Chuyện nhọc nhằn mưu sinh của những người phụ nữ xa xứ ở đất nước Triệu Voi
Chiếc xe đạp cũ kỹ là “hành trang” mưu sinh ở xứ người
Để có tiền ổn định cuộc sống hàng ngày và nuôi các con ăn học cùng với mẹ già ở quê nhà, nhiều phụ nữ đã rời quê gần 20 năm. Họ “vượt biên” qua đất nước Triệu Voi kiếm kế mưu sinh trên chiếc xe đạp cũ kỹ với sọt bánh mì và bắp rang bơ ở chợ trung tâm tỉnh Xiêng Khoảng. Dù xa nhà, nhưng đối với họ, đó cũng là niềm hạnh phúc khi kiếm được tiền lo cho gia đình.
Qua tìm hiểu của PV báo Thời Đại thì, phần lớn mọi người ở quê nhà đều nghĩ rằng, những người đi làm ăn buôn bán ở nước ngoài hẳn phải có cuộc sống sung túc, dư dả. Bởi phần lớn, họ đều gửi tiền về cho gia đình đều đặn. Nhưng đằng sau những đồng tiền họ kiếm được đó, là cả một cuộc vật lộn, nhọc nhằn mưu sinh xứ người. Người phụ nữ thì càng nhọc nhằn hơn. Hàng ngày, họ phải bươn chải mưu sinh cực nhọc tại các buôn làng, ngõ hẻm và các khu chợ trung tâm để có được những đồng tiền quý giá gửi về quê lo cho gia đình. Ngày nắng cũng như ngày mưa, khỏe cũng như ốm yếu, họ không dám nghỉ, vẫn phải nhọc nhằn mưu sinh...
Không chỉ vậy, có rất nhiều người vẫn chưa biết sự thật, đằng sau những đồng tiền Kíp (Lào) hay đô la (Mỹ) đó, nó là một chuỗi những ngày gian nan vất vả trên những chiếc xe đạp cọc cạch với sọt bánh mì và những bao bắp rang bơ trên chiếc xe đẩy, họ phải “gồng mình” đánh đổi bằng máu và nước mắt để có được đồng tiền.
Cảnh mưu sinh vất vả của phụ nữ Việt tại chợ trung tâm tỉnh Xiêng Khoảng.
Tâm sự với PV, chị Võ Thị Hoa (36 tuổi), trú tại xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế chia sẻ: “Ở nhà làm quần quật cả ngày nhưng vẫn không đủ tiền nuôi con ăn học, nên tôi cùng chồng quyết định tìm “trang sử mới” qua tỉnh Xiêng Khoảng, để mưu sinh mong được “đổi đời”. Vợ chồng chúng tôi qua đây cũng gần được 20 năm nay, hàng ngày chúng tôi phải dậy sớm để đi lấy bánh mì cùng một người Việt qua đây buôn bán. Có được bánh mì, tôi đạp xe đi bán khắp cả khu chợ trung tâm tỉnh Xiêng Khoảng, còn chồng tôi đèo trên chiếc xe máy đi hơn 100 km vào tận buôn làng heo hút để bán cả ngày”.
“Mỗi ngày tôi có mặt ở khu chợ này khoảng 12 giờ đồng hồ, thu nhập được vào khoảng 100.000 Kíp; ngày thấp nhất cũng được 80.000 Kíp (bình quân 200.000 đồng/ngày-PV). Như vậy cũng khá lắm rồi, chứ ở quê, có làm ra được như rứa mô (tiếng địa phương). Biết chi tiêu thì cũng tạm ổn định và có tiền gửi về nuôi con ăn học và mẹ già ở quê", chị Hoa bày tỏ.
Theo chị Hoa, vất vả là thế, chị không ngại nhưng thời gian gần đây chị cũng gặp rất nhiều khó khăn khi một “đại gia” chủ cơ sở bánh mì người Việt qua đây cung cấp buôn bán làm ăn lớn nên họ cũng cho người vào chợ cạnh tranh chèn ép, khiến thu nhập của chị có chiều hướng giảm sút. Tuy là vậy, nhưng chị không bao giờ chán nản, buồn phiền mà phải cố gắng bươn chải vì các con và mẹ già ở quê.
Niềm vui hàng ngày của chị Võ Thị Hoa là khách hàng đến mua bánh mì giúp chị.
Nhọc nhằn của những người phụ nữ xa quê
Cùng chung cảnh ngộ với chị Hoa là bà Phan Thị Nhã (57 tuổi), trú tại huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Bà Nhã đến Xiêng Khoảng, để bán bánh mì thuê cho một ông chủ ở cùng quê cũng gần 10 năm nay.
Bà Nhã tâm sự: “Do ở quê ít việc làm nên bà được ông chủ ở cùng quê giới thiệu và đưa qua bán bánh mì cho ông. Trên quê hương thứ hai này, mỗi ngày tôi phải đạp xe đi đến tận buôn làng để bán và sau đó ăn lại phần trăm mà ông chia cho. Với cuộc sống mưu sinh quá cực nhọc mà thu nhập không được bao nhiêu, vì ông chủ cùng quê “vắt hết sức” mồ hôi của mình để đem lại kinh tế cho gia đình ông nên tôi từ bỏ đi làm thuê”.
Ngay từ sáng sớm bà Phan Thị Nhã đã có mặt ở chợ để bán.
“Với 5 năm đi làm thuê ở đất khách quê người, tôi cũng không có gì, nên kể từ đó tôi quyết định chuyển qua hành nghề bán trứng cút và bắp (ngô) rang bơ trên chiếc xe đẩy ở chợ trung tâm tỉnh Xiêng Khoảng. Nói là làm, tôi “đầu tư” xe đẩy, máy rang bơ để tiếp mưu sinh trên đất nước bạn Lào. Cũng từ đó, tôi mới “hồi sinh” có cuộc sống dư dả có tiền gửi về giúp con cháu ở quê”, bà Nhã chia sẻ.
Tuy rất vất vả nhưng bà cũng dư dả chút đỉnh để gửi về quê giúp con cháu
Có thể thấy rằng, xa quê mưu sinh chỉ là sự lựa chọn cuối cùng khi người phụ nữ không còn cơ hội kiếm tiền lo cho gia đình tại địa phương. Với tâm sự của họ, làm ăn ở xứ người là cả một cuộc vật lộn, đầy nhọc nhằn cùng những nỗi đau, sự lo lắng không thể sẻ chia. Họ phải đánh đổi những khoảng thời gian bên gia đình, người thân, để tự chăm sóc, lo liệu cho cuộc sống mới. Những khoản tiền họ gửi về cho gia đình chính là mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu của họ trong cuộc mưu sinh.
Vậy, bạn hãy suy nghĩ lại quan niệm, đi nước ngoài làm việc là sung sướng, dễ kiếm tiền, dễ làm giàu...
Bài và ảnh Phi Hoàng