Cùng vun đắp tình hữu nghị truyền thống Việt Nam - Hy Lạp
Khi tiếp xúc với nhiều chính khách, người dân Hy Lạp, tôi rất cảm động và ấn tượng về tình cảm của họ đối với Việt Nam, và nhiều người vẫn nhắc đến các cuộc biểu tình xuống đường trong các thập kỷ 60, 70 để ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nước ta.
Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 15/4/1975, hợp tác Việt Nam - Hy Lạp có bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Hai bên đã tiến hành trao đổi nhiều đoàn, nhất là các đoàn cấp cao. Gần đây nhất là chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Kotzias (từ 12-14/2). Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên cấp Ngoại trưởng từ khi hai nước thiết lập quan hệ và Việt Nam là nước châu Á đầu tiên Ngoại trưởng Kotzias chọn đến thăm sau khi nhậm chức đầu năm 2015.
Đại sứ Trần Thị Hà Phương với các nhà ngoại giao Hy Lạp
Trong việc phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với bề dày hơn 40 năm, hai nước đã và đang phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại Liên hợp quốc, các diễn đàn quốc tế hoặc trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác Á–Âu (ASEM). Việt Nam ghi nhận thái độ tích cực của Hy Lạp trong thúc đẩy tiến trình đi đến kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), phê chuẩn Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam-EU (PCA), cam kết tác động EU công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Hợp tác trong lĩnh vực vận tải biển và các ngành liên quan đến tàu biển là điểm sáng trong quan hệ kinh tế, thương mại hai nước. Hy Lạp sở hữu khoảng 1/5 số tàu biển trên thế giới, giữ vị trí số một thế giới về tổng trọng tải (chiếm16,2% tổng trọng tải của hàng hải thế giới). Thúc đẩy hợp tác trên lĩnh vực này không chỉ mang lại lợi ích nhiều mặt về kinh tế mà còn trong triển khai Chiến lược Biển của Việt Nam. Năm ngoái, Đại sứ quán đã phối hợp với Tổng công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines) tổ chức hội thảo về vận tải biển, hàng hải. Hơn 50 công ty hàng đầu của Hy Lạp đã tham gia hội thảo này. Sau hội thảo, Vinalines đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) với một số đối tác Hy Lạp trong lĩnh vực vận tải biển, dịch vụ logistics, đào tạo và tuyển dụng thuyền viên…
Du lịch và thương mại cũng là những lĩnh vực hợp tác nhiều tiềm năng. Hy Lạp rất có kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch. Hai bên có thể hợp tác, trao đổi kinh nghiệm nhằm thu hút du lịch, mở các tuyến du lịch và đào tạo chuyên gia, hướng dẫn viên du lịch. Ngoài ra, các doanh nghiệp Hy Lạp rất quan tâm thúc đẩy phát triển thương mại hơn nữa với Việt Nam, đặc biệt là nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản, cà phê, dệt may, đồ điện dân dụng… của Việt Nam.
Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng cũng có những khó khăn khi thúc đẩy hợp tác song phương. Tôi nhận nhiệm vụ tại Hy Lạp đúng vào thời điểm đất nước này đang phải đối mặt với nhiều thách thức: khủng hoảng kinh tế, các biện pháp thắt chặt tiền tệ, thuế doanh nghiệp, VAT tại Hy Lạp tăng… Thực tế đó ảnh hưởng đến hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước. Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhìn nhận tiêu cực đối với việc thúc đẩy hợp tác với Hy Lạp. Ngoài ra, hai bên vẫn chưa ký được Hiệp định vận tải biển, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần nên vẫn chưa tạo được khung pháp lý cho hoạt động doanh nghiệp.
Trần Thị Hà Phương
Đại sứ Việt Nam tại Hy Lạp
(Theo Báo Thế giới & Việt Nam)