Chủ tịch nước: Xử lý nghiêm, đủ sức răn đe đối tượng bạo hành trẻ em
Ngày 1/12, tại thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh thuộc đơn vị bầu cử số 1 đã tiếp xúc cử tri các quận 1, quận 3 và quận 4 báo cáo kết quả kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh đơn vị bầu cử số 1 tiếp xúc cử tri.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri đánh giá cao thành công của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội tiếp tục có nhiều cải tiến, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động; các ý kiến, kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của người dân đã được truyền tải đầy đủ, trách nhiệm trên nghị trường Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội thể hiện sự tâm huyết, tinh thần làm việc nghiêm túc, thẳng thắn, không ngại va chạm, tranh luận làm rõ và đi đến cùng vấn đề đặt ra.
Cử tri bày tỏ ấn tượng với các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, cho rằng, các phiên họp này diễn ra trong không khí thẳng thắn, sôi nổi, xây dựng. Cử tri cũng đánh giá cao tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong thời gian qua, đặc biệt nước ta tổ chức thành công Tuần lễ Cấp cao APEC trong điều kiện tình hình trong nước, khu vực và quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, góp phần nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Cử tri phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc.
Về công tác phòng chống tham nhũng, ghi nhận và biểu dương những kết quả tích cực đã đạt được, tuy nhiên cử tri bày tỏ mong muốn công tác phòng chống tham nhũng cần phải được triển khai liên tục, quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữa. Cùng với đó, nhiều vấn đề nóng trong xã hội cũng được cử tri nêu ý kiến như: tinh giản bộ máy biên chế; xử lý nghiêm tình trạng ngược đãi trẻ em xảy ra tại một số cơ sở mầm non gần đây; ứng phó với biển đổi khí hậu; vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm; việc ban hành văn bản liên quan đến việc cấp sổ đỏ của Bộ Tài nguyên và Môi trường…
Cử tri Mai Thị Ngọc Thúy (quận 4) bày tỏ bức xúc trước việc bạo hành trẻ em tại các cơ sở giáo dục tư thục trong thời gian qua. Gần đây nhất là vụ bạo hành trẻ em tại trường Mầm Xanh ở quận 12. Khi sự việc được đưa ra ánh sáng, giáo viên đánh trẻ bị đình chỉ hoặc buộc thôi việc, cơ sở trông giữ trẻ vi phạm bị giải thể. Theo cử tri, giải quyết vụ việc như vậy chỉ giải quyết được phần ngọn và lo rằng, đây sẽ không phải là vụ việc cuối cùng, vì khi thiếu sự giám sát của cơ quan chức năng hay tại góc khuất camera, những mầm non vô tội vẫn đang chịu sự tra tấn của các bảo mẫu này.
Cử tri Mai Thị Ngọc Thúy cho rằng: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự việc đau lòng này, trong đó chủ yếu là sự yếu kém trong quản lý, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng khi để các cơ sở giữ trẻ như thế này được thành lập một cách dễ dàng, để những người không có nghiệp vụ sư phạm, đạo đức nghề nghiệp làm bảo mẫu, giáo viên”.
Cử tri Thúy đề nghị cần thắt chặt quản lý hơn nữa đối với các cơ sở hành nghề trông giữ trẻ bằng cách tăng cường thanh, kiểm tra hậu cấp phép, đặc biệt cần thêm điều kiện cấp phép là phải có hệ thống camera giám sát, kết nối với các phương tiện liên lạc của phụ huynh khi được yêu cầu. Bên cạnh đó, cần tăng nặng hình phạt đối với các “ác mẫu”, thậm chí phải truy cứu trách nhiệm hình sự, buộc họ phải trả giá thích đáng cho hành vi mà họ đã gây ra.
Cử tri Hồ Văn Chính (quận 3) đánh giá cao quyết tâm phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước, thể hiện qua việc xét xử các đại án kinh tế, tham nhũng; kết luận và xử lý kỷ luật các cán bộ lãnh đạo chủ chốt vi phạm thời gian gần đây. Qua đó tạo thêm niềm tin và được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, cử tri vẫn còn băn khoăn, nhất là việc xử lý đối tượng tham nhũng còn chưa đủ sức răn đe; cần có biện pháp cứng rắn hơn, nhất là thu hồi tài sản do tham nhũng mà có để đầu tư bổ sung cho các vùng khó khăn, an sinh xã hội…
Đồng tình với quan điểm này, cử tri Hồ Thị Bích, cho rằng, trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nhiều vụ án chưa hoặc không có kết quả công khai và hình phạt hay xử lý đối với những người vi phạm là tương đối nhẹ chưa phù hợp, gây hoang mang bức xúc trong dân.
Cử tri Hồ Thị Bích trăn trở: “Vậy nói không có vùng cấm trong phòng, chống tham nhũng, vậy có vùng nể, vùng tránh không?. Theo tôi việc thu hồi tài sản do tham nhũng mà có đang là khâu yếu, do vậy, Quốc hội phải sớm sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng, có cơ sở để xử lý đối tượng tham nhũng, thậm chí phải có những biện pháp mạnh hơn trong việc thu hồi tài sản tham nhũng”.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang chia sẻ với các ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Chia sẻ với đánh giá của cử tri về kết quả Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch nước nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 4 đã thành công tốt đẹp cùng với nhiều đổi mới. Về thành công của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, Chủ tịch nước cho biết, đây là thành tích đối ngoại nổi bật của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong năm nay, góp phần nâng cao vai trò của APEC là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực; là mốc son mới trong tiến trình hội nhập quốc tế, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Việt Nam đối với châu Á - Thái Bình Dương. Các sự kiện, hoạt động của Năm APEC 2017 và Tuần lễ Cấp cao được tổ chức chuyên nghiệp, công phu trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả, huy động tối đa nguồn lực xã hội; an ninh, trật tự được bảo đảm tuyệt đối.
Chủ tịch nước cho biết, Năm APEC 2017 với nhiều dấu ấn mang tính lịch sử đã góp phần nâng cao vị thế của đất nước, khẳng định năng lực chủ động đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương, góp phần hiện thực hóa mục tiêu chung của APEC về xây dựng châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng.
Về vấn đề tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, Chủ tịch nước cho biết vừa qua, Trung ương vừa ban hành Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tiếp đó, Quốc hội ra nghị quyết giám sát thi hành chuyên đề này và đi cùng với đó Chính phủ ban hành chương trình hành động gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Chủ tịch nước tin tưởng các vấn đề cử tri quan tâm sẽ được giải quyết trong thời gian tới.
Chủ tịch nước cũng nêu rõ: “Đây là vấn đề khó, không thể nôn nóng. Tổng Bí thư đã nhắc rất nhiều lần đây là vấn đề phải làm một cách khoa học, bài bản, dân chủ, kỹ lưỡng, thận trọng… Trên tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết Trung ương 6, tinh thần Nghị quyết của Quốc hội, tôi tin rằng những ý kiến tâm huyết của cử tri phát biểu hôm nay sẽ được giải quyết, đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra”.
Chủ tịch nước cũng chia sẻ với cử tri về vấn đề bạo hành trẻ em liên tục xảy ra gần đây gây bức xúc trong dư luận. Chủ tịch nước cho rằng đây là vấn đề mà toàn xã hội cần phải quan tâm. Chủ tịch nước nêu rõ, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước. Đây là vấn đề có tính chiến lược, lâu dài, góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai của đất nước; là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường và toàn xã hội.
Chủ tịch nước cho biết đã yêu cầu các cơ quan chức năng phải vào cuộc tích cực. Trước mắt, tập trung điều tra, xử lý nghiêm minh, đủ sức răn đe những đối tượng có hành vi bạo hành, xâm hại đến trẻ em.
“Trước tình hình xảy ra trong thời gian qua, tôi đã có chỉ đạo các ban ngành chức năng. Lãnh đạo của Chính phủ, các bộ, ngành chức năng, thành phố đã vào cuộc. Các cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án để đưa ra truy tố, xét xử những người có hành vi bạo hành với trẻ em. Nhưng chúng ta cần phải làm tiếp nữa, làm mạnh mẽ hơn nữa bởi đây là vấn đề chiến lược, vấn đề lâu dài và phải làm thường xuyên. Muốn làm tốt việc, văn bản chỉ đạo của Đảng, Nghị quyết đã có rồi, Luật Trẻ em vừa được Quốc hội ban hành, đã có hiệu lực. Đây là những chủ trương, chính sách pháp luật quan trọng, cơ sở để chúng ta triển khai thực hiện một cách hiệu quả”.
Chủ tịch nước đề nghị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và vận động để mọi người dân và toàn xã hội thấy được tính cấp bách và tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; có thái độ phê phán, lên án mạnh mẽ các hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại, bạo lực, lôi kéo trẻ em vào hoạt động tội phạm và cản trở việc thực hiện các quyền của trẻ em.
Trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, Chủ tịch nước cho biết, thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và sự nỗ lực phối hợp tốt của các cơ quan chức năng trong phòng, chống tham nhũng, nhất là việc kiên quyết điều tra, xử lý nghiêm các vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên tình hình tham nhũng ở nước ta vẫn còn diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực; số tài sản của Nhà nước, của tập thể bị tham nhũng, thất thoát ngày càng lớn, có vụ hàng nghìn tỷ đồng, gây bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của Đảng, Nhà nước và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Chủ tịch nước cho rằng, để công tác phòng chống tham nhũng đạt hiệu quả như mong muốn cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành. Đồng thời phải làm rất kiên quyết, không loại trừ bất cứ ai nếu có hành vi tham nhũng. Chủ tịch nước nhấn mạnh, một trong những ưu tiên trong công tác này là phải thu hồi được tài sản mà các đối tượng tham nhũng chiếm đoạt.
“Chúng ta phải có nhiều giải pháp để kiểm soát, phát hiện, kê biên kịp thời những tài sản có liên quan đến hoạt động tham nhũng, để có thể thu hồi được tài sản sau khi xét xử”.
Thay mặt đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang trân trọng cảm ơn và ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của cử tri bởi đây là những vấn đề thiết thực, liên quan đến tình hình chung của đất nước. Chủ tịch nước cho biết, về các kiến nghị của cử tri, đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận và chuyển cơ quan chức năng xem xét giải quyết theo thẩm quyền.
Theo VOV