Cùng hành động vì một thế giới khỏe mạnh
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters |
Trong thông điệp được đưa ra mới đây, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres thúc giục các nước tiếp tục hợp tác dựa trên những kết quả đạt được, nâng cao năng lực giám sát phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm tiếp cận công bằng, kịp thời, bình đẳng vaccine.
Nhìn lại năm 2023, thế giới đạt được nhiều thành tựu về y tế, trong đó nổi bật là việc kiểm soát thành công đại dịch Covid-19 sau nhiều năm các quốc gia, khu vực phối hợp ứng phó.
Hồi tháng 5/2023, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu. Trong năm qua, WHO cũng cho phép đưa vào sử dụng loại vaccine thứ hai ngừa bệnh sốt rét dành cho trẻ em - vaccine R21/Matrix-M, góp phần đẩy lùi căn bệnh này. WHO cũng dỡ bỏ mức cảnh báo cao nhất đối với bệnh đậu mùa khỉ…
Những bước tiến tích cực nêu trên càng khẳng định hợp tác là chìa khóa dẫn đến thành công trong công cuộc đẩy lùi dịch bệnh trên toàn cầu.
Thời gian qua, các nước triển khai nhiều sáng kiến để nâng cao nhận thức của cá nhân, cộng đồng về các dịch bệnh; chia sẻ mô hình kiểm soát dịch bệnh, chia sẻ vaccine, hợp tác nghiên cứu và phát triển vaccine.
Hiện các quốc gia đang đàm phán để đạt được một hiệp ước quốc tế nhằm sẵn sàng ứng phó những tình huống y tế khẩn cấp trong tương lai, tương tự đại dịch Covid-19.
Dù y tế toàn cầu đạt được những thành tựu về phòng, chống dịch bệnh song không có nghĩa là những mối đe dọa đã biến mất, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng, kéo theo nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm.
Số ca mắc mới Covid-19 đang tăng nhanh ở nhiều nước và càng gây lo ngại khi người dân gia tăng hoạt động đi lại, giao lưu trong dịp nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới.
Theo WHO, trong thời gian từ ngày 20/11 đến 7/12 vừa qua, số ca mắc trên toàn cầu tăng đáng kể, với 105 nước ghi nhận tổng cộng 850.000 ca mắc Covid-19 mới. Đông Nam Á chứng kiến số ca mắc tăng cao một cách đáng lo ngại, trong đó Indonesia ghi nhận số ca mắc mới tăng cao nhất khu vực với 3.725 ca.
Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Ấn Độ, Sri Lanka, Thái Lan, Malaysia... Virus gây Covid-19 tiếp tục tiến hóa, biến đổi và lưu hành trên toàn cầu.
Giám đốc của WHO phụ trách khu vực Đông Nam Á, Tiến sĩ Poonam Khetrapal Singh khẳng định, giới chức y tế cần tiếp tục theo dõi sự phát triển của các biến thể để điều chỉnh biện pháp đối phó; các nước cần tăng cường giám sát và giải trình gene, cũng như chia sẻ dữ liệu.
Nguy cơ dịch chồng dịch là một thách thức với y tế toàn cầu thời gian tới. |
Nguy cơ dịch chồng dịch là một thách thức với y tế toàn cầu thời gian tới. Báo cáo mới đây của Tạp chí Y khoa The Lancet nêu rõ, biến đổi khí hậu đang đẩy nhanh sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ gây tử vong cao. Vừa qua, dịch tả làm chao đảo các nước châu Phi như Mozambique, Zimbabwe, Somalia...
WHO cũng cảnh báo mối đe dọa của bệnh sốt xuất huyết, sau khi căn bệnh lây truyền do muỗi này xuất hiện tại các nước chưa từng bị ảnh hưởng trước đây, khiến số ca mắc trên toàn thế giới trong năm 2023 vượt 5 triệu người.
WHO khẳng định, biến đổi khí hậu là một phần nguyên nhân dẫn tới số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao do mưa nhiều, độ ẩm và nhiệt độ tăng cao, tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi, phát triển. Thiếu kinh phí, thiếu nhân lực y tế, những rào cản trong tiếp cận công bằng dịch vụ y tế... là nhiều vấn đề nan giải khác mà ngành y tế phải đối mặt.
Những mối đe dọa y tế trong tương lai có thể xảy ra với tổn thất lớn không kém đại dịch Covid-19. Điều này đòi hỏi các nước cần tiếp tục tăng cường các biện pháp kiểm soát, sẵn sàng ứng phó và hợp tác chặt chẽ để nâng cao khả năng dự báo, chống chịu của ngành y tế.