hôn, Hữu mạnh dạn trình bày quan điểm của mình, đặc biệt đề cập rất rõ đến thực trạng, đưa ra những hệ lụy và chủ động đề xuất các giải pháp để phòng, chống nạn tảo hôn. Kể từ đó, tất cả các diễn đàn liên quan đến trẻ em gái, tảo hôn… tổ chức tại địa phương, Dự án Plan đều mời Hữu làm người dẫn chương trình. Cách dẫn dắt câu chuyện về chủ đề dự án đưa ra của em rất gần gũi, phản ánh đúng thực tế nên không khí các diễn đàn thêm phần sôi nổi, hiệu quả truyền thông cao hơn.
Năm 2018, Hữu đại diện cho trẻ em gái dân tộc thiểu số huyện Hướng Hóa tham gia diễn đàn trẻ em gái cấp tỉnh. Tại đây, Hữu đã đoạt giải Nhất khi tham gia phần thi hùng biện về vấn đề tảo hôn ở vùng dân tộc thiểu số. Năm 2019, Hữu được chọn là gương mặt học sinh dân tộc thiểu số tiêu biểu tham dự diễn đàn “Trẻ em và đại biểu Quốc hội” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức tại Thủ đô Hà Nội.
Tại sự kiện này, em còn được mời dẫn chương trình cùng các bạn đại diện miền Bắc và miền Nam. Đây là cơ hội để Hữu trình bày những suy nghĩ, nguyện vọng của mình, đó là trẻ em gái người dân tộc thiểu số phải được đến trường, không vì hủ tục mà bỏ học giữa chừng. Hữu đã đem đến diễn đàn thông điệp “đừng để trẻ em sinh ra trẻ em”. Với những thành tích nổi bật trong công tác truyền thông phòng, chống tảo hôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Hồ Thị Hữu được lựa chọn làm đại biểu đại diện cho tiếng nói của trẻ em dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị tham dự diễn đàn “Phòng chống tảo hôn, bạo lực trẻ em” khu vực Châu Á được tổ chức tại Băng Cốc (Thái Lan).
Dịp này, Hữu được tham gia rất nhiều hoạt động, giao lưu với bạn bè các quốc gia trong khu vực; được trau dồi kiến thức, mở mang tầm nhìn cũng như suy nghĩ để em càng quyết tâm hơn trong việc nuôi dưỡng ước mơ của mình. Hiện tại, Hữu chính thức trở thành thành viên “Ban tham vấn thanh niên” của Tổ chức Plan tại Việt Nam.
Qua tham gia các hoạt động của Dự án Plan, Hữu nắm vững hơn kiến thức về vấn đề phòng, chống tảo hôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ vậy, khi trở về địa phương, Hữu đem những kiến thức tiếp thu được chia sẻ với mọi người, tích cực tuyên truyền, vận động các bạn gái không nên bỏ học giữa chừng và đặc biệt là không lấy chồng, sinh con sớm mà hãy mạnh dạn thực hiện ước mơ của mình. Những nỗ lực của Hữu đã trở thành nguồn cổ vũ, động viên và truyền cảm hứng cho thanh, thiếu niên dân tộc thiểu số trên địa bàn, đặc biệt là trẻ em gái vị thành niên vươn lên học tập để có tương lai tốt đẹp hơn.
“Ở các bản làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nạn tảo hôn vẫn còn, để lại hệ lụy khôn lường cho chính trẻ em gái và cho cả xã hội. Do đó, em muốn làm một việc gì đó thật sự có ích để góp phần thay đổi nếp nghĩ lạc hậu của người dân quê mình. Em muốn gửi gắm thông điệp rằng: Mọi trẻ em gái phải được đến trường đầy đủ, cần có ước mơ, tạo dựng nghề nghiệp và sống có ích cho xã hội”, Hữu chia sẻ.