"Cổng trời Bali" phiên bản Việt: "Những gì không phải của Đà Lạt, xin đừng mang về thành phố mộng mơ"
Mới đây, "cổng trời Bali" phiên bản Việt ở Đà Lạt xuất hiện như một "làn gió mới" cho cộng đồng người yêu du lịch. Những bức hình lung linh về địa điểm "sống ảo" mới toanh này nhanh chóng được lan truyền khắp các trang xã hội.
"Tọa độ sống ảo" mới toanh ở Đà Lạt khiến dân tình xôn xao những ngày qua. (Ảnh: Nhi Phương) |
Một vài năm trở lại đây, khi Bali ngày càng nổi tiếng, được nhiều người yêu thích và lựa chọn làm điểm du lịch vì sở hữu khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp với những bãi biển hoang sơ cùng công trình kiến trúc mang đậm bản sắc văn hóa hay những khách sạn, resort sáng tạo, mới lạ nhưng vẫn giữ được nét riêng có của nơi này, thì ngày càng có nhiều người Việt khao khát được đặt chân tới miền đất nhỏ. Tuy nhiên, do vị trí địa lý, kéo theo các vấn đề về chi phí đã khiến cho khoảng cách này chưa được rút ngắn lại.
Bởi vậy, sự xuất hiện của "cổng trời Bali" - một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng của Bali tại Đà Lạt đã khiến nhiều người vô cùng thích thú. Nơi đây được kì vọng sẽ trở thành "tọa độ sống ảo" yêu thích của nhiều người, thu hút đông đảo hơn nữa những người yêu du lịch đến với "xứ sở ngàn hoa".
Song, trái ngược với điều đó, ngay từ khi những bức hình lung linh đầy ấn tượng của "cổng trời Bali" ở Đà Lạt xuất hiện, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều xảy ra.
Có lẽ nếu chỉ đăng tải bức hình này mà không bật mí điều gì, rất nhiều người sẽ nhầm tưởng bạn đang "check-in" tại Bali chứ không phải Đà Lạt. (Ảnh: Check in Viet Nam) |
Trên một số diễn đàn du lịch nổi tiếng, bên cạnh số ít hào hứng với sự thay đổi mới mẻ này Đà Lạt, đã có rất nhiều ý kiến được đưa ra.
Rất nhiều người cảm thấy "phẫn nộ" khi "cổng trời Bali" được đưa về và xây dựng ở Đà Lạt, bởi họ cho rằng, chính điều này đã góp phần làm phá hỏng những cảnh đẹp mang tính đặc trưng ở "thành phố trong sương" và mờ dần nét văn hóa của du lịch Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình) |
Bên cạnh những bình luận tương đối gay gắt khi muốn "tẩy chay" địa điểm này, có khá nhiều người tỏ ra tiếc nuối cho Đà Lạt với những nét đẹp bình dị, thân thương một thời.
"Đà Lạt đẹp là sương sớm trên Hồ Xuân Hương, rừng thông xanh, mùi hương lá thông cháy, mùi của ly cafe cốc, vị cay của ổ bánh mì xíu mại, cái lanh cắt da cắt thịt hay những cơn mưa rào dai dẳng. Chừng đó là đủ rồi. Đừng xây dựng gì nữa hết. Đà Lạt vốn là một cô gái cao nguyên mộc mạc, đẹp tự nhiên trong màu áo xanh của đồi thông với đôi má luôn ửng hồng vì cái lạnh. Đà Lạt không hợp với cái son phấn giả tạo và những bộ đồ diêm dúa", một tài khoản chia sẻ.
Đồng tình với ý kiến trên, một tài khoản khác cho rằng nên kiểm soát và quản lý lại các quy hoạch nhằm phát triển du lịch ở Đà Lạt: "Đà Lạt nên kiểm soát những chỗ như này đi. Đừng vì đồng tiền mà đặt vào Đạt Lạt những cảnh thô kệch không hợp mắt như thế này, trông kệch cỡm, diêm dúa và vô giá trị như thế này. Người ta đến với Đà Lạt vì không khí, con người và cảnh vật nguyên bản... Rác thải và những tiểu cảnh nhảm nhí như thế này ngày xuất hiện càng nhiều!"
(Ảnh chụp màn hình) |
Nhiều người cảm thấy tiếc nuối trước sự "chuyển mình" quá nhanh của Đà Lạt. Bên cạnh đó, không ít ý kiến cho rằng, sự phát triển du lịch để tạo ra lợi nhuận, thúc đẩy kinh tế là cần thiết, nhưng thay đổi đến nỗi đánh mất bản sắc văn hóa vốn có thì quả thực là điều không nên chút nào. (Ảnh chụp màn hình) |
Nhiều người lên tiếng: "Cái gì của Bali hãy để lại cho Bali... Please!" (Ảnh chụp màn hình) |
Thời gian gần đây, ở Đà Lạt liên tục xuất hiện những điểm "check-in" nhằm thu hút khách du lịch, trong đó có thể kể đến: "Nấc thang lên thiên đường", "Cầu gỗ săn mây", "hồ Vô Cực" và đến bây giờ là "cổng trời Bali",... Tuy nhiên, sự phát triển ồ ạt và nhanh chóng này đã khiến Đà Lạt vấp phải rất nhiều những vấn đề khó kiểm soát, thậm chí cách đây không lâu, "cầu gỗ săn mây" đã phải thông báo ngừng nhận khách tham quan để cải tạo hay những hình ảnh "thiên đường du lịch" ngập ngụa trong rác thải, ồn ã và chen chúc hay các công trình ngổn ngang,... Chính những điều này đã khiến nhiều trái tim yêu Đà Lạt vô cùng bất ngờ và tiếc nuối cho một Đà Lạt bình yên, thơ mộng xưa cũ.
Dẫu biết rằng, thay đổi để phát triển kinh tế là một yếu tố tất yếu của cuộc sống, nhưng nhiều người cho rằng, học tập để sáng tạo giúp tăng thêm nét bản sắc của Đà Lạt khác với việc "sao chép" hay mang một công trình kiến trúc từ nước ngoài về và làm hỏng đi nét đẹp vốn có của cảnh quan tự nhiên.
Xem thêm
"Cổng trời Bali" - Tọa độ check-in "hot" nhất mùa hè của giới trẻ Sau hồ Vô Cực, Đà Lạt tiếp tục khiến giới trẻ xôn xao trước sự xuất hiện của "cổng trời Bali", hứa hẹn là điểm ... |
Đường sắt Hà Nội giảm mạnh giá vé trong dịp hè Kể từ ngày 8/6, Công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội sẽ thực hiên chương trình giảm giá vé đặc biệt trong dịp hè ... |