Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp một số lãnh đạo Bộ, ngành Nhà nước Lào
Tại buổi tiếp Bộ trưởng Bộ Tài chính Lào Bounchom Ubonpaseuth, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao Lào đã minh bạch về thu chi tài chính, nợ công, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm của Việt Nam và nhấn mạnh, bài học kinh nghiệm là phải hiện đại hóa ngành thuế, hải quan, tăng cường công khai, minh bạch, chuyển sang hóa đơn điện tử để vừa bảo vệ cán bộ lại vừa đảm bảo được nguồn thu.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp ông Bounchom Ubonpaseuth, Bộ trưởng Bộ Tài chính Lào. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN. |
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục và thúc đẩy nền kinh tế phát triển, ngành tài chính Lào cần quan tâm hơn nữa đến người dân, doanh nghiệp và chủ động đề xuất những chính sách phù hợp.
Chủ tịch Quốc hội cho biết Quốc hội Việt Nam và cá nhân Chủ tịch Quốc hội luôn ủng hộ, tạo điều kiện để ngành tài chính hai nước tăng cường giao lưu, hỗ trợ lẫn nhau. Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm giám sát tài chính. Cùng với đó Quốc hội Việt Nam chia sẻ cơ chế phối hợp giữa Quốc hội và Chính phủ trong lĩnh vực này.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Lào Bounchom Ubonpaseuth cho biết thời gian tới đây, Bộ Tài chính Lào đề xuất sẽ sang thăm Việt Nam và trao đổi thúc đẩy hợp tác của hai Bộ Tài chính trong 5 năm tới, đồng thời học tập kinh nghiệm của Bộ Tài chính Việt Nam trong việc cải cách doanh nghiệp và xử lý nợ công.
Riêng trong năm 2022, Năm Đoàn kết Hữu nghị chào mừng 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 45 năm ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa hai nước, hai bên sẽ có nhiều hoạt động phong phú hơn nữa.
Trước đó, chiều cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp Chủ tịch Kiểm toán Nhà nước Lào Malaythong Kommasith.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp ông Malaythong Kommasith, Tổng kiểm toán Nhà nước Lào. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Tại buổi tiếp, ông Malaythong Kommasith thông báo vào tháng 7/2021, Chủ tịch Kiểm toán Nhà nước Lào đã có cuộc làm việc trực tuyến với Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam để rà soát, đánh giá lại hợp tác giữa hai cơ quan thời gian qua, qua đó hai bên thống nhất thời gian tới sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác đào tạo cán bộ kiểm toán viên, hợp tác nâng cao chất lượng kiểm toán và sau kiểm toán.
Thời gian tới hai bên sẽ tiến hành xây dựng Thỏa thuận hợp tác, thúc đẩy trao đổi đoàn, tổ chức tập huấn, trao đổi kinh nghiệm về hiện đại hóa công tác kiểm toán.
Nhân dịp Năm Đoàn kết Hữu nghị 2022, hai cơ quan Kiểm toán Nhà nước cũng dự kiến tổ chức nhiều hoạt động, trong đó Đoàn Kiểm toán Nhà nước Lào sẽ sang Việt Nam trao đổi chuyên đề và khẳng định hai bên sẽ phối hợp tiếp tục triển khai các sáng kiến mà đồng chí Vương Đình Huệ đã đặt ra trước đây.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị trong thời gian tới, hai cơ quan Kiểm toán Nhà nước Việt Nam và Lào tăng cường hơn nữa hơn các nội dung hợp tác và hình thức hợp tác toàn diện nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế, tổ chức bộ máy và chuyên môn nghiệp vụ tại mỗi cơ quan, để trở thành cơ quan kiểu mẫu tại INTOSAI, ASOSAI, ASEANSAI.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chuyển lời mời của Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Trần Sỹ Thanh mời ông Malaythong Kommasith sang thăm Việt Nam để hai bên có thể tiến hành giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và sẵn sàng ủng hộ các đề xuất của hai bên để củng cố hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai cơ quan kiểm toán hai nước.
Cũng trong chiều 16/5, tại thủ đô Vientiane, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane đã đồng chủ trì Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về cơ chế, chính sách để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch COVID-19.
Tham dự có Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Sommad Pholsena và Phó Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh đây là hội thảo đầu tiên trong khuôn khổ Thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội vừa được ký kết vào sáng 16/5. Quốc hội Việt Nam đã chuẩn bị 9 bài tham luận và lựa chọn 2 bài trình bày tại hội thảo. Đây là những nội dung quan trọng, thiết thực, đóng góp lớn đối với tiến trình phục hồi và phát triển nền kinh tế của Việt Nam.
Trong hơn 3 giờ đồng hồ, trong không khí tin cậy, chân thành và cởi mở, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về nhiều nội dung như kế hoạch phục hồi kinh tế-xã hội của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào sau tác động của đại dịch COVID-19; chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam: thực tiễn xây dựng chính sách và bài học kinh nghiệm; kế hoạch phục hồi kinh tế-xã hội của Lào sau tác động của đại dịch; tác động của dịch COVID-19 đối với lĩnh vực xã hội ở Việt Nam và một số gợi ý về chính sách về bảo đảm an sinh xã hội…