Định vị mới về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc
- Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Vương Đình Huệ thăm chính thức Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa của chuyến thăm đối với quan hệ hai nước?
Chuyến thăm này là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Trung Quốc trên cương vị Chủ tịch Quốc hội. Trung Quốc rất coi trọng và nồng nhiệt chào đón chuyến thăm. Chuyến thăm là sự tương tác quan trọng giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng và hai nước nhằm duy trì, tăng cường trao đổi chiến lược, với nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là đẩy nhanh việc thực hiện hàng loạt nhận thức chung quan trọng đã đạt được giữa lãnh đạo cao nhất của hai Đảng.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam Hùng Ba trả lời phỏng vấn báo chí. Ảnh: Đinh Hoà |
Đặc biệt là những nhận thức chung quan trọng đạt được trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm ngoái. Trong chuyến thăm này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đạt được hàng loạt nhận thức chung quan trọng mới, trong đó quan trọng nhất là duy trì trao đổi cấp cao giữa hai Đảng. Chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng chính là một trong những hoạt động cụ thể nhằm duy trì trao đổi cấp cao.
Đồng thời, đây cũng là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của một lãnh đạo cấp cao Việt Nam sau khi hai bên tuyên bố xây dựng "Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc" có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại.
Bên cạnh đó, đây cũng là cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh đạo cao nhất của các cơ quan lập pháp của hai nước sau khi hai bên tuyên bố xây dựng "Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc”. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác trên mọi lĩnh vực giữa hai nước và tăng cường trao đổi kinh nghiệm xây dựng Đảng và quản lý đất nước, thúc đẩy hợp tác then chốt trên nhiều lĩnh vực, làm sâu sắc thêm quan hệ giữa các cơ quan lập pháp của hai nước.
Trong chuyến thăm này, hai bên sẽ ký thỏa thuận hợp tác mới giữa các cơ quan lập pháp của hai nước và thiết lập cơ chế đối thoại cấp cao mới giữa các cơ quan lập pháp.
- Trong cuộc gặp với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mới đây, Đại sứ khẳng định lãnh đạo cấp cao nhất hai Đảng cùng tuyên bố xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc”, xác định định vị mới của quan hệ hai Đảng, hai nước trong thời đại mới, có ý nghĩa dấu mốc quan trọng. Đại sứ phân tích rõ hơn “định vị mới” và “ý nghĩa dấu mốc” đó là gì?
Tôi muốn nhấn mạnh định vị mới và dấu mốc lịch sử quan trọng này là đồng thuận giữa hai bên chúng ta. Xây dựng "Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc" có ý nghĩa chiến lược, có thể nói là một bước làm sâu sắc hơn nữa, phong phú hơn nữa, cũng như nâng tầm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc và tình hữu nghị truyền thống Việt Nam - Trung Quốc. Tức là "mối tình thắm thiết Việt - Trung vừa là đồng chí, vừa là anh em" với nội hàm thời đại mới, thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước Việt Nam - Trung Quốc lên tầm cao mới. Điều này cũng chứng tỏ rằng sự tin cậy chính trị giữa hai Đảng chúng ta đã đạt lên tầm cao hơn nữa, trở thành dấu mốc trong lịch sử phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước Việt Nam - Trung Quốc.
Tôi cho rằng nội hàm chính là Trung Quốc và Việt Nam là đồng chí tốt, đối tác tốt cùng chung chí hướng, cùng dốc sức vì nhân dân hạnh phúc, đất nước giàu mạnh, vì sự nghiệp cao cả hòa bình và phát triển của nhân loại. Định vị mới này xác định: Việt Nam và Trung Quốc cùng có quan điểm và tôn chỉ lấy người dân làm trung tâm. Nguyên tắc của hai Đảng là mưu cầu tiến bộ của nhân loại, đại đồng cho thế giới, thể hiện quan hệ hai nước mang ý nghĩa thế giới, vượt qua phạm vi song phương.
- Hợp tác thương mại, đầu tư luôn là động lực quan trọng để thúc đẩy quan hệ hai nước. Đại sứ có đánh giá thế nào về thành quả, tiến triển của sự hợp tác thiết thực giữa hai nước?
Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước luôn duy trì đà phát triển mạnh mẽ. Trước những biến động và thách thức phức tạp của thế giới, việc duy trì được đà phát triển này là không đơn giản.
Trong năm qua, trong bối cảnh môi trường bên ngoài phức tạp, phát triển kinh tế của Trung Quốc và Việt Nam gặp nhiều thách thức nhưng vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng trên 5%, đây là thành tích rất đáng ghi nhận. Trong khi đó, thương mại song phương không bị sụt giảm quá mức. Theo thống kê của Trung Quốc, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 229,8 tỷ USD, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tăng 4,8%.
Tôi muốn nhấn mạnh là mặc dù xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc, đặc biệt là rau quả chiếm tỷ trọng không lớn nhưng rất quan trọng trong thương mại song phương, và được các nhà lãnh đạo Việt Nam rất coi trọng. Trung Quốc cũng rất coi trọng việc tăng cường nhập khẩu nông sản từ Việt Nam. Trong năm qua, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc tăng 139,5%, chiếm 65% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu sầu riêng đạt gần 500.000 tấn, với tổng giá trị 2,1 tỷ USD. Chúng tôi tin tưởng xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì đà phát triển mạnh mẽ này trong năm nay. Tình hình xuất khẩu trong quý 1 năm nay rất thuận lợi.
Đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam cũng duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh. Năm 2023, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đạt 4,47 tỷ USD, tăng 77,6% so với cùng kỳ năm trước, đứng thứ 4 về thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam.
Trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh, Trung Quốc kiên định ủng hộ Việt Nam đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sẵn sàng tham gia tích cực vào quá trình chuyển đổi và nâng cấp nền kinh tế của Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng. Lãnh đạo của rất nhiều công ty năng lượng và sản xuất điện lớn của Trung Quốc đã sang Việt Nam khảo sát thị trường.
Việc đẩy nhanh chuyển đổi và nâng cấp năng lượng có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Các doanh nghiệp Trung Quốc có thể hỗ trợ mạnh mẽ cho Việt Nam trong các lĩnh vực tư vấn chính sách, dịch vụ kỹ thuật chuyển đổi năng lượng và phát triển điện năng cũng như việc phát triển năng lượng gió, năng lượng mặt trời, lưu trữ năng lượng, năng lượng hydro và các nguồn năng lượng mới khác.
- Trân trọng cảm ơn Đại sứ!