Chuyện loa phường ở Hà Nội
Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch về chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022 - 2025. Đáng chú ý, một trong những nội dung của chiến lược là đến năm 2025, 100% xã, phường, thị trấn có hệ thống truyền thanh hoạt động đến thôn, tổ dân phố, khu dân cư. Nhiều người dân băn khoăn về vấn đề này, khi cách đây vài năm, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội từng cho rằng “loa phường đã hoàn thành sứ mệnh”, yêu cầu giảm các cụm loa phường ở nội thành, thay thế bằng các biện pháp thông tin khác.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Phạm Gia Ngọc, Trưởng Ban Văn hóa xã hội phường Phương Liên (quận Đống Đa) cho biết, trước đây, phường đã đầu tư hệ thống loa không dây lên đến cả trăm triệu đồng. Theo chỉ đạo từ cấp trên, hệ thống đã dừng hoạt động một thời gian, nhưng sau phải khôi phục lại để hoạt động phòng, chống dịch COVID-19. Mọi hoạt động như lịch tiêm, các khu vực cách ly, các vùng xanh… đều được truyền tải qua hệ thống loa phường. Qua kênh này, bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố nghe được, họ tiếp tục truyền đạt các nội dung đến hộ dân. “Hiện phường đang có 6 cụm loa chia trên 11 tổ dân cư, đây là một cách tuyên truyền hay và hữu ích”, ông Ngọc nói.
Không ít bức xúc
Tuy nhiên, theo ông Ngọc, ngoài mặt tích cực, không ít người dân rất bức xúc về hệ thống loa phường. Nguyên nhân đầu tiên do loa phát quá nhiều nội dung, từ âm nhạc, đến các thông tin tuyên truyền mà mọi người đều tiếp cận được qua báo chí. Thứ hai là do đội ngũ làm tuyên truyền cơ sở không phải ai cũng có “nghề”, có những người đọc nghe như mệnh lệnh khiến người dân không thích nghe.
Cách truyền tải này không phải phát thanh viên, chỉ là người đọc loa. “Hiện nay, các thông tin từ các tổ chức như UBND, Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên… đều được đưa cho tôi để biên tập. Sau đó, tôi sẽ rút ngắn nội dung, để ra bản tin cô đọng nhất giúp người dân dễ hiểu rồi phát qua loa. Hệ thống loa cũng được rút thời gian phát thanh, nếu có tin cần thiết thì phát khung 7h30- 8h sáng, chiều là từ 17h- 17h30, do đó được người dân ủng hộ”, ông Ngọc nói.
Đang có nhiều tranh luận liên quan đến hiệu quả của loa phường ở Hà Nội (Ảnh: PV). |
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, đại diện lãnh đạo quận Cầu Giấy cho biết, trong thời gian qua, quận cũng đã triển khai nhiều nội dung về cải tiến hoạt động của hệ thống loa phường. “Loa phường rất có tác dụng trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, thông báo một số thông tin như lịch tiêm chủng, các công việc cần thiết khác”, vị này nói.
Tuy nhiên, theo vị này, hiện nay, cùng với hoạt động của loa phường, các đơn vị trên địa bàn quận cũng triển khai nhiều biện pháp khác, ứng dụng công nghệ thông tin như dùng mạng xã hội zalo, viber, facebook, thậm chí loa kéo tay… để tuyên truyền chỉ đạo của thành phố, quận. “Tất nhiên, thời gian mấy năm qua, hệ thống loa phường đã không còn hoạt động như trước kia. Chúng tôi đã chỉ đạo thời gian phát ít hơn, thời điểm hợp lý hơn, nội dung cũng đã chọn lọc hơn”, vị này nói. Theo vị này, để nói về hiệu quả của loa phường trong giai đoạn hiện nay, không thể nói không được, mà cần thiết phải có tổng kết, đánh giá việc thực hiện chỉ đạo của thành phố trong giai đoạn 5 năm qua.
Kênh truyền thông không thể thay thế?
Ngày 27/7, Sở TT&TT Hà Nội đã tổ chức hội nghị thông tin báo chí quanh Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022- 2025. Phó Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Thị Mai Hương giải thích, trước đây lãnh đạo thành phố đưa ra ý kiến “loa phường đã hoàn thành sứ mệnh”, nhưng thời điểm đó cách thức hoạt động của thiết bị này gây ra nhiều bức xúc cho người dân.
Loa phường hiện đã được cải tiến theo hướng thân thiện và chỉ cung cấp thông tin thiết yếu. “Cứ đi trên đường phố Hà Nội lại nghe tiếng loa phát ra là câu chuyện của thập kỷ trước. Thành phố đã thay đổi phương thức truyền thông, cách thức vận hành để loa phường phát huy hiệu quả mà không ảnh hưởng đến người dân sống ở khu vực có lắp loa”, bà Hương nói.
Về bức xúc tiếng ồn của loa phường, theo bà Hương, thời gian qua, Sở TT&TT tham mưu cho thành phố nhiều văn bản, cách thức vận hành loa phường phải hiệu quả, hướng đến người dân. Cụ thể, chuyển đổi bằng cách giảm tải các cụm loa.
“Trước đây cụm loa lớn hàng chục loa, người dân ở gần ảnh hưởng thì nay theo Đề án 5133, duy trì số lượng loa ít đi, chỉ 2 loa mỗi cụm. Việc bố trí các cụm loa cũng được thay đổi, tránh các khu vực trường học, có người già, đoàn ngoại giao... Thay đổi cả về thời lượng phát thanh. Hiện các quận nội thành phát tối đa 15 phút/buổi, mỗi ngày phát sóng không quá 2 buổi trừ trường hợp dịch bệnh, ngày lễ lớn có chỉ đạo, yêu cầu đặc biệt từ T.Ư. Một tuần phát thanh tối đa 5 ngày, không phát vào cuối tuần thứ Bảy, Chủ nhật trừ trường hợp đặc biệt”, bà Hương nói đồng thời cho rằng: “Nếu phát 15 phút/buổi, không gây tiếng ồn đến mức lo ngại. Ngoài ra các thông tin phải thực sự thiết yếu. Ngay cả nhiều nước tiên tiến như Nhật Bản hệ thống loa phục vụ cộng đồng vẫn được duy trì. Hà Nội cũng chưa bao giờ “khai tử” hệ thống loa phường và vẫn luôn duy trì các cụm loa”.
Loa phường đã hoàn thành sứ mệnh (!?)
5 năm trước, sau khi cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng “loa phường đã hoàn thành sứ mệnh”, thành phố đã tổ chức lấy ý kiến người dân về việc bỏ thiết bị này. Tháng 8/2017, thành phố ban hành Đề án 5133 sắp xếp lại hoạt động của đài truyền thanh xã, phường, thị trấn theo hướng tại các quận chỉ duy trì 5- 10 cụm loa (mỗi cụm tối đa 2 loa) và loa phường các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng không phát hàng ngày, chỉ phát khi có thông báo khẩn như thiên tai, dịch bệnh hoặc theo yêu cầu của trung ương, thành phố.
Tháng 3/2021, Hà Nội điều chỉnh Đề án 5133, không quy định cứng số cụm loa mà giao chính quyền cơ sở tự quyết định phù hợp với điều kiện thực tế; quy định về nội dung, thời gian và thời lượng phát thanh. Nội dung khác được thành phố hướng dẫn tiếp tục thực hiện theo đề án 5133.