Chuyện của những tổ ấm Việt - Trung
Những bữa cơm hòa hợp
Chúng tôi hẹn gặp, phỏng vấn trực tuyến chị Phạm Thị Kim Dung (SN 1981, Bến Tre) nàng dâu của đất Hà Nam (Trung Quốc) vào một buổi sáng cuối tháng 4. Thời điểm cuối tháng, công việc kinh doanh bận rộn, chị Dung liên tục phải trả lời khách hàng và đồng nghiệp nhưng vẫn vui vẻ dành thời gian trò chuyện với chúng tôi.
Nói về gia đình nhỏ của mình, chị Dung cho rằng không có tình yêu sét đánh. Chị và ông xã Hứa Cương Trung (SN 1974, Hà Nam, Trung Quốc) quen nhau từ năm 2010. Khi ấy, anh sang Việt Nam công tác, cần người phiên dịch để trao đổi với các đối tác Việt Nam. Anh được bạn bè giới thiệu gặp chị Dung là trợ lý cho một công ty Trung Quốc tại Việt Nam. Kể từ đó, chị đồng hành cùng anh trên hành trình tìm hiểu thị trường, gặp gỡ những đối tác Việt Nam. Hai người dần cảm thấy phù hợp rồi yêu nhau.
Anh Cương, chị Dung cùng con gái bên trong tổ ấm của họ tại Hà Nam (Trung Quốc). (Ảnh: NVCC) |
Sau đó, anh theo chị về quê ra mắt gia đình, đồng thời xin phép đưa chị sang Trung Quốc du lịch và thăm gia đình anh. Lần đầu gặp gỡ, gia đình anh Trung đã để lại cho chị Dung ấn tượng bởi sự chân thành và dễ mến.
“Thuận lợi của tôi là biết tiếng Trung, vì vậy có thể dễ dàng trao đổi với các thành viên trong gia đình anh. Biết tôi là người Việt Nam, gia đình anh nhiệt tình nấu cho tôi nhiều món ăn ngon. Đặc biệt, bố mẹ anh gặp ai cũng khoe con trai có bạn gái người Việt. Điều này khiến tôi cảm động và xem họ như người thân trong gia đình” – chị Dung chia sẻ.
Khác với gia đình anh Trung, bố mẹ Dung lại có phần lo lắng về chuyện tình cảm của anh chị. Họ không muốn con gái lấy chồng xa. Hơn thế, ông bà lo ngại, rào cản ngôn ngữ và văn hóa sẽ khiến chị vất vả. Thế nhưng, sau nhiều lần gặp gỡ, thấy anh là người hiền lành, thật thà, lại thấy anh chị yêu nhau thật lòng nên gia đình chị cũng đồng ý.
Ngay sau đó, hai người kết hôn, cùng nhau xây dựng, phát triển công ty nhập khẩu và phân phối các sản phẩm nội thất gỗ, thủ công mỹ nghệ, trầm hương… của Việt Nam có trụ sở chính tại Bắc Kinh và chi nhánh tại thành phố Hà Nam (Trung Quốc).
Bé Hứa Văn Hinh (sinh năm 2012) là trái ngọt trong tình yêu của anh chị cũng rất thích đồ ăn Việt, mặc áo dài và nói tiếng Việt. Bé có thể giao tiếp tiếng Việt cơ bản. Mỗi lần về quê thăm ông bà ngoại bé rất thích và hoà đồng với các bạn bè cùng trang lứa.
Anh Hứa Cương Trung thường xuyên ở Việt Nam thu mua hàng hóa. Chị Dung ở lại Bắc Kinh lo toan công việc bán hàng nên mỗi khi có dịp, anh chị luôn trân trọng và dành thời gian cho những bữa cơm gia đình. Trong mâm cơm ấy sẽ có những món Trung mà anh yêu thích như mì sợi, bánh bao… cũng có cơm Việt với canh rau củ hầm xương, rau xào quen thuộc đối với chị. Vợ chồng chị cùng đi chợ, cùng xuống bếp nấu ăn.
“Đối với chúng tôi, đó chính là khoảng thời gian dành cho nhau và cùng vun đắp gia đình. Anh biết tôi quen những món thanh đạm, ít dầu mỡ, chưa thực sự yêu thích ẩm thực quê chồng nên luôn sẵn sàng cùng tôi chế biến các món ăn Việt. Tôi cũng sẽ vì anh mà học nấu món ănanh yêu thích. Cả hai thẳng thắn trao đổi, góp ý để đối phương gia giảm các nguyên liệu, điều chỉnh món ăn cho thực sự phù hợp với khẩu vị của bạn đời” – chị Dung tâm sự.
Không chỉ trong bữa cơm gia đình, dịp Tết Nguyên đán, anh Trung cũng rất tôn trọng tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của vợ. Vì vậy anh luôn đồng hành cùng chị Dung chuẩn bị một mâm cỗ kết hợp văn hoá Việt – Trung.
Chị Dung bên mâm cỗ cúng dịp Tết Nguyên đán của gia đình. (Ảnh: NVCC) |
Hai vợ chồng sẽ cùng nhào bột, nặn và hấp sủi cảo (món ăn truyền thống trong mâm cỗ của quê hương anh), nấu thịt kho hột vịt, thịt nhồi khổ qua, bánh tráng cuốn tôm thịt… Họ cũng cùng nhau đi chợ mua bánh Tét, hoa quả về bày mâm ngũ quả… để thắp hương đêm giao thừa. Điều này giúp chị vơi bớt nỗi nhớ gia đình, quê hương.
“Sau này khi về già, tôi mong rằng có thể cùng anh sáng đi tập dưỡng sinh, rồi đi chợ mua đồ ăn nấu phở bò, gói sủi cảo là những món cả hai đều yêu thích, cùng nhau thưởng thức và tận hưởng cuộc sống, như chúng tôi đã dành cả cuộc đời để làm cùng nhau vậy…” – chị Dung tâm sự.
Chữ "duyên" trong cuộc hôn nhân Việt - Trung
Năm 2011, chị Nguyễn Thị Hà Phương (SN 1986, Hà Nội) sang Bắc Kinh học thạc sĩ tại Học viện Hý kịch Trung ương Trung Quốc. Khi ấy chị chưa từng nghĩ lần xa quê học tập này lại đưa nhiều điều thú vị đến với mình như vậy. Đặc biệt là giúp chị bén duyên với người chồng đang công tác tại ngôi trường mà chị theo học có tên Lưu Vũ Thần (SN 1987, người gốc Bắc Kinh)
Anh Lưu Vũ Thần phải lòng cô gái Hà Nội ngay sau những lần đi chơi cùng nhóm bạn chung của nhau. Chị Phương xinh xắn, đáng yêu, kết quả học tập luôn nổi bật. Điều này càng khiến anh Thần quyết tâm theo đuổi. Thời gian ấy, anh có lần ngỏ ý với chị, nhưng vì chưa bao giờ nghĩ sẽ yêu và lấy chồng nước ngoài nên chị Phương đã từ chối.
Đến năm 2016, chị Phương tròn 30 tuổi. Gia đình thấy chị chỉ tập trung học hành, không nhắc đến chuyện lập gia đình thì lo lắng, giục giã ngày đêm. Lúc đó chị Phương có kể chuyện này với anh Thần và anh đã ngay lập tức cầu hôn chị. Chị Phương hỏi đùa anh Lưu Vũ Thần có nuôi nổi chị không rồi cười. Không ngờ, ngay sáng hôm sau anh đã xin nghỉ phép, đưa chị đến Cục dân chính của TP Bắc Kinh (cơ quan quản lý hành chính xã hội của TP Bắc Kinh, xử lý các công việc như đăng ký kết hôn, cứu trợ thiên tai, từ thiện, phúc lợi, trợ cấp...).
“Ý định ban đầu là hỏi thủ tục nên hai đứa đều mặc quần short, áo phông đơn giản. Không ngờ, công chức ở Cục lại trả lời rằng có thể đăng ký được luôn. Họ còn hỏi rằng hôm nay vắng, không phải xếp hàng, hai người có đăng kí kết hôn luôn không? Hai đứa nhìn nhau chẳng nghĩ gì nhiều quyết định đăng kí luôn. Mọi thủ tục được tiến hành rất nhanh, chúng tôi ký tên, chụp ảnh sau đó chính thức trở thành vợ chồng. Thấy hai chúng tôi không chuẩn bị kẹo hỷ, phong bao lì xì, chị nhân viên công chức của Cục dân chính còn tặng kẹo và nói “Chúc mừng anh chị trở thành vợ chồng” – chị Phương kể.
Sau đó hai vợ chồng dắt nhau đi trung tâm thương mại mua nhẫn cưới rồi liên hoan. Ảnh cưới cũng chỉ đơn giản là mượn máy ảnh và chân máy của bạn để tự chụp với nhau tại trường Hí kịch nơi hai anh chị học và làm việc. Chị Phương mặc áo dài Việt Nam còn anh mặc vest.
Thủ tục cưới xin dễ dàng và nhanh chóng khiến bạn bè người thân của anh chị ai cũng ngỡ ngàng. Đối với chị Phương, đó không chỉ là kỷ niệm đẹp mà còn như là sự sắp đặt của số phận, sự khởi đầu hanh thông và may mắn cho cuộc sống gia đình của anh chị sau này.
Gia đình nhỏ của chị Hà Phương. (Ảnh: NVCC) |
Cuối năm 2019 gia đình anh chị chuyển về Hà Nội sinh sống. Hiện chị đang là giảng viên tại Đại học Sân khấu và điện ảnh Hà Nội. Chồng chị là giảng viên thỉnh giảng tại một số trường Đại học và cao đẳng tại Hà Nội, chuyên ngành tiếng Trung. Gia đình anh chị có 1 bé gái xinh xắn là Lưu Phương Hoa, hiện bé đã 6 tuổi. Bé có thể nói được ba thứ tiếng Việt – Trung - Anh.
Hơn 4 năm ở Hà Nội, anh Lưu Vũ Thần nhanh chóng phải lòng thành phố này không chỉ bởi thời tiết, món ăn ngon mà còn bởi cảm nhận được tình yêu thương, sự quan tâm chăm sóc của gia đình chị cũng như bạn bè hàng xóm tại đây. Anh có thể ăn tất cả các đồ Việt. Nhiều bạn bè của anh khá bất ngờ vì điều này. Tuy nhiên anh chỉ mỉm cười đáp rằng: “Yêu vợ nên anh cũng yêu tất cả những món ăn tại quê hương của vợ”.
Đặc biệt, anh mê cà phê Việt đến mức trong nhà luôn có rất nhiều loại cà phê khác nhay và phòng làm việc lúc nào cũng thơm mùi cafe. Anh thích tự tay pha cà phê cho mình, cho bạn bè và thuộc tên nhiều hãng cà phê lớn của Việt Nam. Lần nào về Bắc Kinh anh cũng mang cả vali cafe về làm quà tặng bạn bè, người thân.
Trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, những khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, chị Phương và chồng luôn tâm niệm rằng hạnh phúc của anh chị là nhờ sự nỗ lực mỗi ngày, sự thấu hiểu, sẻ chia và hỗ trợ của gia đình hai bên. Chính vì thế, anh chị luôn cảm thấy hạnh phúc và biết ơn định mệnh đã sắp đặt để anh chị được gặp gỡ và ở bên nhau.