Chuyện chưa kể của nữ quân nhân mũ nồi xanh
Hậu phương đã thấu hiểu
Ngày trở về từ Nam Sudan, trong hành trang của Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga - Phó Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Phó Giám đốc Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 đầy ắp những bức tranh của các em bé người Nam Sudan. Những bức tranh ấy được vẽ từ những hộp màu, tờ giấy mà chị Nga mang từ Việt Nam sang. Các em vẽ lên ước mơ của mình - những ngôi nhà, trường học - dù ước mơ ấy quá xa vời. Thực tế đất nước nội chiến, trường học của các em bị tàn phá, không bàn ghế, không nước sạch...
Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga chia sẻ tại Đối thoại "Phụ nữ và ngoại giao - Vai trò của phụ nữ trong lãnh đạo và quản lý" do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) và Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) phối hợp tổ chức. Ảnh: UN Women |
"Hộp màu, giấy là những vật dụng hết sức bình thường, các con tôi hay bất kỳ đứa trẻ Việt Nam nào cũng có, nhưng với các em bé châu Phi lại là món quà vô giá", chị Nga nói.
Ngắm những bức tranh mẹ mang về, hai con trai của chị Nga hiểu công việc của mẹ hơn và biết trân trọng cuộc sống hạnh phúc mình đang có. Sự thay đổi ấy khiến chị Nga có thêm động lực để tiếp tục sứ mệnh mình đang thực hiện.
"Ngày tôi nhận nhiệm vụ, báo đài đưa tin, gia đình mới chính thức biết tôi làm gì bởi tôi biết có nói ra cũng sẽ bị phản đối. Trước đấy các con không muốn tôi đi, mẹ chồng và mẹ đẻ đều nói rằng tôi đi cả năm trời, con cái không ai dạy dỗ nhỡ các cháu hư thì sao?
Nhưng từ những gì tôi đem về, các con tôi ngoan hơn hẳn và tự hào về mẹ. Khi biết tháng 5 này tôi sẽ tiếp tục lên đường, các con tôi đã chuẩn bị những món quà để tôi luôn nhớ về các con cũng như để tôi tặng các bạn nhỏ châu Phi. Các con nói với tôi rằng, các con sẽ cố gắng ở nhà, lần này mẹ đi cứ yên tâm vì con đã trưởng thành hơn lần trước rất nhiều", chị Nga xúc động kể.
Chị Nga bị sinh non lúc chưa đầy 7 tháng do mẹ chị bị ngã, bởi vậy, sức khỏe của chị rất yếu. Bởi vậy mẹ chị - người vốn không nghĩ con gái có thể đi đâu mà không say tàu xe, máy bay - không thể hình dung được con gái mình sang Nam Sudan lái xe, ăn ở, làm mọi thứ một mình và giúp đỡ người dân nước ngoài.
Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga tặng hộp màu, giấy để các em nhỏ ở Nam Sudan vẽ ước mơ về tương lai của mình. Ảnh: Cục GGHBVN |
Thời điểm chị Nga nhận nhiệm vụ, chưa có nữ quân nhân nào tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc bên ngoài lãnh thổ đất nước. Trước chị là 19 nam quân nhân, các anh đều phản đối, hỏi chị tại sao lại nhận nhiệm vụ này? Các anh cho biết, Nam Sudan đang xảy ra nội chiến và dù là nhân viên Liên hợp quốc vẫn có thể phải đối mặt với nhiều nguy cơ như xung đột, bị bắt cóc, cưỡng bức.
"Nghe vậy tôi rất hoang mang nhưng tôi may mắn khi được công việc lựa chọn và sau này tôi thấy lựa chọn của mình hoàn toàn đúng. Nhờ công việc tôi mới có thể đến những nơi mà các nữ quân nhân chúng tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ được đặt chân đến. Nhờ công việc tôi có cơ hội nhìn thấy nhiều hoàn cảnh khác và thấy được giá trị cuộc sống hòa bình của chúng ta", chị Nga chia sẻ.
Cùng hoàn cảnh, Thiếu tá Nguyễn Mỹ Hạnh - Trợ lý Phòng Công tác địa bàn, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam kể, khi chị xin ý kiến gia đình để tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình, chồng chị đã hỏi: "Em có sẵn sàng đến một nơi không có gia đình bên cạnh, cuộc sống sẽ vô cùng khó khăn?". Lúc ấy chị Hạnh nói với chồng rằng, đối với một sĩ quan quân đội, chấp hành nhiệm vụ không chỉ là niềm tự hào mà còn là trách nhiệm.
"Có rất nhiều khó khăn mà trước khi nhận nhiệm vụ tôi chưa thấy hết nhưng tôi nghĩ mình đã làm được. Nam giới làm được thì chị em phụ nữ cũng làm được", chị Hạnh kể.
Khẳng định bản thân không bao giờ là muộn
Năm 2014, Việt Nam lần đầu tiên cử 2 nam sĩ quan tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Chị Đỗ Thị Hằng Nga khi ấy đang công tác tại Học viện Kỹ thuật quân sự với công việc chính là quản trị mạng. Tò mò tìm hiểu sau đó là yêu thích, chị Nga xin luân chuyển công việc. Trong gần 1 năm xin luân chuyển và không biết mình có được chọn về lực lượng gìn giữ hòa bình hay không, chị Nga đã âm thầm đi học tiếng Anh.
"Ở tuổi 36, tôi hoàn toàn quên hết vốn liếng tiếng Anh. Lúc ấy con tôi học thế nào thì tôi học lại cùng như thế. Cả ngày đi làm, lại bận rộn chăm con cái, tối về tôi học, nhiều đêm tôi ngồi đến 2 - 3 giờ sáng mà không hiểu mình lấy đâu ra động lực cũng không biết mình có được lựa chọn hay không vì khi ấy chỉ có các nam sĩ quan được cử đi. Đến cuối năm 2017, Bộ Quốc phòng có chủ trương cử nữ sĩ quan tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, tôi mạnh dạn xung phong và được lựa chọn", Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga nhớ lại.
Không được đào tạo chuyên ngành quan hệ quốc tế ở nước ngoài như nhiều bạn trẻ, bằng cấp lại không liên quan đến lĩnh vực này, chị Nga thấy mình may mắn đã đáp ứng được điều kiện của Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam.
"Có thể các thủ trưởng thấy tâm huyết tôi dành cho công việc lớn nên quyết định chọn tôi. Tôi đã được trao cơ hội và quyết tâm giành được cơ hội ấy. Nhiều người khuyên phụ nữ ở độ tuổi như tôi không nên thay đổi công việc nhưng với tôi đó là nhân duyên và càng dấn thân vào gìn giữ hòa bình tôi càng yêu công việc này", chị Nga chia sẻ và cho biết, chị tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình là để khẳng định bản thân và khẳng định với gia đình chị đã trưởng thành dù ở tuổi gần 40 chị mới khẳng định được.
Thiếu tá Nguyễn Mỹ Hạnh chia sẻ tại buổi đối thoại. Ảnh: UN Women |
Thiếu tá Nguyễn Mỹ Hạnh cũng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ gia nhập quân đội và làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình. Tốt nghiệp trường Đại học Ngoại ngữ khoa tiếng Anh, chị Hạnh đăng ký thi tuyển vào Học viện Hậu cần (Bộ Quốc phòng) và trở thành giáo viên. Năm 2018, lần đầu tiên Việt Nam cử nữ sĩ quan tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, chị Hạnh đã mơ ước mình có thể tham gia thực hiện nhiệm vụ này.
"Sau này tham gia quân đội và được lựa chọn đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình, tôi mong muốn sẽ có nhiều nữ sĩ quan khác cùng tham gia bởi ở các nước xảy ra xung đột, người chịu thiệt thòi nhất là phụ nữ và trẻ em. Họ dễ dàng chia sẻ với nữ quân nhân hơn nhiều", chị Hạnh bày tỏ.