“Chúng tôi cần nhiều nhà báo tử tế”
Cuộc phỏng vấn “tay tư” dưới đây của TGTT đặt ra nhiều dấu hỏi cần suy ngẫm cho người làm nghề…
Ảnh TL
Vai trò phản biện của báo chí
Anh đánh giá thế nào về vai trò phản biện của báo chí đối với các chính sách nhà nước trong việc bảo vệ giới doanh nghiệp tư nhân hiện nay?
Chuyên gia kinh tế, giảng viên đại học Fulbright Huỳnh Thế Du: Mặt tích cực, tiếng nói của báo chí về chính sách của nhà nước trong nhiều trường hợp đã giúp ích rất nhiều cho các doanh nghiệp tư nhân nói riêng, các hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung. Những phản ảnh về hành chính quan liêu, thủ tục rườm rà, các chính sách gây ra sự sách nhiễu là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên không ít trường hợp những phán xử chủ quan của một số bài báo về một số chính sách nào đó, nhất là những chính sách cho một vài hoặc một số doanh nghiệp nào đó thoạt nhìn một cách chủ quan có vẻ có vấn đề, cũng gây không ít tổn hại cho các doanh nghiệp. Nghiêm trọng hơn là những bài viết nhân danh phản biện chính sách nhưng lại là triệt hạ đối thủ cạnh tranh một cách không lành mạnh.
Chuyên gia tài chính – ngân hàng Lê Trọng Nhi: So với năm và mười năm trước thì số lượng bài phản biện về điều này đã tăng đáng kể, và là điều đáng mừng. Vì vậy, mong chiều hướng này sẽ được tiếp tục duy trì và mở rộng thêm. Tuy nhiên, tôi vẫn cảm nhận chưa có mối quan hệ tương tác mang tính “chuyên nghiệp và phải chăng” giữa giới nhà báo và giới doanh nghiệp tư nhân, để vai trò phản biện của báo chí và nội hàm của những bài báo phản biện tăng thêm những góc cạnh có thể tạo ra những hiệu ứng tích cực cho xã hội.
Chuyên gia kinh tế, giảng viên đại học Fulbright Huỳnh Thế Du
Về những nhà báo không trung thực
Trên các trang mạng xã hội đang có làn sóng mạnh mẽ tẩy chay những người làm báo thiếu đạo đức, anh nghĩ gì về điều này?
Huỳnh Thế Du: Thực lòng mà nói hiện tại không ít những người cầm bút vì những lợi ích cá nhân của mình gây tổn hại đến cái chung hay người khác. Các doanh nghiệp đang là người chịu thiệt thòi nhất. Khi doanh nghiệp gặp một vấn đề gì đó, những thông tin bất lợi thường là đa số thay vì những thông tin khách quan để doanh nghiệp có thể khắc phục được những vấn đề của mình, tiếp tục phát triển và mang lại giá trị cho xã hội. Do vậy, việc tẩy chay những người làm báo thiếu đạo đức là việc làm hết sức cần thiết không chỉ trên các trang mạng xã hội mà cần ở khắp mọi nơi.
Lê Trọng Nhi: Tôi nhớ đến câu chuyện xảy ra tại Mỹ cách đây bốn tháng, để có những cái nhìn đa chiều. Brian Williams, nhà báo kỳ cựu danh tiếng, sau mười năm là tổng biên tập và hướng dẫn chương trình thời sự hàng đêm, được đánh giá ở vị trí dẫn đầu của kênh truyền hình NBC tại Mỹ. Ông đã bị buộc thôi việc từ tháng 2.2015 vì vi phạm một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của nghề nghiệp: không đúng sự thật – bịa đặt. Một tháng trước đó, trong cuộc phỏng vấn, Brian Williams kể lại câu chuyện ông có mặt trên chiếc trực thăng bị bắn tại Iraq vào tháng 3.2003. Sự thật là một chiếc trực thăng khác và điều này được các quân nhân trên chiếc trực thăng bị bắn xác nhận. Chỉ có vậy thôi.
Một điều khoản trong hợp đồng làm việc mà kênh NBC đã đưa làm cơ sở để ngưng chức vụ và vai trò của Brain Williams, đó là: những vấn đề đạo đức nghề nghiệp. Người hướng dẫn chương trình thời sự hàng đêm trên các kênh truyền hình toàn quốc có một vai trò và vị thế khá quan trọng tại xã hội Mỹ. Vì vậy, vấn đề trung thực về nội dung và đàng hoàng trong nhân cách là một trong những tiêu chí hàng đầu. Trong 22 năm có mười năm là nhân vật trụ cột của chương trình và giờ quan trọng của kênh NBC, không như hai người tiền nhiệm John Chancellor và Tom Brokaw về hưu với sự quý mến, giờ đây cho dù đã thú nhận và nhiều lời xin lỗi trên công luận nhưng Brian Williams phải rời vị trí của mình và đã nói: thời gian bị kỷ luật là sự tra tấn nhưng tuyệt đối cần thiết.
Để bảo vệ vị thế và uy tín người cung cấp thông tin truyền thông cho đại chúng của mình, kênh NBC biết và hiểu rất rõ rằng xã hội và công luận sẽ không chấp nhận sự bịa đặt này, cho nên sự ra đi của Brain Williams là điều tuyệt đối cần thiết như chính Brain Williams đã nói.
Chuyên gia tài chính – ngân hàng Lê Trọng Nhi
Đó là một góc cạnh tác nghiệp của một nhà báo không trung thực (cho dù chỉ một lần và tưởng như vô thưởng vô phạt). Quả thật không thể so sánh, so đo tình cảnh báo chí và truyền thông của Việt Nam với Mỹ nhưng thiết nghĩ đâu đó, nếu không thể có một mẫu số chung lớn nhất, thì phải có một mẫu số chung nhỏ nhất về đạo đức.
Trong cơn lốc thông tin của mạng truyền thông
Khi Facebook và công nghệ thông tin đang làm thay đổi dữ dội cách làm báo, cách thông tin, hàng loạt vấn nạn đang đặt ra với doanh nghiệp trong việc bảo vệ thương hiệu… Anh nghĩ gì về sự sống còn của thương hiệu trong cơn lốc thông tin thật giả, vàng thau lẫn lộn này?
Ông Nguyễn Trung Thẳng, Chủ tịch Tập đoàn Masso: Với mạng xã hội (MXH) thì mỗi người chơi đều có thể trở thành một nhà báo, một kênh truyền thông. Tuy nhiên điểm khác biệt của kênh truyền thông này là không phải thông qua kiểm duyệt của tổng biên tập! Và ai cũng có thể nêu lên quan điểm riêng. Hiển nhiên trong bối cảnh đó thì việc cạnh tranh không lành mạnh, nói xấu hay dựng chuyện không hay về đối thủ cạnh tranh, sau đó có thể mua post quảng bá lan toả các tin xấu… là một thách thức lớn cho các thương hiệu! Vì vậy chỉ còn cách duy nhất là phải sống chung với lũ! Thay vì thụ động trên MXH, hãy chủ động sử dụng các công cụ giám sát (như social heat) và dẫn dắt dư luận. Chủ động bảo vệ thương hiệu trên MXH và môi trường số.
Ông Nguyễn Trung Thẳng, Chủ tịch Tập đoàn Masso
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn: Các trang MXH là một loại hoạt động báo chí xã hội hoá, giúp thêm nguồn thông tin, nhưng cũng có những mặt còn giới hạn. Thông tin trên các trang mạng xã hội chỉ mang tính tham khảo ban đầu. Trước khi có sự khẳng định về một thông tin quan trọng như tư cách thiếu đạo đức một con người hoặc quyết định về một sự việc, vẫn cần có sự cẩn trọng để không nóng vội đưa ra kết luận sai lầm hoặc hùa theo dư luận, gây ảnh hưởng đến uy tín của người khác, và của cả chính mình. Do đó, vai trò của báo chí chính thống (main stream) vẫn rất quan trọng, vì trong những người tham gia MXH, không phải ai cũng có cách hành xử chuyên nghiệp và đúng mực.
Lê Trọng Nhi: Đó là một thực tế mà cả nhà báo và doanh nghiệp cần nhanh chóng chấp nhận và mức độ, cường độ, mật độ của nó sẽ càng ngày càng rộng và cao hơn. Những câu chuyện như “Con ruồi và thương hiệu THP”; “Con số tài chính, Đàn bò, Cây cao su, Cây mía… và thương hiệu HAGL”; “Những cuốn sách đổi đời và thương hiệu Trung Nguyên”… là những tình huống thực tế sống động không thể xem thường.
Đang có một vấn nạn đặt ra với doanh nghiệp, đó là kiểu làm báo“đánh rồi thương lượng”, anh nghĩ gì với tư cách là một doanh nghiệp?
Nguyễn Trung Thẳng: Đó là việc làm thiếu đạo đức, giống như vừa ăn cướp vừa la làng… cần phải xử theo luật
Ngô Viết Nam Sơn: Tôi cho rằng nếu doanh nghiệp thực sự làm sai thì báo chí có tác dụng thông tin cảnh báo cho người dân. Ngược lại, các thông tin báo chí do sai lầm hoặc thiếu kiểm chứng, mà gây tác hại đến doanh nghiệp hoặc gây tác hại đến người tiêu dùng, thì cơ quan báo chí có trách nhiệm liên đới bồi thường các thiệt hại. Luật pháp quy định rõ điều này.
Lê Trọng Nhi: Chỉ có người am hiểu và trong nghề thì mới có thể thấy được những thông tin vàng thau lẫn lộn. Nếu làm kiểu “đánh rồi thương lượng” thì phải chính giới báo chí phê phán và lên án họ.
Có những công ty phải lập ra cả một bộ phận PR nhưng không phải để xử lý khủng hoảng, mà chỉ chuyên đi… gỡ bài! Anh nghĩ sao?
Nguyễn Trung Thẳng: Là giải pháp ngắn hạn, nhưng đôi khi doanh nghiệp cũng cần những dịch vụ này để tránh sức lan toả trong lúc khủng hoảng!
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn
Ngô Viết Nam Sơn: Chừng nào tình trạng này còn xảy ra, có nghĩa là còn sự tồn tại của những doanh nghiệp làm ăn bất chính, của những nhà báo sẵn sàng bẻ cong ngòi bút vì lợi nhuận, và của những nhà quản lý không thực sự phục vụ nhân dân.
Lê Trọng Nhi: Vâng, tôi đã từng biết công ty có bộ phận PR này. Hẳn nhiên cách đó không thể là giải pháp mà sẽ còn tạo ra những vấn đề và tình huống rắc rối khác. Thiết nghĩ, bộ phận chuyên trách giải pháp gỡ bài chỉ có thể có và xảy ra trong những thể chế và cơ chế báo chí chưa được phép rộng đường và hiện nay là thế.
Quan hệ không trong sáng giữa báo chí và doanh nghiệp
Anh có đau lòng khi nhìn vào mối quan hệ… không mấy trong sáng giữa báo chí và doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay?
Huỳnh Thế Du: Tôi có thể cảm nhận được nỗi đau của những người làm báo chân chính. Nhiều khi tôi cảm thấy sự trăn trở pha lẫn sự bất lực của những người mà mình đã gặp dù chỉ một lần. Tuy nhiên, điều tôi cảm thấy lạc quan và vẫn có niềm tin với báo chí là hiện đội ngũ những người làm báo chân chính vẫn đông đảo. Từ những người đã gần bách niên giai lão đến những bạn trẻ vừa mới dấn thân vào nghề với những cái tâm rất sáng và nhiệt huyết rất cao. Những điều mà họ hướng đến là mang lại giá trị cho xã hội và là niềm vui của họ.
Đối với các doanh nhân chân chính, tôi thực sự muốn chia sẻ với những khó khăn mà họ phải đối mặt trong bối cảnh hiện nay. Tôi nghĩ rằng, mong mỏi của các doanh nhân chân chính là muốn có nhiều nhà báo và tờ báo chân chính.
Nguyễn Trung Thẳng: Đó là vấn nạn chung của xã hội, không chỉ riêng ngành báo chí! Lợi ích nhóm không chừa một ai, ngay cả những tên tuổi ở các tập đoàn đa quốc gia! Đau lòng thì giúp được gì… thay vào đó, hãy hành động nếu có thể, theo sức của mình!
Lê Trọng Nhi: Theo lẽ thường, mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp là mối quan hệ tương tác hai chiều và bình đẳng. Ngược lại, nếu có một mối quan hệ được cho là không mấy trong sáng thì đó là mối quan hệ tương tác một chiều và không bình đẳng. Như vậy, trong những mối quan hệ không mấy trong sáng hiện nay là hệ quả của những sự/cái bất bình đẳng đầy rẫy trong xã hội.
Khi báo giới và nhà báo đánh mất cái mẫu số chung nhỏ nhất về đạo đức nghề nghiệp, thì ranh giới bình đẳng cũng bị xoá nhoà hoặc vứt bỏ. Quyền bất bình đẳng sẽ được báo giới và nhà báo đó sử dụng. Đó là điều nhức nhối.
Anh thấy gì đằng sau tất cả những bức xúc, đổ vỡ đó? Nỗi lòng nhà báo và nỗi lòng doanh nhân có mấy ai tỏ tường?
Huỳnh Thế Du: Một nhân tố hết sức quan trọng gây ra vấn đề này là vai trò đúng nghĩa của báo chí vẫn đang bị giới hạn và còn quá nhiều điều cấm kỵ.
Lê Trọng Nhi: Bức xúc thì đầy ắp khắp ngóc ngách trong xã hội hiện nay. Nếu cho rằng, sự đổ vỡ nào đó cũng có mối quan hệ hoặc gắn kết với sự bức xúc nào đó, thì xã hội hiện nay đang mang trên vai hoặc đội trên đầu những cái túi rất lớn chứa đầy tiềm năng đổ vỡ.
Tôi có và biết những người bạn trong lĩnh vực báo chí mà tôi thật sự kính mến và hẳn nhiên tôi cũng có và biết những bạn là doanh nhân tài và giỏi trong lĩnh vực của họ. Loay hoay trong một xã hội và nền kinh tế còn quá nhiều rối rắm và bất bình đẳng, để thấm thía được những cái “nỗi lòng nào có ai hay?” thì không ai khác chỉ có chính họ là những người còn cố sức bám víu với những nguyên tắc đạo đức kinh doanh và đạo đức nghề nghiệp – ngay cả với mức tối thiểu.
Loay hoay trong một xã hội và nền kinh tế còn quá nhiều rối rắm và bất bình đẳng, để thấm thía được những cái “nỗi lòng nào có ai hay?” thì không ai khác chỉ có chính họ [những nhà báo tử tế và những doanh nhân tài giỏi] là những người còn cố sức bám víu với những nguyên tắc đạo đức kinh doanh và đạo đức nghề nghiệp – ngay cả với mức tối thiểu.
Kim Yến - TGTT (thực hiện)