Chủ quyền biển đảo Việt Nam khắc trên Cửu đỉnh Huế
Chủ quyền biển đảo Việt Nam được khẳng định trên Cửu đỉnh Huế
Cửu đỉnh Huế không chỉ là báu vật quốc gia thể hiện cho quyền uy và sức mạnh của vương triều nhà Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam, mà còn được đánh giá là một bộ dư địa chí, một bộ bách khoa thư độc đáo về Việt Nam hồi đầu thế kỉ 19.
Đặc biệt, trên Cửu đỉnh nhiều địa danh sông núi, biển đảo... của đất nước được thể hiện rất rõ ràng, minh xác. Những hình ảnh trên Cửu đỉnh không những khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam mà còn cho đời sau thấy được rằng, các vị vua triều Nguyễn đều một lòng ra sức bảo vệ và gìn giữ chủ quyền biển đảo của đất nước.
Cửu Đỉnh (9 đỉnh) đặt tại sân Thế Miếu trong Hoàng Thành. |
Trên Cửu đỉnh có khắc nhiều hình ảnh mô tả hoạt động bảo vệ, giữ gìn biển đảo Tổ quốc dưới triều Nguyễn. |
Cửu đỉnh gồm 9 cái đỉnh đồng đồ sộ ở Đại Nội Huế - là báu vật bằng đồng vô giá của nước ta. Nhà nghiên cứu Ngô Minh cho rằng, Cửu đỉnh được coi là một bộ “Đại nam nhất thống chí” bằng hình ảnh vô cùng độc đáo và hoành tráng, được đú khắc bằng nghệ thuật đúc đồng điêu luyện của người thợ Việt Nam. Đây là một tượng đài văn hóa Việt trường tồn vĩnh viễn.
Theo sách “Đất nước Việt Nam qua Cửu đỉnh Huế” của nhà văn Dương Phước Thu, cửu đỉnh là: Cao đỉnh, Nhân đỉnh, Chương đỉnh, Anh đỉnh, Nghị đỉnh, Thuần đỉnh, Tuyên đỉnh, Dụ đỉnh, Huyền đỉnh. Mỗi đỉnh có khắc 17 cảnh sông, núi, mây, gió, hoa cỏ, cây trái… đặc trưng từng tỉnh ở 3 miền Việt Nam. Tổng cộng có 153 hình ảnh.
Đặc biệt, trong 9 đỉnh và 153 hình ảnh có 3 đỉnh vua Minh Mạng cho khắc hình tượng về biển để thể hiện bao quát về biển đảo Đại Việt. Ông đã cho khắc 3 vùng biển của Tổ quốc ta lên 3 đỉnh: Biển Đông ở Cao đỉnh; biển Nam ở Nhân đỉnh và biển Tây ở Chương đỉnh. Đây là 3 đỉnh cao nhất và quan trọng nhất.
Cao đỉnh là đỉnh lớn nhất trong cửu đỉnh, nặng 2,604 tấn, chiều cao (cả chân) là 2,49m, đường kính thân 1,61m. Đỉnh đặt ở chính giữa, đứng riêng, tượng trưng cho sự vĩ đại.
Cao đỉnh là đỉnh lớn nhất trong cửu đỉnh. Cao đỉnh tượng trưng cho vua Gia Long - vị vua sáng lập triều Nguyễn |
Trên Cao đỉnh có 17 hình tượng biểu trưng nhất của Đại Nam như: Đông Hải (Biển Đông, thể hiện chủ quyền biển); Mặt trời, Đại pháo, côn Hổ, con Rồng, cây gỗ Lim… Núi có Thiên Tôn Sơn tức núi Triệu Tường ở Thanh Hóa, có Gia Miêu ngoại trang, nơi phát tích Vương triều Nguyễn; Kênh đào Vĩnh Tế, sông Bến Nghé tức sông Sài Gòn.
Hình ảnh Biển Đông (Đông Hải) được khắc trên Cao đỉnh. |
Theo nhà nghiên cứu Huế Phan Thuận An, hình ảnh chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam được khắc rõ nét nhất trên bề mặt Cao đỉnh với 3 hình ảnh là Biển Đông (Đông Hải), ô thuyền (loại thuyền tuần tiễu trên biển của thủy binh thời vua Gia Long) và con ba ba.
Đông Hải (Biển Đông) là tên gọi từ ngàn năm nay để chỉ vùng biển nằm phía Đông, thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trong Biển Đông có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ở vùng biển này từ cuối tháng 4 dến đầu tháng 11 hàng năm, thường có gió bão mạnh, nhất là khu vực quần đảo Trường Sa, nên còn gọi là quần đảo Bão Tố.
Vùng biển phía Nam Biển Đông khắc ở Nhân đỉnh. |
Hình ảnh vùng biển phía Nam Biển Đông khắc ở Nhân đỉnh, tượng trưng cho lòng nhân ái. Trong vùng biển này có nhiều hòn đảo như Đại Kim, Mảnh Hảo, Nội Trức, Phú Quốc, Thổ Châu, Côn Đảo… tiếp giáp với hải phận của các nước Malaysia, Indonesia…
Vùng biển Tây Nam Biển Đông được khắc trên Chương đỉnh. |
Vùng biển Tây Nam Biển Đông được khắc trên Chương đỉnh, tượng trưng cho ánh sáng. Biển phía tây có nhiều tài nguyên, nhất là những động vật dưới đáy biển. Vùng biển Tây ít gặp những cơn bão như Biển Đông bởi nó được đất liền che chắn, kín gió, ấm áp.