"Cùng tiến bước vì tương lai": phát triển bền vững về biến đổi khí hậu và môi trường tại Việt Nam
Cuộc thi khuyến khích người tham gia đi bộ và đạp xe thay vì sử dụng xe máy hay các phương tiện dùng năng lượng hoá thạch khác nhằm nêu cao thông điệp “Cùng nhau! Mạnh mẽ hơn! Bền bỉ hơn!” vì một thế hệ thanh niên Việt Nam quan tâm và hành động giảm tác động của biến đổi khí hậu ở các quốc quốc gia nghèo, đang phát triển.
100 em học sinh Thị xã Vĩnh Châu cùng đại biểu, khách mời sự kiện tham gia đạp xe phát động Chiến dịch "Cùng bước vì tương lai" 2022 nhân Ngày Môi trường Thế giới. |
Diễn ra từ ngày 05/06 đến 31/10/2022, Chương trình “Cùng tiến bước vì tương lai” khuyến khích người tham gia sẽ đi bộ hoặc đạp xe hàng ngày thay vì đi xe máy hoặc phương tiện có sử dụng nguyên liệu hóa thạch, ghi nhận và theo dõi kết quả tại trang iRACE. Qua đó, người tham gia sẽ đóng góp bằng hành động cụ thể vào việc làm giảm phát thải khí CO2 ra môi trường, đồng thời nâng cao hiểu biết về các giải pháp công bằng khí hậu cho người dân tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng và các nước nghèo, đang phát triển nói chung.
100 em học sinh Thị xã Vĩnh Châu tham gia đạp xe phát động Chiến dịch "Cùng bước vì tương lai 2022". |
Cuộc thi dự kiến thu hút ít nhất 4.000 người tham dự trên cả nước và ghi nhận tổng chiều dài quãng đường hơn 10 lần chiều dài đường kính Trái Đất. Với số người và số km như vậy, ước tính Chương trình sẽ giảm phát thải ít nhất 45.927.8 kg các-bon ra môi trường.
Không chỉ là sân chơi của cộng đồng yêu thể thao, các bạn sinh viên và người trẻ đi làm, cuộc thi còn là không gian sáng tạo cho các nhà vận động chính sách, quản lý dự án tương lai với mong muốn đóng góp sáng kiến về giải pháp dựa vào cộng đồng cho các chủ đề cấp thiết của xã hội, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) tại Việt Nam như giải phát thải nhà kính, năng lượng sạch, giao thông và cơ sở hạ tầng công cộng bền vững, nói không với rác thải nhựa, và vệ sinh nguồn nước.
Chương trình là một trong những hoạt động nổi bật của Dự án “Xây dựng năng lực lãnh đạo cho thế hệ trẻ Việt Nam trở thành Công dân toàn cầu” được tài trợ chung bởi Chương trình Hướng tới Châu Á (Reach Out to Asia - ROTA) của Tổ chức Education Above All (EAA), Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) trong giai đoạn 3 năm từ 2021 - 2024.
Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam tổ chức thêm hoạt động trồng rừng ngập mặn, nằm trong chương trình "Xanh lên Việt Nam ơi". |
Mục tiêu của dự án là trao quyền cho gần 14.000 thanh niên trên cả nước trở thành công dân toàn cầu, tham gia tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững về BĐKH và môi trường tại Việt Nam. Cũng trong ngày này, các đại biểu, khách mời, cơ quan thông tấn báo chí cũng có dịp được trải nghiệm hoạt động trồng rừng ngập mặn tại ấp Trà Sết, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng trong chương trình “Xanh lên Việt Nam ơi," nhằm nêu cao thông điệp bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng ngập mặn thuộc ĐBSCL, bởi Trái Đất là duy nhất (#ChiMotTraiDat).
Bạn Kiêm Phêl, Phó nhóm Thanh niên Hành động vì Mục tiêu Phát triển Bền vững (Y4SDG) xã Thới An Hội, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng chia sẻ: “Hiện nay BĐKH tại khu vực của em ngày càng diễn biến rõ rệt và phức tạp ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống và sản xuất của người dân. Đặc biệt là vào mùa mưa thường xảy ra sạt lở bờ sông ảnh hưởng trực tiếp đến đi lại và giao thương hàng hóa, đồng thời vào mùa nắng thường xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn sâu vào nội đồng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Thông qua chương trình, em hi vọng mỗi bạn thanh niên đều ý thức được vai trò của mình trong sự phát triển của đất nước, chuyển đổi sang nền kinh tế các-bon thấp, tăng trưởng xanh, và bền vững hơn.”
Là một trong những quốc gia chịu nhiều bất lợi về thiên tai và biến đổi khí hậu (BĐKH) ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam đã có nhiều cam kết ngăn ngừa và giảm thiểu tác động của BĐKH qua một loạt các chính sách quốc gia và các biện pháp thích ứng cụ thể. 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam khi Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020 chính thức có hiệu lực, bước vào giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ nhằm thực hiện hoá mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26. |