Đại biểu Quốc hội đề nghị tập trung mọi nguồn lực để vực dậy doanh nghiệp
Sáng 31/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Tháo gỡ ngay những rào cản về thể chế
Dù nhất trí với báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kinh tế xã hội ở trong nước thời gian qua và các giải pháp đã đề ra trong thời gian tới, song đại biểu Hoàng Đức Thắng, đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị bày tỏ băn khoăn khi tốc độ tăng trưởng của 6 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng chậm, hoạt động sản xuất kinh doanh đang rất khó khăn.
“Lãi suất cho doanh nghiệp vay vẫn còn ở mức cao hoặc tiếp cận với lãi suất thấp thì thủ tục còn nhiều rườm rà nên doanh nghiệp khó tiếp cận với nguồn vốn để phục hồi, phát triển sản xuất.”, đại biểu Thắng lý giải.
Theo đại biểu Thắng, doanh nghiệp được ví như xương sống của nền kinh tế. Doanh nghiệp phát triển thì đất nước hưng thịnh, doanh nghiệp suy yếu thì nền kinh tế khó khăn. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần chọn khâu đột phá trong thời gian tới là tập trung mọi nỗ lực tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường, điều kiện tốt nhất để phục hồi, vực dậy, phát triển doanh nghiệp.
Về giải pháp, đại biểu Thắng cho rằng, trước tiên, cần rà soát, tháo gỡ ngay những rào cản về thể chế, các quy định cứng nhắc, siết chặt quá mức; hạn chế tối đa các cuộc thanh tra, kiểm tra với doanh nghiệp.
Bên cạnh đó là khơi thông dòng vốn tín dụng, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và giảm chi phí tối đa cho doanh nghiệp.
“Khi và chỉ khi chúng ta thực sự quyết liệt tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy sản xuất kinh doanh thì doanh nghiệp mới có cơ may phục hồi và phát triển. Do đó, đất nước cũng như các địa phương mới có cơ sở để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng.” đại biểu Hoàng Đức Thắng nêu rõ.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng, đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị |
Đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng kéo dài đến hết năm 2024
Trong khi đó, đại biểu Tô Ái Vang, đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng cho rằng, từ đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có ba đợt giảm lãi suất điều hành. Đây được xem là sự nỗ lực rất lớn của NHNN để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp cũng khó tiếp cận với vốn vay.
Vì vậy, đại biểu Vang đề nghị NHNN xem xét có cơ chế cho vay linh hoạt, đa dạng, nhất là các gói cho vay tín chấp dựa trên thời gian hoạt động có hiệu quả và dòng tiền của doanh nghiệp.
NHNN cũng cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại rà soát lại toàn bộ thủ tục, điều kiện tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp, đẩy nhanh giải ngân gói hỗ trợ lãi suất, triển khai hiệu quả chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn.
Cùng với đó, đại biểu cũng đề nghị Quốc hội xem xét mức giảm thuế giá trị gia tăng xuống từ 3 đến 4% vì nếu chỉ giảm 2% chưa phải là mức tốt cho nền kinh tế. Bởi, trong bối cảnh các nước đang cạnh tranh bằng cách giảm gánh thuế, giảm gánh nặng thuế cho doanh nghiệp để thu hút đầu tư thì chúng ta cũng nên xem xét giảm thuế giá trị gia tăng ở mức cao hơn để khuyến khích tiêu dùng, tăng sức mua.
“Từ đó doanh nghiệp có thể tiêu thụ hàng hóa nhiều hơn, giải phóng được lượng hàng tồn kho, sớm phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần vực dậy doanh nghiệp, góp phần cho sự ổn định và phát triển kinh tế xã hội các địa phương trong cả nước “, đại biểu Vang kỳ vọng
Đại biểu Vang cũng kiến nghị Quốc hội xem xét áp dụng giảm thuế giá trị gia tăng kéo dài đến hết năm 2024 giúp cho chính sách này mang tính bền vững, lâu dài.
Đại biểu Tô Ái Vang, đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng |
Cần sớm rà soát toàn diện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi
Còn theo đại biểu Ma Thị Thúy, đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang, những khó khăn và yếu tố bất lợi tác động đến chỉ tiêu năm 2023 như đầu tư công triển khai chậm, tiêu dùng và xuất khẩu giảm, thị trường xuất khẩu và đơn đặt hàng bị thu hẹp, nguồn lực của doanh nghiệp suy giảm nhiều…
Vì vậy, bên cạnh 11 nhóm giải pháp mà Chính phủ đã đưa ra, đại biểu đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm một số giải pháp như cần sớm rà soát toàn diện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đang được triển khai, xem chính sách nào hiệu quả, chính sách nào chưa thực sự hiệu quả để tạm dừng hoặc có biện pháp thay đổi kịp thời để bổ sung nguồn lực cho nền kinh tế.
“Biện pháp nhanh nhất, hiệu quả nhất và doanh nghiệp dễ hấp thụ nhất trong lúc này chính là dùng công cụ tài khóa để hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp như giảm lãi suất ngân hàng, giảm tiền thuê đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm, giãn, miễn lãi chậm nộp bảo hiểm xã hội...”, đại biểu nhìn nhận.
Đại biểu Ma Thị Thúy, đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang |
Đại biểu cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách riêng, cụ thể về đầu tư công; quyết tâm, sát sao hơn nữa để gỡ các vướng mắc nhất là các vướng mắc về thể chế, văn bản hướng dẫn cho các địa phương. Đẩy mạnh phân cấp, giao quyền về cho địa phương chủ động thực hiện và tự chịu trách nhiệm như là việc phân cấp chuyển mục đích sử dụng đất lúa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng.
“Các bộ, ngành và địa phương cần tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp, tăng cường kỷ luật kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công và cần bám sát, đánh giá đúng tình hình, chú trọng nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án; chuẩn bị tốt mặt bằng sạch cho thi công.”, đại biểu nêu rõ.