Chuyên gia nói về quyền con người
Quyền của mình nhưng chưa phải ai cũng nhận thức được
Trong buổi giao lưu trực tuyến mới đây do báo Pháp luật tổ chức, ông Bạch Quốc An, Vụ trưởng Vụ pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp đã chia sẻ quan điểm của mình như sau:
“Sự tiến bộ về nhân quyền trong những năm qua là điều đáng ghi nhận, nhưng thực tế là việc phổ cập, tuyền truyền về quyền con người vẫn còn hạn chế. Nhiều người dân thực sự không biết quyền lợi của mình khi bị người khác xâm phạm.
Rất nhiều vụ việc xảy ra cho thấy, vì không nhận thức đầy đủ về quyền con người đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, chẳng hạn như việc công khai hình ảnh, danh tính của những phụ nữ bán dâm, lạm dụng quyền lực trong trường học của các thày cô giáo, cha mẹ xâm phạm đời tư của con cái, tung clip đánh ghen hay nhục mạ, vu khống người khác trên môi trường mạng…
Ông Bạch Quốc An, Vụ trưởng Vụ pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp (ảnh: Bộ Tư pháp).
Theo ông Bạch Quốc An, hạn chế về nhận thức là khó khăn lớn nhất trong thực hiện quyền con người ở Việt Nam. Nguyên nhân là do công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền con người chưa được chú trọng. Việc đưa nội dung giáo dục về quyền con người vào các cấp học còn là nội dung mới, chưa được quan tâm thích đáng cả về nội dung và thời lượng.
Bên cạnh đó, ý thức pháp luật của người dân nói chung còn hạn chế mà cụ thể là ý thức tuân thủ pháp luật, sử dụng luật sư hoặc tư vấn pháp luật trong hoạt động hàng ngày còn chưa được quan tâm. Cuối cùng là nguồn lực dành cho công tác phổ cập tuyên truyền về quyền con người còn chưa được đầu tư thích đáng.
Hay như Luật Tiếp cận thông tin (TCTT) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018. Tại điều 17 của Luật Tiếp cận thông tin quy định 46 loại thông tin bắt buộc các cơ quan Nhà nước, từ cấp phường xã trở lên phải công khai rộng rãi, trong đó có những thông tin rất quan trọng như: Thông tin về mua sắm tài sản công, dự án đầu tư công, dự toán và thực hiện ngân sách nhà nước, thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất… Những thông tin liên quan mật thiết đến đời sống, sản xuất kinh doanh của người dân thì họ đều có quyền được biết.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính (Bộ Tư pháp) cho biết, song song với việc chủ động, tích cực đôn đốc các bộ, ngành triển khai thực hiện Luật, Bộ Tư pháp đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến các quy định của luật, tổ chức các hội thảo, các lớp tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cung cấp thông tin, phát hành tài liệu, sổ tay hướng dẫn thực hiện luật cho cả cơ quan nhà nước và công dân.
Còn có những nhận thức khác nhau về quyền tự do ngôn luận, báo chí…ở Việt Nam
Trong bài viết “Quyền con người ở Việt Nam, hiểu thế nào cho đúng?” đăng trên báo điện tử Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) có trích dẫn ý kiến của PGS.TS Đặng Dũng Chí, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Theo đó, vấn đề quyền con người, mà cụ thể là quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí… ở Việt Nam được một số nước và tổ chức quốc tế quan tâm, thậm chí gây sức ép đối với Việt Nam. nhân quyền là một lĩnh vực khá phong phú, đa diện nên luôn có những nhận thức khác nhau. Việc đánh giá nhân quyền của một quốc gia cần tuân thủ pháp luật nhân quyền quốc tế, thông qua các cơ chế hiện có của LHQ và khu vực.
PGS.TS Đặng Dũng Chí, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: Báo TN MT..
Theo PGS.TS. Đặng Dũng Chí, trong những năm qua, Việt Nam luôn chú trọng bảo đảm quyền tự do ngôn luận, quyền tự do tiếp cận thông tin... của người dân. Với hệ thống truyền thông báo chí khá phong phú, đa dạng, các cơ quan báo chí không chỉ là cơ quan ngôn luận của các ngành, các cấp mà còn là diễn đàn của nhân dân. Thông qua các cơ quan báo chí, người dân có thể bày tỏ quan điểm, nguyện vọng…về mọi vấn đề của đời sống xã hội. Bên cạnh đó, với sự xuất hiện của mạng internet, người dân còn có cơ hội chia sẻ nhiều hơn nữa những sự quan tâm của mình.
Trên thực tế, Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013 cũng xác nhận quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình… Các quyền trên trên chỉ có thể bị hạn chế “vì lợi ích an ninh quốc gia, trật tự xã hội…”
Trên cơ sở này, PGS.TS Đặng Dũng Chí cho rằng, việc quan tâm đến tự do ngôn luận, tự do báo chí của các nước đối với Việt Nam, cần phải phân biệt giữa một bên là sự quan tâm từ một nền tảng dân chủ, nhân quyền được xây dựng qua hàng trăm năm với một bên là sử dụng dân chủ, nhân quyền như một công cụ cho các mục tiêu chính trị.
Ông cũng khẳng định, đối với những góp ý thiện chí thì chắc chắn sẽ được chia sẻ, còn những hoạt động vì những động cơ chính trị thì cần phê phán./.
Phương Hoa